Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng 15/10

Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận

(Baohatinh.vn) - Phát huy truyền thống 94 năm ngành công tác dân vận của Đảng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trên địa bàn Hà Tĩnh không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh nhà, nhân lên niềm tin giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Cách đây 94 năm, sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 - 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: “Trong các đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động”.

baibaodanvancuabacho-anhtieude-1117.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác dân vận (Ảnh Báo Nghệ An).

Từ tháng 10/1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập. Sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng tiếp tục được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Trải qua 94 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền dự lễ ra mắt mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Kỳ Anh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền dự lễ ra mắt mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Kỳ Anh.

Song hành cùng ngành Dân vận cả nước, thời gian qua, ngành Dân vận Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

Toàn ngành đã quan tâm quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận đến các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; ban hành nhiều văn bản quan trọng, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác dân vận; tập trung đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai khá đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền và đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình "Dân vận khéo" điển hình trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền và đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình "Dân vận khéo" điển hình trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Công tác dân vận các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp và LLVT tiếp tục được quan tâm, có nhiều chuyển biến tốt. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn, qua đó giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, vướng mắc ở cơ sở, tạo được đồng thuận trong xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 1.894 cuộc đối thoại trực tiếp người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có 24.814 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, có địa chỉ cụ thể và đạt được hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đã tổ chức thành công, lan tỏa Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 ở các cấp trong toàn tỉnh.

dsc-3689-copy-9768-3406.jpg
Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 diễn ra thành công trong toàn tỉnh.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong từng thời điểm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác dân vận đã góp phần nâng cao niềm tin giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó thúc đẩy KT-XH phát triển, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

Tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận của Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trong thời gian tới, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục người dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, đơn vị.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của địa phương. Đồng thời quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác dân vận các cấp.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, ngành Dân vận tỉnh Hà Tĩnh không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác, vì mục tiêu cao nhất vì Nhân dân, vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh nhà.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...