Tích tụ ruộng đất ở Can Lộc (bài 2): Nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, nhà nước làm “bà đỡ”

(Baohatinh.vn) - Thay vì xây dựng vùng tích tụ ruộng đất trước, kêu gọi người đầu tư sau, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang chuyển hướng vận động những nhân tố có nhu cầu, khát vọng sản xuất trên cánh đồng lớn đứng ra làm chủ thể của quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.

Tuy nhiên, trên lộ trình nhiều gian khó này, rất cần sự tác động thực sự hiệu quả từ vai trò “bà đỡ” của các cấp chính quyền.

Tích tụ ruộng đất ở Can Lộc (bài 2): Nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, nhà nước làm “bà đỡ”

Anh Võ Đình Dũng làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Xuân 2019

Vợ chồng anh Võ Đức Dũng - chị Trần Thị Lương (thôn Kiều Mộc, Khánh Lộc) nổi tiếng siêng năng, ham ruộng nhất vùng. Nhiều năm nay, ngoài diện tích trồng lúa của gia đình, cứ nơi nào có đất bỏ không làm là anh lại tìm chủ để mượn trồng lúa. Anh Dũng hiện có 3 mẫu ruộng, ngoài vùng tập trung là 1 ha đất của nhà và thuê quỹ đất dự phòng của xã, còn lại phân tán ở nhiều vùng sản xuất.

Theo tính toán của người nông dân này, với 30 sào ruộng, trung bình mỗi sào chỉ tính bình quân 2,5 tạ, mỗi mùa, gia đình thu 7,5 tấn lúa, dù giá lúa có ở mức thấp (6.000 đồng/kg), cũng cho tổng thu 50 triệu đồng. Mỗi năm 2 vụ, trừ hết chi phí (chiếm 1/3 tổng thu), gia đình lãi khoảng 70 triệu đồng.

“Dù vất vả nhưng sản phẩm lúa chưa bao giờ gặp những biến động lớn về thị trường, vì vậy, nếu tích tụ được đất đai để sản xuất với quy mô lớn thì sẽ mang lại giá trị kinh tế khá và ổn định; đó là chưa nói, sản phẩm phụ từ trồng lúa sẽ hỗ trợ rất lớn cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm” - anh Dũng phân tích.

Tích tụ ruộng đất ở Can Lộc (bài 2): Nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, nhà nước làm “bà đỡ”

Mỗi vụ sản xuất, gia đình anh Võ Đức Dũng- chị Trần Thị Lương thu được 7,5 tấn lúa, vừa làm hàng hóa, vừa phục vụ chăn nuôi

Khát vọng tích tụ ruộng đất của gia đình anh Dũng được tiếp thêm động lực lớn sau khi anh được tham gia cùng đoàn cán bộ, nông dân huyện Can Lộc tham quan học tập kinh nghiệm ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - nơi có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất thành công.

Anh Dũng chia sẻ, "được các cấp chính quyền cho chủ trương, tôi đã chủ động trao đổi được với 4 hộ có đất ruộng liền kề với 1 ha mà gia đình sản xuất bấy lâu nay. Bước đầu, các hộ đã đồng tình đổi đất hoặc cho thuê đất ruộng để gia đình tôi mở rộng thêm diện tích 1,5 mẫu. Chúng tôi đang tiếp tục vận động thêm những hộ khác để đạt quy mô tích tụ ruộng lớn, với tới các chính sách hỗ trợ để đầu tư sản xuất bài bản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mong muốn chính quyền xã làm tốt vai trò trọng tài để bên thuê đất và bên cho thuê tìm được tiếng nói chung. Trong đó, điều cốt yếu là thỏa thuận được một mức giá thuê đất hài hòa cùng với sự cam kết cho thuê với thời gian ít nhất là từ 5 năm trở lên”.

Tích tụ ruộng đất ở Can Lộc (bài 2): Nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, nhà nước làm “bà đỡ”

Ứng dụng máy cấy vào sản xuất, huyện Can Lộc sẽ ưu tiên hỗ trợ các hộ thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất

Ngoài anh Võ Đức Dũng, ở Khánh Lộc còn có 3 hộ cùng chí hướng sản xuất lúa quy mô lớn; tại các xã Thanh Lộc, Vượng Lộc, Thượng Lộc cũng đã xuất hiện những nông dân đặt mình ở vai trò chủ thể để tính toán, vận động tích tụ ruộng đất. Đây chính là kết quả bước đầu từ quá trình tuyên truyền, vận động, đồng hành của chính quyền các cấp, nhất là sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở huyện Vũ Thư do huyện Can Lộc tổ chức vào quý 3/2018.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường khẳng định: “Đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết hoặc thuê đất sản xuất là một trong những mũi đột phá được xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Huyện đang tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chủ động đứng ra vận động để tích tụ ruộng đất. Chính quyền các cấp đóng vai trò là trọng tài, hỗ trợ thực hiện các cơ chế pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho bên thuê đất và cho thuê đất. Ngoài chính sách riêng trong hỗ trợ tích tụ ruộng đất của tỉnh và của huyện, Can Lộc đang xem xét lồng ghép các chính sách hỗ trợ máy cấy, máy làm đất và máy sấy nông sản cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất cánh đồng tập trung ổn định, lâu dài, có quy mô lớn”.

Tích tụ ruộng đất ở Can Lộc (bài 2): Nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, nhà nước làm “bà đỡ”

Thời gian gần đây thương lái đến thu mua lúa tươi ngay tại chân ruộng nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên, cần những đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài để người nông dân yên tâm đầu tư tích tụ ruộng đất với quy mô lớn

Bên cạnh đó, tiến tới mục tiêu chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên phạm vi toàn huyện, huyện đang chỉ đạo triển khai công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất lần 3 tại một số xã, trong đó, tập trung cao cho việc bố trí ruộng của những hộ dân không có nhu cầu sản xuất về 1-2 vùng/xã để thuận lợi cho việc cho thuê đất.

Cùng đó là tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tới tận các thôn xóm để tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất và người có đất cho thuê nhận thức rõ những lợi ích của mô hình tích tụ ruộng đất.

Với phương pháp tiếp cận mới, Can Lộc đang bền bỉ tìm hướng đi phù hợp để thực hiện “cuộc cách mạng” tích tụ ruộng đất, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của những xã đang bắt tay xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất hiện nay, để đi đến thành công, một trong những giải pháp cốt lõi là huyện cần xúc tiến phát triển mạnh mẽ hơn các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tìm kiếm đối tác liên kết thu mua sản phẩm nông nghiệp ổn định nhằm giúp các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên diện tích tích tụ ruộng đất.

Cuối năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND, trong đó quy định, đối với các mô hình tích tụ ruộng đất, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất cây hằng năm để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tối thiểu đối với lúa 5 ha/vùng (liền thửa), đối với cây trồng cạn hàng năm 2 ha/vùng (liền thửa), thời hạn thuê đất 5 năm trở lên với mức 70% kinh phí thuê đất trong 3 năm đầu, tối đa 10 triệu đồng/ha... Tuy nhiên, trong 2 năm triển khai Nghị quyết 32, không chỉ riêng Can Lộc mà tất cả các địa phương trong toàn tỉnh chưa có mô hình tích tụ ruộng đất trồng lúa nào tiếp cận được chính sách.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.