Bằng thủ đoạn mạo danh nhà mạng, thông báo giải thưởng, 3 bị cáo đã chiếm đoạt của nạn nhân hơn 46 triệu đồng.
Chỉ vì quá tin tưởng, hám lợi và bị thuyết phục bởi những lời dẻo ngọt của kẻ xấu, không ít người đã trở thành nạn nhân của nhiều vụ lừa đảo. Sau khi đối phương đã “sập bẫy”, các đối tượng yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, nộp tiền vào tài khoản đã được chỉ định hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào…
Sáng 8/1/2016, cả 3 đối tượng cùng trú tại xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh) là: Dương Tấn Sang (SN 1997) tự giới thiệu là Trần Mạnh Tùng - Trưởng phòng Giao dịch trung tâm Ngân hàng Quân đội; Nguyễn Văn Cương (SN 1994) tự giới thiệu là Nguyễn Thành Trung - nhân viên Chi cục Thuế Hà Nội và Phạm Văn Năm (SN 1992) tự nhận là Nguyễn Văn Việt - nhân viên Ngân hàng Quân đội gọi vào số thuê bao của chị Lê Thị Hảo (SN 1982), trú tại Cẩm Phả (Quảng Ninh). Theo kế hoạch được vạch sẵn, 3 đối tượng thông báo và chúc mừng chị Hảo may mắn trúng giải thưởng trị giá 137 triệu đồng (gồm 100 triệu đồng tiền mặt và chiếc xe NouvoLX trị giá 37 triệu đồng).
Để hoàn tất thủ tục nhận thưởng, Sang yêu cầu chị Hảo nộp 9,9 triệu đồng, Cương yêu cầu nộp 5,2 triệu đồng và Năm yêu cầu nộp 31,1 triệu đồng bằng cách mua các thẻ cào mạng Viettel, cào và đọc mã thẻ. Cả tin, chị Hảo mua và gửi mã thẻ cho các đối tượng tương ứng tổng số tiền 46,2 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được số tài sản này, Sang, Cương và Năm bán lại lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Khi liên lạc vào số điện thoại đã gọi nhưng tắt máy và nghe mọi người cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, chị Hảo mới vỡ lẽ mình đã bị kẻ xấu lợi dụng.
Ngày 27/5, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh đưa các bị cáo Dương Tấn Sang, Phạm Văn Năm, Nguyễn Văn Cương ra xét xử lưu động về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phi pháp. Do nắm bắt được tâm lý thích được nhận quà và lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của các nạn nhân; thấy việc chiếm đoạt tiền quá dễ dàng, cả 3 bị cáo đã nảy sinh ý định kiếm tiền tiêu xài từ hành vi bất chính.
Theo tìm hiểu từ phía người dân, trước đây, từng có người ở Hà Nội trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo sinh sống trên địa bàn Kỳ Thượng. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, hành vi của các đối tượng lừa tiền điện thoại còn khiến người sử dụng dịch vụ viễn thông bị rối loạn.
Xét các yếu tố như bị cáo thành khẩn khai báo, nhanh chóng khắc phục hậu quả và phạm tội lần đầu, hội đồng xét xử tuyên phạt Dương Tấn Sang 17 tháng tù, Phạm Văn Năm 15 tháng tù và Nguyễn Văn Cương 10 tháng tù giam. Đông đảo người dự khán bày tỏ sự hài lòng về phiên xét xử bởi đây sẽ là bài học đắt giá cho những kẻ có ý định lừa đảo qua chiêu thức nạp tiền điện thoại; đồng thời là lời cảnh báo cho những người ít hiểu biết về các kỹ thuật, công nghệ cao, dễ sa ngã trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của kẻ lừa đảo.
Không riêng nhà mạng
Viettel, nhiều nhà mạng lớn như Vinaphone, Mobifone cũng bị kẻ xấu lợi dụng. Để bảo vệ khách hàng, các nhà mạng đã liên tục đăng tải thông tin lên website và nhắn tin tới thuê bao khuyến cáo về các hình thức lừa đảo. Đối với các chương trình khuyến mãi hoặc quay số trúng thưởng, nhà mạng chính thức sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ cào hoặc nạp tiền hay cung cấp thông tin cá nhân chi tiết.
Tuy vậy, loại tội phạm này rất khó truy tìm do chúng thường sử dụng sim điện thoại trả trước không đăng ký, thay đổi họ tên rồi mạo danh các nhà mạng, cơ quan và tổ chức uy tín để thực hiện hành vi. Sau khi “con mồi” đã sập bẫy, chúng nhanh chóng vứt sim, xóa dấu vết.