Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Trần Trọng Bình làm đơn nhập ngũ, năm 1972 tham gia chiến đấu tại chiến trường B2, Quân khu 9, miền Tây Nam Bộ. Năm 1975, ông được điều ra công tác ở đảo Phú Quốc, đến tháng 6/1976, ông bị thương và được đơn vị cho đi điều trị, sau đó phục viên trở về địa phương.
Từ năm 1981 đến 2010, ông Bình tham gia công tác tại địa phương. Trong suốt những năm tháng làm việc tới lúc về hưu, ông Bình luôn trăn trở làm thế nào để đánh thức tiềm năng đất đai giàu có của quê hương mình.
Trong suốt những năm tháng làm việc và tới lúc về hưu, ông Bình luôn mang nặng nỗi trăn trở về vùng đất mình sinh sống
Ông Bình kể: Sơn Kim 1 lúc đó là xã vùng biên còn nghèo đói, lạc hậu, người dân chủ yếu sống dựa vào rừng, làm ăn manh mún chỉ đủ sống qua ngày. Bên cạnh đó, với tâm thế của một địa phương được thụ hưởng Chương trình 135 nên tính tự giác, tự chủ của người dân còn hạn chế.
Năm 2000, khi nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông mạnh dạn đi đầu thử nghiệm khai hoang, mở đất, nhận hơn 27 ha đồi hoang tại thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1 để phát triển kinh tế vườn rừng.
“Lúc mới vào đây, cả gia đình tôi phải đối mặt với “núi” công việc với số tiền đầu tư không nhỏ. Nhiều người lúc đó tỏ ý quan ngại khi cho rằng việc tôi đang làm sẽ không cho thu lợi gì” - ông Bình chia sẻ.
Nhờ đầu tư đúng hướng, áp dụng tốt tiến bộ KHKT, nên mô hình kinh tế của cựu binh Trần Trọng Bình mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng
Không chùn bước bởi khó khăn, với số vốn khiêm tốn, ban đầu ông Bình trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, lạc và nuôi thêm dê, bò. Thời đó, phương tiện đi lại hiếm hoi, bản Sơn Kim 1 là vùng núi nên việc tiếp cận các nguồn giống đảm bảo và thông tin khoa học kĩ thuật cũng không nhiều. Ông Bình dành thời gian mày mò, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, cộng thêm kiến thức từ các lớp chuyển giao khoa học kĩ thuật được tập huấn để làm chủ sản xuất. Mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) ngày càng tăng thu nhập, giúp cuộc sống gia đình ông dần đi vào ổn định.
Sau gần 10 năm trời bền bỉ, cần cù lao động, giờ đây, trên diện tích đất rừng rộng hơn 27 ha, cựu binh Trần Trọng Bình đã quy hoạch trồng được hơn 4 ha giống cam V2 với khoảng 2.000 gốc, 10 ha cây keo nguyên liệu, 10 ha cây rừng bản địa. Số diện tích còn lại được đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hàng chục con bò, hàng trăm con gia cầm và nhân giống nhiều loại cây khác.
Mô hình kinh tế của cựu binh Trần Trọng Bình mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ khai thác cây lâm nghiệp theo chu kỳ và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Hơn 4 ha giống cam V2 với khoảng 2.000 gốc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch
Ngoài ra, ông Bình còn được biết đến là “cha đẻ” của giống bưởi hồng Quang Tiến trên đất Sơn Kim 1, khi là người đầu tiên đưa hơn 1.000 gốc bưởi từ Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp ở Phủ Quỳ (Thái Hòa, Nghệ An) về nhân giống tại địa phương.
Hiện toàn xã đã có hơn 100 hộ nhân trồng, cho thu nhập cao.
10 ha cây keo nguyên liệu, 10 ha cây rừng bản địa đã phủ màu xanh cây trái lên vùng đồi hoang ngày nào
Dẫn chúng tôi vòng quanh vườn mới thấm thía biết bao công sức từ bàn tay của người cựu binh đã đổ xuống mãnh đất này. “Phát triển mô hình VACR, tôi nghĩ bà con nơi đây ai cũng làm được. Tôi đã hướng dẫn cho nhiều người cách trồng, cách nuôi và động viên họ mạnh dạn nuôi, trồng nhiều loại cây, con. Muốn thoát nghèo, không có cách nào khác phải không ngừng học hỏi, dám nghĩ và dám làm để biến cái không thể thành có thể…!”, ông Bình cười tươi chia sẻ.
Ông Bình đang thử nghiệm với cây dược liệu với gần 500 gốc, mở thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế
Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 Bùi Xuân Hoàng cho biết: “Không chỉ là cựu binh, người hưu trí mẫu mực, ông Trần Trọng Bình còn là người làm kinh tế giỏi khiến ai cũng khâm phục.
Ý chí, nghị lực, sự cần cù chịu khó trong lao động sản xuất đã giúp gia đình ông trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Ngoài ra, hằng năm ông Bình luôn được UBND xã, huyện và các hội đoàn thể tặng bằng khen trong lao động sản xuất …”.