Đón chúng tôi trong ngôi nhà chất đầy những ngư cụ, vị thuyền trưởng từng mang màu áo xanh áo lính xuất hiện với dáng vẻ hoạt bát pha lẫn sự rắn rỏi đậm chất người miền biển. Bên bát nước chè xanh đượm nồng hương biển, ông Hiệp bồi hồi kể lại: Tháng 2/1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ tại đơn vị 273, Sư 341, Quân khu 4.
3 năm trong môi trường quân ngũ đã tôi rèn cho bản lĩnh, ý chí người lính Mai Văn Hiệp...
Trở về nhà sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, tính cần cù, chịu khó và gan dạ của ngư dân Mai Văn Hiệp càng thêm được tôi luyện. Ông lại ra biển, trở lại với ngư trường đã nuôi sống người dân quê ông qua bao đời nay.
Vá lưới, sẵn sàng ngư cụ cho mỗi chuyến giong thuyền ra khơi như trở thành nếp quen của người cựu binh này
Ban đầu, với số vốn ít ỏi, ông đầu tư thuyền nhỏ vỏ gỗ để đánh bắt gần bờ nhưng bữa sóng, bữa gió nên cho thu nhập khá bấp bênh. Những ngày ấy gian nan, cơ cực, nhà đông con, có những chuyến đi biển chỉ quay về tay trắng. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh người lính lại càng thôi thúc ông không chùn bước. Ông động viên người vợ thủy chung của mình: “Chỉ cần vẫn còn sức khỏe, thì khổ mấy cũng vượt qua được”.
Đến năm 2010, qua quá trình tích lũy cùng với vay mượn hơn 1 tỷ đồng, ông quyết chí mạnh dạn đầu tư tàu công suất 160 CV để đánh bắt xa bờ tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh. Năm 2013, gia đình ông chuyển lên vùng tái định cư Ba Đồng, xã Kỳ Lợi, từ đó công việc làm ăn của ông mới chính thức phất lên.
Chiếc thuyền công suất 160 CV được ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng
Ông Hiệp chia sẻ: “Có an cư thì mới lạc nghiệp, kể từ khi lên đây công việc đi biển của tôi mở mang, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện ngoài 2 thuyền nhỏ đánh gần bờ, tàu công suất 160 CV mỗi chuyến đi biển trong 1 tuần mới quay về. Các mẻ lưới tập trung vào các nguồn hải sản có giá trị kinh tế cao như mực, cá thương phẩm cỡ lớn để xuất khẩu nên nếu được mùa, được giá, mỗi tháng đi biển cho thu nhập 300-400 triệu đồng…”
Nụ cười hồn hậu của người cựu binh, vị thuyền trưởng Mai Văn Hiệp khi nhắc tới mỗi chuyến vượt trùng khơi khoang thuyền đầy ắp tôm cá
Người cựu binh ấy không chỉ là một “lão ngư” điêu luyện mà còn là một tấm gương giáo dân điển hình sống kính Chúa, yêu nước. Năm 1997, ông gia nhập vào Hội CCB thôn, xã và trở thành hội viên hoạt động tích cực trong mọi phong trào của địa phương. Ông là một trong những hộ tiên phong di dời lên khu tái định cư và tuyên truyền, vận động bà con nhận thấy được cuộc sống tốt đẹp hơn trên vùng đất mới..
Ông Hiệp luôn tâm niệm rằng: “Làm kinh tế giỏi, nhiệt tình trong công tác xã hội, nuôi con cái thành đạt là một cách để ông tuyên truyền, vận động bà con giáo dân giáo họ thực hiện lời dạy của Chúa: Kính Chúa yêu người, đoàn kết, bác ái”.
Khu vực âu thuyền Ba Đồng, nơi luôn tấp nập tàu thuyền
Nói về thói quen thay lá cờ Tổ quốc cắm trên mũi tàu trước mỗi lúc giong buồm ra khơi, ông Hiệp chia sẻ: "Tôi luôn nghĩ rằng, dù người giáo hay người lương đều chỉ có chung một Tổ quốc, nên việc gìn giữ hình ảnh, bảo vệ chủ quyền của đất nước, quê hương mình là trách nhiệm không chỉ riêng ai. Bản lĩnh, ý chí của người lính trên chiếc tàu gắn lá cờ Tổ quốc đã giúp ông Hiệp vững vàng trước gió to, sóng cả.
Trước mỗi chuyến ra khơi, cùng với việc chuẩn bị ngư cụ...
Trong câu chuyện say sưa về biển cả, ông Hiệp lắng xuống, nhìn xa xăm ra biển nói: "Các ngư dân nơi đây luôn cầu mong trời yên biển lặng để họ trở về cùng khoang đầy ắp cá. Dẫu luôn phải đối mặt với hiểm nguy ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng bao đời nay, những ngư dân làng chài chưa bao giờ ngưng đi biển. Biển là nguồn sống của gia đình họ, là ngôi nhà thứ hai của họ".
... ông còn buộc chắc chắn lá cờ Tổ quốc cắm trên mũi tàu
Ông Hiệp luôn đau đáu, khai thác trên biển phải biết nuôi dưỡng, chứ không thể cứ thấy lộc biển thì dùng bằng hết. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông luôn bày tỏ sự xót xa khi hiện nay tình trạng dùng thuốc nổ, xung kích điện để khai thác hải sản quá đà đã làm cho nguồn thủy sinh dần cạn kiệt. Đây là nguy cơ báo động không chỉ cho biển, mà cho cả đời sống của biết bao người trên bờ. Rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý để biển sớm bình yên. “Nếu làm được gì để ngăn chặn tôi cũng xin góp một tay”- ông nói.