Sáng 7/12/2022, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với TAND, Viện KSND và Cục THADS tỉnh để nghe báo cáo về tình hình, kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 của các đơn vị. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cùng dự. |
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc làm việc.
Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2022, toàn ngành đã thụ lý, giải quyết 3.603/4.053 vụ, việc trên các lĩnh vực hình sự, hôn nhân gia đình, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính… đạt tỷ lệ 88,9%, tăng 832 vụ, việc (25,8%) so với năm 2021. Tỷ lệ hủy, sửa các loại án do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,36% (hủy 7 vụ, sửa 6 vụ ), giảm 0,14% so với năm 2021, thấp hơn 1,14% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Phó Chánh án TAND tỉnh Bùi Văn Lam báo cáo kết quả hoạt động của ngành năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Báo cáo về tình hình tội phạm, Viện KSND tỉnh cho biết: Năm 2022, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh được phát hiện, xử lý tăng so với cùng kỳ năm 2021. Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 884 vụ/1.741 bị can, tăng 10,6%; kiểm sát giải quyết 1.197 nguồn tin về tội phạm, tăng 20,5% so với cùng kỳ; kiểm sát điều tra 1.033 vụ/2.056 bị can, tăng 9,3% số vụ và 22,7% số bị can.
VKSND đã giải quyết 776 vụ/1.581 bị can đề nghị truy tố, đạt tỷ lệ 100%. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 878 vụ với 1.814 bị cáo sơ thẩm và 200 vụ với 316 bị cáo phúc thẩm.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Thi Quỳnh Hoa báo cáo tình hình, kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 của dơn vị.
VKSND hai cấp cũng tiến hành 36 cuộc kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị ban hành năm 2021; 2 cuộc trực tiếp kiểm sát đột xuất và 223 cuộc trực tiếp kiểm sát định kỳ về công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự năm 2022.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, việc giải quyết vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia: Đề nghị Viện KSND tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp.
Năm 2022, tỷ lệ thi hành án xong về việc/tiền đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Trong đó, về việc có điều kiện thi hành là 3.720 việc, đã thi hành xong 3.326 việc, đạt tỷ lệ 89,41%, tăng 0,27% so với năm 2021, tăng 5,91% so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Về tiền, tổng số tiền có điều kiện thi hành là 217 tỷ đồng, đã thi hành xong 127,5 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng, tăng 11,37% so với năm 2021, đạt tỉ lệ 58,76%, vượt so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao là 16,66%.
Đề nghị các cơ quan tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ chính trị với việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua các phiên tòa lưu động. Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác quản lý điều hành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bao gồm cả số hóa hồ sơ vụ án, quản lý tốt cán bộ ngành; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị các ngành cần làm việc phối hợp giữa TAND và VKSND trong thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa lưu động; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác trong tạm giam, tạm giữ; việc giải quyết các đơn khiếu nại; kết quả xử lý các kiến nghị của chính quyền địa phương, các ngành; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử trực tuyến; công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm...
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đánh giá cao những kết quả đạt được của các ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần kết luận cuộc làm việc.
Đồng thời, đề nghị các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục những sai phạm, hạn chế, tồn tại về nghiệp vụ; tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng, gắn với chính quyền địa phương để xử lý tốt các tình huống, vụ việc phức tạp trên địa bàn…
Đối với kiến nghị của các đơn vị, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp thu, tổng hợp chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.