Tình cảm sâu nặng của kiều bào đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dù bận trăm công nghìn việc, lịch trình hoạt động dày đặc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện trách nhiệm, tình cảm đặc biệt dành cho kiều bào.

Phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương 2019, Tổng Bí thư từng nói: "Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc".

Những lời nói chân thành, cử chỉ và ánh mắt trìu mến hay cái bắt tay thật ấm áp trong các cuộc gặp gỡ thân mật đã để lại ấn tượng không thể quên với hàng triệu con Lạc cháu Hồng xa Tổ quốc. Vì vậy, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đều chung cảm dòng cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn với người lãnh đạo được nhân dân gửi trọn niềm tin yêu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các kiều bào về dự Chương trình Xuân quê hương năm 2019. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các kiều bào về dự Chương trình Xuân quê hương năm 2019. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dành tin yêu cho thế hệ trẻ tài năng

Với Ninh Đức Hoàng Long, kiều bào Hungary, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, anh bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Long tin rằng, chắc chắn đây không chỉ là nỗi buồn của riêng anh mà còn là mất mát to lớn của toàn dân tộc.

Chia sẻ những kỷ niệm may mắn được gặp Tổng Bí thư, Ninh Đức Hoàng Long kể, là nghệ sĩ Opera của Nhà hát Opera quốc gia Hungary, trong cuộc gặp gỡ ngoại giao cấp nhà nước Việt Nam - Hungary vào tháng 10/2018, anh vinh dự được biểu diễn để đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tại Nhà Quốc hội Hungary.

Sau buổi biểu diễn, có cơ hội gặp trực tiếp Tổng Bí thư, trong lòng chàng trai 33 tuổi dâng lên cảm xúc khó tả khi nhìn thấy nụ cười ấm áp và ánh mắt trìu mến, quan tâm của Tổng Bí thư. "Bác nói rằng, bác rất vui và tự hào, dặn dò tôi tiếp tục cố gắng trau dồi để xây dựng hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam ta nơi xứ người và tiếp tục làm cầu nối văn hóa giữa hai đất nước. Những lời nói ấy không chỉ là sự khích lệ mà còn là một lời nhắn gửi đầy tình cảm và trách nhiệm", Long nghẹn ngào kể lại.

Bốn tháng sau, trong chuyến trở về tham dự chương trình Xuân Quê hương năm 2019 cùng Đoàn đại biểu kiều bào Việt Nam tiêu biểu, Hoàng Long một lần nữa vinh dự được gặp Tổng Bí thư trong buổi Lễ dâng hương tại đền Ngọc Sơn. Kể lại khoảnh khắc này, Hoàng Long vẫn nhớ như in cảm giác xúc động khi giữa hàng trăm kiều bào, Tổng Bí thư vẫn nhận ra và bắt tay Long. Được gặp bác hai lần, lần nào cũng để lại trong Ninh Đức Hoàng Long những ấn tượng sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn.

"Hình ảnh giản dị, mộc mạc và tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi. Tôi cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm chân thành của bác dành cho cộng đồng người Việt xa Tổ quốc cũng như tầng lớp văn nghệ sĩ nước nhà. Chính sự quan tâm và động viên này đã giúp tôi và nhiều người khác trong cộng đồng kiều bào thêm gắn bó với cội nguồn và tự hào về đất nước. Những lời dạy và tấm gương của Tổng Bí thư sẽ mãi mãi là nguồn động lực để tôi và thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục phấn đấu có nhiều đóng góp và xây dựng thiết thực cho đất nước", anh Ninh Đức Hoàng Long xúc động chia sẻ.

Truyền cảm hứng đại đoàn kết dân tộc

Là kiều bào học tập, sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc gần 20 năm qua, Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần tại Hàn Quốc, trên cả cương vị là Chủ tịch Quốc hội (năm 2008) và sau đó là Tổng Bí thư (năm 2014).

Ngay sau Lễ đón tiếp trọng thị khi đến Hàn Quốc, khoảng chiều tối 1/10/2014, tại Thủ đô Seoul, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Đại sứ quán và nói chuyện thân mật với cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong lịch trình chuyến thăm dày đặc, cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình cảm, sự yêu quý với đồng bào xa Tổ quốc.

Lúc đó, với cương vị là Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, anh Trần Hải Linh vinh dự được đại diện cộng đồng gửi bó hoa tươi thắm tới Tổng Bí thư.

Trong buổi gặp mặt, anh Linh cho biết, không chỉ anh mà cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đều bày tỏ cảm động và ấn tượng với những lời nói từ tốn, ấm áp của Tổng Bí thư. Đó là: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại; giúp cộng đồng duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương đất nước".

Đại đoàn kết và duy trì, phát triển văn hóa dân tộc là 2 trong số nhiều vấn đề Tổng Bí thư nhấn mạnh rất nhiều lần. Tổng Bí thư mong muốn bà con nghiêm túc chấp hành luật pháp của nước sở tại, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương đất nước; chung tay với Đảng và Nhà nước, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa.

Lần thứ hai gặp Tổng Bí thư, anh Trần Hải Linh cho biết, đó là trong chương trình Xuân Quê hương năm 2019. Sau khi thực hiện nghi thức truyền thống thả cá chép, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thân mật trò chuyện với từng đại diện kiều bào của các nước. Bác ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, công tác, làm ăn kinh doanh của bà con kiều bào; động viên bà con luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Anh Trần Hải Linh kể lại, khi đến lượt mình, Tổng Bí thư nói: "Kiều bào Hàn Quốc đây rồi" và anh được nắm tay bác rất chặt và rất lâu. Anh báo cáo ngắn gọn về tình hình cộng đồng, Tổng Bí thư nói: "Hãy cố gắng nhiều hơn Linh nhé!", sau đó quay sang nói với tất cả bà con kiều bào có mặt ở buổi lễ: "Chúc tất cả bà con ta sang năm mới sức khỏe, an khang thịnh vượng, mọi điều tốt đẹp để đất nước mình phát triển nữa nhé".

"Tổng Bí thư cũng giản dị và gần gũi với nhân dân, truyền cảm hứng cho tất cả bà con kiều bào về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc", anh Linh chia sẻ.

Tấm gương khiêm tốn, mẫu mực, giản dị

Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc không khỏi bàng hoàng, đau buồn và thương xót. Bởi trong tâm trí và ấn tượng của ông cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Séc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo được nhân dân gửi trọn niềm tin yêu, kính trọng.

Những dấu ấn của Tổng Bí thư để lại không chỉ động viên, tạo niềm tin mà còn nâng cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc nói riêng, kiều bào trên khắp thế giới nói chung, hướng về quê Cha, đất Tổ. Có thể nói rằng, trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách đã thể hiện rất rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời thu hút, huy động được nguồn lực, tình cảm, tinh thần đoàn kết của kiều bào.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ, Tổng Bí thư là người nhân hậu, nhân văn, là tấm gương sáng về đạo đức, hết lòng hy sinh vì đất nước; song ông cũng là người giản dị, gần gũi, dành nhiều tình cảm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nhớ lại chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc vào năm 2009 trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Địa điểm đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đến thăm là Trung tâm dạy tiếng Việt dành cho con em kiều bào tại Séc. Chủ tịch Quốc hội đã ân cần dặn dò trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài...

Vinh dự được gặp Tổng Bí thư khi tham gia chương trình Xuân Quê hương năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên kể lại: "Đó là cái bắt tay rất chặt, nồng ấm và tình cảm. Tôi không thể nào quên. Báo cáo với Tổng Bí thư, cộng đồng người Việt tại Séc đã được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14, tôi thấy Tổng Bí thư vui lắm, gật đầu và cười trìu mến".

baotintuc.vn

Đọc thêm

Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.
Kỷ niệm những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kỷ niệm những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Khi còn là lãnh đạo ở huyện Can Lộc, rồi ngành VH-TT&DL tỉnh, tôi được phép nhiều lần tham gia đón tiếp, gần gũi Tổng Bí thư. Mỗi lần gặp như thế đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp...
Tiếp tục nghiên cứu, phát huy trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tiếp tục nghiên cứu, phát huy trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên) được tổ chức vào ngày 14/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá "chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", “gốc vững, thân chắc, cảnh uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh

Trái tim lớn đã ngừng đập nhưng hình ảnh và những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi sống trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, trở thành động lực quan trọng, góp sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kế thừa những bài học từ Hiệp định Geneva

Kế thừa những bài học từ Hiệp định Geneva

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đánh dấu bước mở đầu có tính quyết định cho sự sụp đổ hệ thống thực dân trên quy mô toàn cầu, góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới; đồng thời khẳng định tính tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Lần đầu tiên tất cả các nước lớn đã phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
[Infographic] Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

[Infographic] Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.