Danh dự của người đảng viên và sự thức tỉnh, cảnh tỉnh

(Baohatinh.vn) - Người sống có liêm sỉ, danh dự là người trung hiếu, tiết nghĩa. Đó là nền tảng đạo đức của con người chân chính. Đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, liêm sỉ, danh dự lại càng phải luôn luôn được coi trọng.

Tấm lòng son, chói sáng nghìn thu

Hiện nay, cả nước ta có hơn 5,3 triệu đảng viên. Là đảng cầm quyền, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, mang lại hòa bình cho non sông, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, làm cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

117d6144551t78591l0.jpg
Nhiều vùng quê ngày càng đổi mới và phát triển.

Sức mạnh của Đảng, sự trường tồn của Đảng nằm ở lòng yêu nước, thương dân, phẩm chất chính trị, đạo đức, tài năng của người đảng viên. Vì danh dự, uy tín của Đảng, hàng vạn đảng viên đã phải chịu đòn tra tấn cực hình của kẻ thù, nếm mật nằm gai, đói rét, đau đớn về thể xác, đày đọa về tinh thần. Nhiều đảng viên trung kiên đã hiên ngang ra pháp trường, không hề run sợ trước họng súng của kẻ thù với niềm tin sắt đá: chiến thắng thuộc về những người yêu nước. Những lớp người ấy đã coi danh dự của Đảng, niềm tin của Nhân dân gửi gắm lên trên hết. Đúng như đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trước lúc ra pháp trường vào năm 1944 đã nhắn gửi:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù, chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành.

Bạn hỡi, gần xa hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành!

Thời kỳ hòa bình, hàng triệu cán bộ, đảng viên khắp mọi miền đất nước, trong các ngành, nghề, tổ chức chính trị - xã hội đã không ngại gian khổ, khó khăn, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, vượt qua bao khó khăn thường nhật, cám dỗ vật chất, “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Bằng bàn tay và khối óc của mình, các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo Nhân dân chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho đất nước, quê hương đổi mới, thịnh vượng và phát triển. Họ luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết và trước hết, luôn coi trọng danh dự của người đảng viên. Vì uy tín, danh dự của Đảng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên đã “giữ trọn được thanh danh”:

Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng

Tấm lòng son chói sáng nghìn thu

Mặt trời có lúc mây mù

Trái tim ta vẫn đỏ bầu máu tươi!

(Tố Hữu)

Tuy vậy, hiện nay, có một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền đã coi nhẹ uy tín của Đảng, đánh mất danh dự người đảng viên, lao vào cơn lốc danh lợi, tiền bạc, lấy danh dự, uy tín của tổ chức Đảng để làm “vỏ bọc”, “tráng men” cho những hành vi thu vén cá nhân. Trầm trọng hơn, không ít người đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước và Nhân dân, làm giảm uy tín, thanh danh của Đảng. Con số những đảng viên từ Trung ương đến các tỉnh, thành bị xử lý kỷ luật, bị truy tố những năm gần đây đã phản ánh thực trạng đó.

Danh dự của người đảng viên và sự thức tỉnh, cảnh tỉnh
Bác Hồ và cán bộ (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Bác dặn cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ: “Không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Trước lúc đi xa, Người cũng tha thiết dặn dò: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch”.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (tháng 6/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: một trong những việc học và làm theo Bác Hồ là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Vì liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 19/11/2020, đồng chí Tổng Bí thư cũng luận giải, đề cao liêm sỉ, danh dự, thứ cao quý nhất trên đời. Đồng chí viện dẫn lời của Pa-ven Cooc-sa-ghin, nhân vật trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Ni-cô-lai-Xéc-gây-Ôx tơ-rốp-xki và liên hệ, nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Vì vậy, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai mang tiếng, mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời, vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”.

Danh dự của người đảng viên và sự thức tỉnh, cảnh tỉnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngày 30/6/2022, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Danh dự, uy tín của đảng viên có vai trò đảm bảo cho sự tồn vong của Đảng. Mỗi đảng viên trung thành, tận tụy, giữ uy tín của mình tức là đã góp phần gìn giữ uy tín của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Mỗi đảng viên giữ gìn thanh danh của mình thì Đảng mới trong sạch được.

Thức tỉnh và cảnh tỉnh

Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đánh mất hết danh dự, lòng tự trọng, “nhầm lẫn” giữa chức vụ được giao với quyền lợi thu vén được, để người nhà, người thân lộng hành, đục khoét, vơ vét, lợi ích nhóm, tinh thần dân chủ bị tê liệt, uy tín Đảng giảm sút nghiêm trọng, Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng với các nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, với không khí: “Lò đã nóng lên thì củi tươi cũng phải cháy” và tinh thần “kiên quyết, kiên trì”. Công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng diễn ra quyết liệt, mang lại nhiều hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế khen ngợi. Khái niệm “Đốt lò” đã được giới truyền thông trong nước và quốc tế nhắc đến rất nhiều. Đây là sự thức tỉnh và cảnh tỉnh cho toàn thể cán bộ, đảng viên.

Nhiều người “tay nhúng chàm” khi bị sa vào vòng lao lý, ngoái đầu nhìn lại mới thấy xót xa, ân hận. Đã có cán bộ chức cao vọng trọng đứng trước vành móng ngựa bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, xin nhận tất cả khuyết điểm, sai lầm của mình đã làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng. Bài học của họ không chỉ thức tỉnh cho một người mà thức tỉnh cho hàng vạn cán bộ, đảng viên khác, rằng: phải luôn đặt danh dự của Đảng lên trên hết và trước hết.

Danh dự của người đảng viên và sự thức tỉnh, cảnh tỉnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023 và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay.

Kết quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng giúp cảnh tỉnh rất nhiều cán bộ, đảng viên chưa “nhúng chàm” tránh xa cái bẫy quyền lực và danh vọng, tự soi tự sửa bản thân, thực hiện đúng quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, thượng tôn pháp luật, phát huy dân chủ, ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước, đảm bảo kỷ cương phép nước, vì mục tiêu cao quý phục vụ Nhân dân, vì sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Một cái cây muốn phát triển được, bên cạnh giống tốt, chăm sóc, vun xới hàng ngày còn phải diệt sâu bọ phá hoại, cắt bỏ cành héo úa. Một cơ thể muốn khỏe mạnh, bên cạnh ăn uống đủ chất, luyện tập hàng ngày còn phải sớm phát hiện và điều trị các căn bệnh, không để mầm bệnh trở thành nan y. Tổ chức Đảng cũng vậy, bên cạnh không ngừng chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, tinh thần đi đầu bước trước của người đảng viên, còn phải từng ngày thực hiện công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, phát hiện sớm những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, không để những “căn bệnh” này lan rộng thành căn bệnh trầm kha, nguy hại đến sự tồn vong của Đảng.

106d5225214t65704l0.png
Uy tín và danh dự của người đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ (ảnh minh họa).

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng không chỉ có ý nghĩa giúp đảng viên giữ gìn uy tín, danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của Đảng, đảm bảo kỷ cương phép nước mà còn mang ý nghĩa cảnh tỉnh và thức tỉnh, giúp đảng viên tránh sa vào vũng lầy của suy thoái đạo đức, giúp mỗi người sống trong sạch, thiện lương, gìn giữ được thanh danh cao quý, cũng là giữ được đạo làm người.

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).