Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng ngày 11/3 yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia để sửa đổi chu kỳ kiểm định xe, tính theo thời gian hay số km.
Ông Nguyễn Văn Thanh nói các nước đều tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian, không theo số km đã chạy. Nguyên nhân là các thiết bị, phụ tùng dù không sử dụng vẫn có thể hư hại theo thời gian, như lốp sau vài năm phải thay dù xe không lăn bánh, hay xe phải thay dầu dù ít sử dụng.
“Nếu tính theo số km thì các xe ít dùng sẽ được kéo dài thời gian đăng kiểm dù chất lượng phụ tùng xuống cấp, nhiều chủ xe cũng có thể sử dụng thiết bị để tua lại số km, ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện”, ông Thanh nhận định.
Đồng quan điểm, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết chưa có nước nào tính chu kỳ kiểm định theo số km. Việc này nếu áp dụng sẽ gây rắc rối cho đơn vị kiểm định vì chủ xe rất dễ dàng can thiệp, sửa lại số km xe đã vận hành.
Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, về lâu dài, mỗi xe dán thẻ thu phí không dừng có thể tích hợp thời gian đăng kiểm. Khi xe đi qua trạm thu phí, các thông số về tình trạng đăng kiểm, đóng phí đường bộ, lỗi vi phạm sẽ được cập nhật. Nếu chu kỳ kiểm định tính theo số km thì khả năng tích hợp như trên sẽ bị hạn chế.
Ôtô xếp hàng chờ đăng kiểm tại trung tâm đăng kiểm ở quốc lộ 13, TP Thủ Đức, tháng 1/2023. Ảnh: Đình Văn
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng phương án đăng kiểm theo thời gian cũng có điểm bất hợp lý. Ông tính toán, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ mỗi ngày chạy khoảng 250 km thì trong 24 tháng (chu kỳ đầu) sẽ đi khoảng 200.000 km. Trong khi đó xe cá nhân, gia đình dưới 9 chỗ, mỗi ngày chỉ đi khoảng 50 km thì trong 30 tháng (chu kỳ đầu) đi khoảng 45.000 km.
Như vậy, xe cá nhân đi số km ít hơn nhiều so với xe kinh doanh trong chu kỳ đầu. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông hiện nay đã được cải thiện, xe đời mới chất lượng tốt, nên ông đề nghị kéo dài chu kỳ đăng kiểm cho xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng đồng tình kéo dài chu kỳ kiểm định cho xe gia đình vì được bảo dưỡng tốt. Những xe giá cao, siêu xe cần có chu kỳ dài hơn vì chất lượng xe tốt. Xe kinh doanh vận tải trên 9 chỗ đã sử dụng 5 năm, xe tải sử dụng trên 7 năm nên kéo dài chu kỳ 1 năm thay vì 6 tháng như hiện nay.
“Việc áp chu kỳ kiểm định ngắn khiến chủ xe tốn thời gian và gây áp lực cho trung tâm đăng kiểm”, ông Thanh đánh giá.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn kiểm định cho xe mới lưu kho tối đa 23 tháng và chu kỳ kiểm định đầu tiên 30 tháng (2,5 năm). Ông Đào Công Quyết cho rằng thời gian lưu kho nên giảm xuống 12 tháng để xe không bị hư hỏng, song cần tăng chu kỳ kiểm định đầu tiên lên 4 năm giống một số nước, như Hàn Quốc.
Ở Mỹ, mỗi bang có những quy định cụ thể khác nhau về chu kỳ kiểm định ôtô. Tại những bang như Delaware, New Jersey, District of Columbia, xe mới được miễn đăng kiểm trong 4 năm đầu tiên, trong khi các bang khác là hai năm. Một số quốc gia châu Âu có thời hạn khác với quy định chung, như Áo, Đức hay Thụy Điển, yêu cầu xe mới phải đăng kiểm lần đầu sau 3 năm.
Tại châu Á, một số quốc gia cũng có chu kỳ kiểm định giống châu Âu. Lần đăng kiểm đầu tiên với xe mới ở Hàn Quốc là sau 4 năm kể từ lúc đăng ký lần đầu và sau đó là hai năm một lần. Nhật Bản cũng giống Áo hay Đức, với 3 năm cho lần đầu tiên và sau đó là mỗi hai năm.
Ba năm cũng là thời hạn cho lần đăng kiểm đầu tiên với xe mới ở Singapore, sau đó, ôtô 3-10 năm tuổi phải đi kiểm định mỗi hai năm. Từ 10 năm trở lên, chu kỳ đăng kiểm xe sẽ là hàng năm.
Những ngày qua, tình trạng ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm Việt Nam diễn ra nghiêm trọng, nhiều chủ xe phải đợi 2-3 ngày mới đến lượt đưa xe vào kiểm định. Các đăng kiểm viên đều phải làm việc tăng ca, thêm giờ các ngày trong tuần. Do đó, phương án kéo dài chu kỳ kiểm định xe được coi là một trong những giải pháp giảm áp lực cho người dân và đơn vị đăng kiểm.