Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Kiên cường, bất khuất là một trong những truyền thống tốt đẹp của Nhân dân Hà Tĩnh. Truyền thống đó đã được kế thừa và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đầu đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh được lịch sử ghi nhận là một trong 4 tỉnh giành chính quyền đầu tiên của cả nước trong Cánh mạng tháng Tám năm 1945. Thắng lợi đó là danh dự, niềm tự hào và vinh quang của mảnh đất và con người nơi đây.

Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh

Bến đò Thượng Trụ tại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3/1930). Ảnh: Đạt Võ

Con người Hà Tĩnh vốn chân chất, hiền lành, cần cù, thông minh, sáng tạo và biết cố kết thành cộng đồng để xây dựng quê hương. Mỗi khi có giặc xâm lược thì tinh thần đó lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với chí khí kiên cường, bất khuất; bền gan, vững chí, họ không quản ngại hy sinh để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ quê hương, đất nước.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta bằng sức mạnh vũ khí vượt trội hoàn toàn với những kẻ thù khác trong lịch sử nhưng dân tộc Việt Nam, trong đó có Nhân dân Hà Tĩnh, quyết không khuất phục. Trên mảnh đất kiên trung này, ngọn lửa đấu tranh vẫn bền bỉ, mãnh liệt, không bao giờ tắt.

Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời (tháng 3/1930) là bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền của Nhân dân Hà Tĩnh cuối cùng đã cập bến bờ thắng lợi, góp phần xứng đáng vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám trong cả nước.

Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân nhưng trên hết, đó là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất của Nhân dân Hà Tĩnh; là kết tinh truyền thống yêu nước của nhiều thế hệ mà trực tiếp là kết quả của sự hy sinh lớn lao của các chiến sỹ cách mạng và người dân yêu nước, yêu quê hương suốt 15 năm từ khi có Đảng.

Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh

Lễ chào cờ và các hoạt động của chương trình “Tiếp lửa truyền thống 90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh” được Tỉnh đoàn tổ chức dưới Tượng đài Xô viết Nghệ - Tĩnh vào sáng 12/9/2020. Ảnh: Đình Nhất.

Chặng đường đấu tranh 15 năm ấy, Nhân dân ta sẽ không bao giờ quên tội ác của kẻ thù với những cuộc đàn áp tàn khốc, đẫm máu đối với phong trào cách mạng, đối với các tổ chức của Đảng.

Lịch sử Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh ghi rõ, kể từ khi Đảng bộ được thành lập và lãnh đạo phong trào Xô viết đến khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, đảng bộ các cấp ở Hà Tĩnh, kể cả chính thức và lâm thời, nhiều lần bị địch khủng bố phá vỡ. Kéo theo đó là sự tổn thất nặng nề của các phong trào cách mạng; hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bị giết hại, tù đày.

Nhưng “lửa thử vàng”, kẻ thù không thể nào đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những người cách mạng. Trên mảnh đất kiên trung ấy, con người Hà Tĩnh lớp trước ngã, lớp sau đứng lên; phần lớn cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng cộng sản, nêu cao dũng khí cách mạng xả thân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Người bị địch bắt thì phần lớn giữ trọn lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, không chịu đầu hàng, khai báo. Họ đã biến nhà tù thành trường học, thành nơi tôi luyện tinh thần cách mạng, thậm chí còn tổ chức chi bộ Đảng trong nhà lao để lãnh đạo các hoạt động đấu tranh; khi có thời cơ lại vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. Nhiều người khi đưa ra xử bắn vẫn nêu cao khí tiết hiên ngang, bất khuất. Người không bị bắt thì ở lại địa phương, hoặc tìm cách ra nước ngoài rồi lại quay về nhen nhóm tổ chức, gây dựng phong trào. Có người bị địch bắt nhiều lần vẫn không sờn lòng, nản chí, vừa ra khỏi tù lại dấn thân vào hoạt động cách mạng...

Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh

Đền Ngọc Mỹ - nơi Nhân dân xã Phù Lưu (Lộc Hà) nổi dậy giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Ảnh: Anh Hoài

Chính tinh thần hy sinh đó của các chiến sỹ đã cổ vũ, thôi thúc phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng phát triển. Khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh - phân khu Việt Minh Nam Hà, mà trực tiếp là Ủy ban Khởi nghĩa phân khu Nam Hà đã lãnh đạo quần chúng nhân dân nhất tề nổi dậy giành chính quyền.

Sau đêm dài nô lệ, ánh bình minh tỏa rạng, quần chúng nhân dân Hà Tĩnh nô nức, hân hoan được chứng kiến lễ ra mắt tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời (sau đổi thành Ủy ban Nhân dân cách mạng) vào trưa ngày 18/8/1945 tại thị xã Hà Tĩnh. Ngày 21/8/1945, cách mạng giành thắng lợi hoàn toàn trong toàn tỉnh. Hà Tĩnh trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền đầu tiên trong cả nước.

Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh

Phát huy truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Chí khí kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta được hun đúc từ hàng nghìn năm đã góp phần tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, giúp các chiến sỹ cộng sản và Nhân dân Hà Tĩnh kiên định, vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh thắng lợi đã tạo nên bước ngoặt hết sức quan trọng, tạo đà để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tiếp tục cuộc tranh đấu anh dũng trong những chặng đường tiếp theo vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Trường Chính trị Trần Phú

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).