Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

(Baohatinh.vn) - Năm nay đã 90 tuổi đời, 54 tuổi Đảng nhưng ông Mai Trọng Thơi - một thời là Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự ở xã Tân Lộc, Can Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in ngày cùng các bậc cha, chú tham gia giành chính quyền tại huyện đường Can Lộc vào ngày 16/8/1945.

Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

Dù năm nay đã 90 tuổi nhưng ông Mai Trọng Thơi vẫn nhớ như in ký ức ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Ông Mai Trọng Thơi sinh năm 1931, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở làng Đỉnh Lự (nay thuộc xã Tân Lộc). Ông nội của ông Thơi là cụ Mai Đình Hòe, một chí sỹ yêu nước từng tham gia phong trào Cần Vương. Sau khi phong trào này thất thế, cụ về quê ở làng Đỉnh Lự, gây dựng phong trào yêu nước, biến nhà mình thành nơi hội họp bí mật của Đảng.

Gia đình cụ Hòe có 13 người con, cháu tham gia hoạt động cách mạng, trong đó, 10 người đã được công nhận là lão thành cách mạng hoạt động thời kỳ 1930 - 1931. Cha của ông Thơi là cụ Mai Thát, giàu lòng yêu nước, đã ủng hộ cách mạng rất nhiều thóc gạo, tiền bạc trong giai đoạn trước và sau năm 1945. Năm 1961, cụ Mai Thát được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2/9…

Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

Ông Mai Trọng Thơi và ông Mai Hùng (bên trái, con cụ Mai Đỉnh - cán bộ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945) xem lại bức ảnh kỷ niệm của gia đình.

Lớn lên trong bầu không khí cách mạng của gia đình, lại được ông nội là một chí sỹ yêu nước thông thạo chữ Nho, kiến thức uyên thâm truyền dạy nên năm 12 tuổi, ông Mai Trọng Thơi đã trở thành “cánh tay” đắc lực của tổ chức.

Tháng 7/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc được thành lập. Ông Mai Trọng Thơi được các đồng chí: Nguyễn Cứ - thành viên Ban lãnh đạo Việt Minh và Mai Cát - nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc, khóa II - 1945 giao nhiệm vụ tổ chức thành lập Đội Thiếu niên cứu quốc (gọi là Đội Đồng tử quân) tại làng Đỉnh Lự để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Thơi được giao nhiệm vụ là đội trưởng, tập hợp đội thiếu niên yêu nước làm cảnh giới, thông tin liên lạc cho tổ chức.

Ông Mai Trọng Thơi nhớ lại: “Sau một thời gian ngắn, tôi “tuyển” được 15 bạn cùng tham gia tổ chức. Hằng ngày, chúng tôi đi chăn trâu ở cánh đồng đầu làng. Nói là đi chăn trâu nhưng tất cả các hoạt động người ra, vào làng, tôi đều theo dõi, hễ có vấn đề nghi ngờ là tìm cách báo với tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi luôn cảnh giới cho các cuộc họp bí mật của Đảng tại nhà tôi và nhà ông nội là cụ Mai Đình Hòe”.

Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

Một số cán bộ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 chụp ảnh bên gốc đa làng Đỉnh Lự năm 1954 (từ phải qua là đồng chí Đào Duy Kỳ - nguyên cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Mai Cát - nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc khóa 2 và cụ Mai Thát - cán bộ tham gia khởi nghĩa). Ảnh: NVCC

Một trong những việc làm thể hiện sự gan dạ của Đội trưởng Đội Đồng tử quân là nhiệm vụ treo một trong 3 lá cờ Việt Minh lên 3 gốc đa có ngọn cao nhất tại làng Đỉnh Lự, Kim Chùy (xã Tân Lộc) và Phù Lưu Thượng (xã Hồng Lộc) gần 1 tuần trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền.

Theo ông Thơi, đây là cách tổ chức muốn đo sự phản ứng của chính quyền tay sai. Việc treo cờ Việt Minh khi chính quyền tay sai vẫn đang nắm quyền vô cùng nguy hiểm nhưng ông Thơi đã hoàn thành xuất sắc.

“Lúc đó, đồng chí Nguyễn Cứ hỏi tôi: Cháu có làm được không? Có sợ không? Tôi quả quyết: Cháu không sợ, chú cứ để cháu làm. Lựa lúc vắng người, tôi cùng anh trai là Mai Khắc Tuấn tiến hành treo cờ. Công việc hoàn thành vẫn chưa yên tâm, tôi còn đi tìm bút và giấy viết hàng chữ “Ai hạ cờ sẽ bị xử tử” dán dưới gốc cây đa. Việc này được tổ chức khen ngợi là dũng cảm và sáng dạ” - ông Thơi kể lại.

Mặc dù, theo kế hoạch ban đầu của Ủy ban Khởi nghĩa Việt Minh huyện Can Lộc, khởi nghĩa sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/8/1945 nhưng tối 16/8, một nhóm trong Đội Thanh niên cứu quốc nôn nóng đã đánh chiếm huyện đường, bắt tri huyện phải giao nộp ấn tín, sổ sách… Trước tình hình đó, đồng chí Lê Hồng Cơ - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng hưởng ứng. Tri huyện Đặng Doãn buộc phải khuất phục, trao trả chính quyền cho cách mạng.

Ông Thơi xúc động kể: “Tối 16/8/1945, sau cuộc họp bí mật của các cán bộ cách mạng tại nhà mình, tôi theo bố (cụ Mai Thát) cùng các đồng chí Nguyễn Cứ, Mai Cát, Mai Đỉnh, Hoàng Liên, Nguyễn Soàn, Mai Thị Từ và một số anh, chị trong Đội Thanh niên cứu quốc… đi lên huyện đường Can Lộc để tham gia khởi nghĩa. Lúc chúng tôi xông vào huyện đường, chính quyền tay sai đã rệu rã, đầu hàng. Ủy ban Khởi nghĩa tịch thu được 6 khẩu súng trường và một số tài liệu giao cho bố tôi là cụ Mai Thát đưa về cất giấu. Tôi cùng bố và một số cán bộ đã chuyển số vũ khí, tài liệu này về cất giấu tại nhà mình”.

Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

Khu vườn nhà cụ Mai Đình Hòe (ông nội ông Mai Trọng Thơi) - nơi trước năm 1945 là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Ngay sáng hôm sau (17/8/1945), lực lượng khởi nghĩa Việt Minh huyện Can Lộc cùng với Nhân dân nhiều xã trong huyện chính thức tổ chức biểu tình khởi nghĩa. “Cả ngày hôm đó, từ huyện lỵ, Nhân dân vô cùng phấn khởi cùng Ủy ban Khởi nghĩa diễu hành, giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu về các làng xã bắt các tên tổng trưởng, lý trưởng phải giao nộp triện bạ và tuyên bố thành lập chính quyền mới. Can Lộc trở thành địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh giành được chính quyền”.

Ngày 19/8, khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong niềm hân hoan của hàng triệu người dân Việt Nam.

Cuối năm 1945, ông Mai Trọng Thơi được tổ chức giao nhiệm vụ đi diễn thuyết tại 2 cuộc biểu tình lớn trong huyện tại các xã Ích Hậu và Thịnh Lộc. Ở mỗi cuộc biểu tình đều có hàng vạn người tham gia. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong năm 1946, ông tiếp tục được cử đi vận động thành lập Đội Thiếu niên cứu quốc toàn huyện, làm liên lạc cho đội nữ du kích quân đi biểu dương lực lượng (Đội trưởng Đội Nữ du kích quân Can Lộc do bà Mai Thị Từ, chị gái ông Thơi đảm nhận). Sau đó, ông Thơi giữ chức Phân đoàn trưởng, Đội Thiếu niên cứu quốc xã Nhật Tân (nay là xã Tân Lộc); tham gia dạy bình dân học vụ…

Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự kể chuyện giành chính quyền năm xưa

Nhà thờ Mai Hòe vừa được Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2021.

Năm 1949, ông Mai Trọng Thơi đi học lớp Đệ tam (THCS) và sau đó học ngành sư phạm. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông về giảng dạy tại Trường THCS Đức Trung (Đức Thọ) rồi tiếp tục giảng dạy, làm cán bộ phòng GD&ĐT tại các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Can Lộc. Trước lúc nghỉ hưu năm 1990, ông là Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Lộc.

Câu chuyện của người Đội trưởng Đội Đồng tử quân năm xưa tham gia giành chính quyền nhắc chúng tôi nhớ về những ngày đồng bào Hà Tĩnh nói chung và Can Lộc nói riêng đứng lên giành lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của ông cha đã được trao truyền để thế hệ hôm nay nối tiếp truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.