Tổ chức Y tế Thế giới ra khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối...

Tổ chức Y tế Thế giới ra khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ

Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ là bệnh lây nhiễm từ động vật, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958 và được phát hiện ở người vào năm 1970.

Bệnh đậu mùa khỉ thường thấy ở Trung Phi và Tây Phi nơi có nhiều rừng nhiệt đới và các loài động vật có thể mang virus sinh sống.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thỉnh thoảng cũng được ghi nhận ở các nước khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, sau khi di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch, tổn thương da hoặc phát ban ở mặt, lòng bàn tay, chân, miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Ban thường bắt đầu từ 1-3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày nhưng cũng có thể từ 5-21 ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng 2-4 tuần. Tuy nhiên ở một số ít người, trẻ nhỏ, người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn và tử vong.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi , lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.

Có khoảng 3-6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm bệnh trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2-4 tuần).

Bệnh có thể lây sang người khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm... từ người bệnh.

Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, chỉ có một số vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một số lời khuyên nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ như: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh bao gồm tránh tiếp xúc da với da hoặc mặt đối mặt với người có triệu chứng.

Nếu cần tiếp xúc thì đeo khẩu trang, sử dụng gang tay dùng một lần. Đồng thời thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giữ tay sạch bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn; khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào.

Người nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế.

Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác cho đến khi các tổn thương da đóng vảy và vảy bong ra.

Từ năm 1970, các ca bệnh bệnh đậu mùa khỉ ở người đã được báo cáo tại 11 quốc gia châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung phi, Cộng hòa Dân chủ Công Gô, Gabon, Côte d’Ivoire, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Trong tháng 5/2022, có hơn 10 quốc gia tại các khu vực không lưu hành bệnh báo cáo về các ca bệnh.

Hiện tại chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa các ca bệnh được báo cáo với việc di chuyển từ các nước lưu hành bệnh và không có mối liên hệ nào với động vật nhiễm bệnh.

Theo WHO điều quan trọng nhất lúc này là cần nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ ở những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất và cung cấp tư vấn về cách hạn chế sự tiếp tục lây lan giữa người với người; không được có thái độ kỳ thị với người nhiễm bệnh.

WHO hiện đang làm việc với tất cả các nước bị ảnh hưởng để tăng cường giám sát và cung cấp hướng dẫn cách để ngăn chặn bệnh lây lan, chăm sóc người bệnh./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.