Bên cạnh thơ của những nhà thơ lớp trước, trong đó có những người từng khoác lên mình màu áo lính, từng lăn lộn trên các chiến trường, vào sinh ra tử, có không ít sáng tác của thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh. Với cảm hứng yêu nước sâu sắc, Tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai đang trở thành một trong số những bài thơ có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trong cộng đồng người Việt.
Ảnh minh họa từ internet |
Luôn mang trong mình niềm tự hào là một người Việt, hòa nhập và hấp thu hơi thở thời đại, Nguyễn Phan Quế Mai ngày đêm suy tư về Tổ quốc. Nỗi trăn trở ấy bộc lộ ngay từ dòng thơ đầu: Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình. Lúc khởi tứ, tác giả viết Tôi đang nghe…, nhưng khi hoàn thiện, chị sửa thành Đêm qua tôi nghe… - từ hiện tại tiếp diễn đẩy về quá khứ tiếp diễn – để thể hiện chiều sâu và sức mạnh mà tiếng gọi của Tổ quốc “dội” vào tâm hồn.
Tác giả nghe "Tổ quốc gọi tên" Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây. Sóng dội, bão tố bủa vây... là những hình ảnh giàu tính biểu tượng, nói về việc chủ quyền biển đảo thiêng liêng đang bị đe dọa. Cảm xúc bừng bừng, dồn dập, khắc khoải ấy của Nguyễn Phan Quế Mai cũng là cảm xúc của toàn dân tộc trong những tháng ngày mà nhịp đập của mỗi trái tim đều hướng về phía biển, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt.
Nghe Tổ quốc gọi, trái tim nhà thơ đồng vọng thiết tha: Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Lịch sử dựng nước và giữ nước không có trang nào không gian lao vất vả. Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và bao thế hệ xưa nay đã không tiếc máu xương sẵn sàng trả giá cho tình yêu, lẽ sống ấy: Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông. Câu thơ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông là một liên tưởng có hiệu quả thẩm mỹ sâu sắc, giúp nhà thơ thể hiện sự thấu hiểu của mình về những hy sinh của cha ông. Biển Đông là máu thịt của dân tộc Việt. Dân tộc Việt đã đổ máu để giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi người Việt xưa nay đều chung niềm thổn thức: Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông (Chế Lan Viên).
Nhìn lại lịch sử, hiểu cái giá phải trả cho nền hòa bình, nhân vật trữ tình càng đau đớn, căm giận trước thực tại: Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình/ Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc/ Chúng giẫm đạp lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau. Tác giả mượn hình ảnh sóng để nói lên nỗi đau đớn ấy: Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu/ Sóng quặn đỏ máu những người đã mất. Cũng hình ảnh sóng, giúp tác giả diễn tả tiếng gọi của Tổ quốc, thể hiện hào khí dân tộc: Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/ Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”.
Sự thao thức ấy ở mỗi người kết thành những làn sóng mạnh mẽ, sẵn sàng xả thân bảo vệ hòa bình của toàn dân tộc: Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng/ Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố. Hai câu thơ trên là sự hòa quyện cảm hứng sử thi với chất trữ tình. Có người cho rằng, với chữ linh thiêng, Nguyễn Phan Quế Mai đã “dùng từ sai trong ngữ cảnh cụ thể của bài thơ” mà không thấy rằng, trong mạch cảm xúc của toàn bài, Tổ quốc chính là từng tấc đất, tấc biển, chính bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông, khi chủ quyền bị đe dọa thì Sóng quặn đỏ máu những người đã mất.
Biết bao người đã khuất hóa thân thành Tổ quốc, biển trở thành nơi hồn cha ông nương náu, phù hộ cho con cháu ngàn đời; và lớp lớp con cháu lấy thân mình chở che Tổ quốc cũng chính là chở che, gìn giữ từng tấc đất, tấc biển hương hỏa của ông cha. Dùng chữ linh thiêng là với ý nghĩa ấy. Trong trường hợp này, rõ ràng chữ linh thiêng được dùng chính xác và cụ thể, sinh động hơn nếu dùng chữ thiêng liêng! Gìn giữ, chở che không chỉ là trách nhiệm với quá khứ mà còn là sứ mệnh với hiện tại và tương lai: Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố. Đây là hình ảnh rất thơ, thể hiện lẽ sống yêu chuộng hòa bình cao cả của dân tộc.
Bài thơ Tổ quốc gọi tên ngợi ca và thể hiện khao khát tiếp nối lẽ sống cao cả của dân tộc nên chữ Hòa bình được nhà thơ sử dụng kiểu viết hoa tu từ. Hình ảnh ngọn đuốc Hòa bình thắp lên niềm tin về hòa bình của tác giả. Nhịp điệu của khổ thơ cuối đưa niềm tin ấy lan tỏa và đọng lại trong tâm hồn người đọc, người nghe: Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe/ Tổ quốc/ gọi tên mình! Tạo nên sức cộng hưởng, ấy là hạnh phúc của người làm thơ Nguyễn Phan Quế Mai!
Tổ quốc gọi tên Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi! Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc Chúng giẫm đạp lên dáng hình đất nước Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu Sóng quặn đỏ máu những người đã mất Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam” Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình! Nguyễn Phan Quế Mai |
(THCS Hoàng Xuân Hãn – Đức Thọ)