Trái Đất sắp hình thành đại dương mới

Năm 2005, một khe nứt dài 56 km xuất hiện trên sa mạc Afar ở Ethiopia trong vòng vài ngày, khởi đầu cho sự hình thành của một đại dương mới.

Khe nứt dài 56 km trên sa mạc Afar, Ethiopia, khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Rochester University.

Bắt đầu tiến hành từ năm 2009, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện quá trình hình thành khe nứt giống hệt những gì diễn ra dưới đáy đại dương và hiện tượng tương tự cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mở rộng của Biển Đỏ.

Cindy Ebinger, giáo sư khoa học môi trường và Trái Đất tại Đại học Rochester, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta hiểu rõ các đỉnh núi dưới đáy biển được tạo thành do đá nóng chảy tràn vào khe nứt, nhưng chúng ta chưa bao giờ biết một đỉnh núi với chiều dài lớn có thể nứt rộng như thế này."

Các nhà nghiên cứu phát hiện khe nứt khổng lồ có thể góp phần tạo ra một đại dương mới trong tương lai thông qua dữ liệu địa chấn ở khu vực vào năm 2005. Họ nhận thấy một vụ phun trào của núi lửa Dabbahu ở đầu khe nứt đã khiến quá trình đứt gãy diễn ra theo chiều hướng xuống, giống như Trái Đất bị kéo rách toạc. Vành đai núi lửa nằm dọc các mảng kiến tạo dưới đại dương có thể tách rời thành từng mảng lớn ở hai bên vết nứt.

Trên bản đồ địa chất học phía đông châu Phi, mảng kiến tạo châu Phi (African Plate) nối liền với mảng kiến tạo Arab (Arabian Plate) ở sa mạc Afar (khu vực tô màu cam đậm). Đường nét liền thể hiện ranh giới giữa các mảng kiến tạo. Đường nét đứt thể hiện khu vực nứt gãy ở Đông Phi. Ảnh: Wikipedia.

Các mảng kiến tạo châu Phi nối với các mảng kiến tạo Arab ở sa mạc Afar và chúng đang tách rời nhau ở tốc độ 2,5 cm một năm trong vòng 30 triệu năm qua. Khi vết nứt đủ lớn, biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực mới và tạo ra một đại dương ở vịnh Aden nằm giữa Yemen và Somalia. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đại dương mới sẽ cần khoảng một triệu năm để hình thành.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói