Cây cau thân cứng, mọc thẳng, còn cây trầu thân mềm, thuộc loài dây leo. Hai loài cây này tưởng chừng hoàn toàn xa lạ nhau nhưng chẳng biết từ bao giờ, trầu và cau lại có mối quan hệ thân thiết, khăng khít, để rồi trở thành sự tích mang tên trầu - cau.
Chẳng biết từ bao giờ, trầu và cau lại có mối quan hệ thân thiết, khăng khít, để rồi trở thành sự tích mang tên trầu - cau.
Miếng trầu tuy bình thường nhưng lại chứa đựng tình cảm và ý nghĩa trong mối quan hệ cộng đồng. Miếng trầu đi với lời mời, lời chào hỏi thân tình, cởi mở.
Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là…
Ngày xưa, trầu - cau đã gắn liền với cuộc sống, với lao động sản xuất và với tình yêu đôi lứa qua những câu ca mộc mạc đi vào lòng người.
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em vun ké cây trầu một bên
Khi nào trầu nọ bén lên
Cau kia ra quả lập nên cửa nhà…
Trong nhiều chủng loại hàng hóa bày bán ở các chợ, trầu - cau, thứ sản phẩm mang hơi ấm thôn quê là những mặt hàng bình thường nhưng không vì thế mà ít người mua. Bình thường có trầu để ăn và ngày tết trầu để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Trầu cau là biểu tượng của sự tôn kính, phổ biến trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ mừng thọ, lễ cưới hỏi và biểu hiện rõ trong ngày lễ trọng - tết Nguyên đán. Bởi vậy, mua cau, mua trầu, mua vôi đều phải lựa chọn cẩn thận. Bửa (bổ) cau, têm trầu cũng phải tinh tế, khéo léo, cao hơn nữa là đòi hỏi phải có nghệ thuật. Bày cau, bày trầu lên đĩa phải cân đối, hài hòa, đẹp mắt. Bình thường, mời nhau miếng trầu đã vui, tết đến xuân về, mời nhau miếng trầu kèm theo lời chúc năm mới tốt lành lại thêm ý nghĩa.
Ngày tết, trong nồng ấm mùi trầu, bao nhiêu ký ức lại trở về. Ảnh Internet
Trong ngày tết, các bà, các mẹ là những người lo toan hơn ai hết công việc ý nghĩa này. Bên đĩa trầu cau nồng ấm tình cảm, bao nhiêu câu chuyện đã qua trong năm cũ được ôn lại, bao nhiêu ước vọng của năm mới được mở ra. Trong không khí ấm áp của tết cổ truyền, được nghe bà, nghe mẹ truyền dạy mới thấy cái hay, cái đáng nhớ của từng việc làm có ý nghĩa này.
Cuộc sống thời hiện đại đã đổi thay nhiều. Mặc dù thế hệ trẻ ngày nay không xa lạ gì với cây cau, bụi trầu nhưng lại không có thói quen ăn trầu như ngày xưa. Tuy vậy, những gì thuộc về phong tục, tập quán, mang nét đẹp văn hóa thì vẫn tồn tại. Trong không khí đoàn viên, được bà, mẹ truyền dạy cách bửa cau, têm trầu, cách sắp đặt trầu - cau vào đĩa dâng lên bàn thờ tổ tiên làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn nét đẹp truyền thống từ bao đời.
Hà Tĩnh ghi đậm dấu ấn về thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đường làng, ngõ thôn rộng mở, sáng - xanh - sạch - đẹp. Những khu dân cư mẫu, những khu vườn mẫu ngày một nhiều thêm, đưa lại biết bao niềm vui cho người dân khắp các thôn quê. Chỉnh trang vườn hộ để xây dựng vườn mẫu đang trở thành phong trào rộng khắp. Mặc dù vậy, nhiều gia đình vẫn dành quỹ đất trồng cau, trồng trầu, bởi đó là bóng dáng gần gũi của làng quê Việt Nam, làng quê Hà Tĩnh gắn liền với phong tục ăn trầu.
Những hàng trầu xanh mướt ở xã Đỉnh Bàn.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Mời trầu” là một trong những làn điệu mộc mạc mà thương, sâu nặng, nghĩa tình.
Giàn trầu đợi gió xuân về
Buồng cau đủng đỉnh vuốt ve nắng trời...
Mùa xuân trăm hoa đua nở. Xuân sang nghe câu giặm “Mời trầu”, ta lại càng trân trọng, thêm yêu, thêm quý nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương đã trường tồn qua bao thế hệ. Miếng trầu ngày tết, miếng trầu đầu xuân cũng là miếng trầu đầu câu chuyện của năm mới với bao niềm tin, ước vọng mới tốt lành.