Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), năm 2018 là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước. Bão, lũ quét, sạt lở đất lớn, ngập lụt, các đợt mưa lớn trên diện rộng, lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, trong năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các giải pháp, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả; cơ quan thường trực từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, quốc tế và khu vực để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt đối với 2 loại hình bão và lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh
Dự báo, năm 2019, các hình thế thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường. Bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm, đề phòng khả năng xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Hiện tượng mưa đá, giông lốc xảy ra tại các khu vực trên cả nước và mưa lớn, lũ, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã sẽ gây thiệt hại người và tài sản. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.
Dự báo, rủi ro thiên tai có xu thế gia tăng do khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là các đê điều, hồ chứa, giao thông nhiều khu vực trong cả nước còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô dân số và giá trị nền kinh tế của đất nước ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày càng cao và nặng nề hơn...
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai, rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, ban, ngành, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác PCTT; triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020.
Các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai; tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” của các cấp chính quyền và người dân phù hợp với thực tiễn hiện nay; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai...
Tại Hà Tĩnh, vào tháng 5/2019, trên địa bàn huyện Hương Khê đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy khiến hàng chục nhà dân và công trình phụ trợ bị hư hỏng nặng.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai như bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, ưu tiên các hộ dân phải di dời nhưng chưa có nhà ở hoặc vùng có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa,…
Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học sát với thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, xác định chi tiết cấp độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai, đáp ứng yêu cầu PCTT ngày càng cao của xã hội, nhất là trong dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hợp tác chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là phía thượng nguồn về tình huống xả lũ khẩn cấp, về bão mạnh, siêu bão với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên biển.