Trong nắng mới Ngàn Trươi

(Baohatinh.vn) - Ngàn Trươi - trong nhận biết đầu tiên của tôi, là nơi có căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng với hào khí Cần Vương đã trầm tích trong thế núi, hình sông; trầm tích trong tư tưởng, tâm tình của con người miền biên ải và lan tỏa vào những khát khao vươn tới của quê hương Hà Tĩnh.

Ngàn Trươi - trong nhận biết đầu tiên của tôi, là nơi có căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng với hào khí Cần Vương đã trầm tích trong thế núi, hình sông; trầm tích trong tư tưởng, tâm tình của con người miền biên ải và lan tỏa vào những khát khao vươn tới của quê hương Hà Tĩnh.

Tháng 6 bắt đầu bằng những cơn nắng mới sóng sánh màu mật ong, bầu trời Vũ Quang như trong xanh hơn và bao con sông, con suối của đại ngàn như cũng chảy êm đềm hơn trong dòng ký ức về cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân Cần Vương. Con đường tỉnh lộ 5 dẫn vào Thành cụ Phan năm xưa nay đã chìm trong mênh mông biển nước của công trình đại thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang, để đến được Thành cụ Phan, chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi thuyền và “tăng bo” bằng xe của Bộ đội Biên phòng. Cảnh cũ, người xưa đều không còn nhưng chính cái vẻ hoang vắng của cảnh vật đã khiến cho những hình dung về những năm tháng lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê của cụ Phan Đình Phùng trở nên dễ dàng hơn, sinh động hơn trong tôi. Đại ngàn một thời đã bao bọc, che chở cho nghĩa quân của cụ Phan và cũng chính đại ngàn đã nuôi giữ khí phách ấy, tấm lòng yêu nước ấy, niềm tin ấy... để trong mỗi mạch nguồn chảy về xuôi đều mang theo hào khí một thời, thấm quyện vào tư tưởng, nghĩa khí của bao thế hệ người Vũ Quang nói riêng, người Hà Tĩnh nói chung; cùng nhau phát huy truyền thống yêu nước, vượt khó vươn lên đấu tranh với thiên tai, giặc giã, từng bước dựng xây quê hương, đất nước.

Hồ Ngàn Trươi (Vũ Quang). Ảnh: Thanh Hải

Phan Đình Phùng (1847-1895), người làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu cử nhân năm 1876, đậu tiến sĩ năm 1877, từng giữ nhiều chức quan trong triều Nguyễn nhưng đời sau biết đến ông nhiều hơn trong vai trò là lãnh tụ nghĩa quân Cần Vương. Trong 18 vị lãnh tụ của 18 cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương ở nhiều địa phương, Phan Đình Phùng được coi là ngôi sao sáng nhất với cuộc khởi nghĩa Hương Khê kéo dài trong hơn 10 năm.

Tháng 9/1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những năm sau đó, Pháp lần lượt đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ và tiến vào kinh đô Huế (1883). Trước thế lực của quân xâm lược đến từ phương Tây, triều đình nhà Nguyễn từng bước phải nhượng bộ, lần lượt ký các hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883) và cuối cùng là Hiệp ước Giáp Thân (1884), thừa nhận nền thống trị của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Từ nhà nước phong kiến độc lập, triều đình Huế trở thành chính quyền bù nhìn, tay sai cho ngoại bang. Trong triều đình xuất hiện phe chủ chiến và chủ hòa, vì thế, sau khi vua Tự Đức băng hà (1883), triều Nguyễn rối ren như “con ngựa đứt cương” và dẫn đến tình trạng “ba vương tập đế” vào năm 1884 - chưa đầy một năm mà có tới 3 ông vua thay nhau lên ngôi (Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi). Vua Hàm Nghi là người yêu nước nồng nàn và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, mặc dù lên ngôi khi mới 14 tuổi nhưng dưới sự hỗ trợ của Tôn Thất Thuyết, vua đã ra chiếu Cần Vương (năm 1885) nhằm kêu gọi sĩ phu, văn thân và Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến chống Pháp. Lúc bấy giờ, Phan Đình Phùng đã gạt hiềm khích riêng với Tôn Thất Thuyết, đứng ra kêu gọi, tập hợp binh sỹ, xây dựng nghĩa quân chống Pháp. Mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng cụ Phan cho rằng “ta may được một thứ khí giới còn mạnh, ấy là lòng người”.

Dấu tích thành cụ Phan tại vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Huy Tùng

Chính nhờ tư tưởng dựa vào Nhân dân ấy mà nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Nghĩa quân Cần Vương dưới sự chỉ huy của Phan Đình Phùng vừa chiến đấu, vừa xây dựng, dần phát triển thành một lực lượng mạnh mẽ. Một trong những trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng là tướng Cao Thắng. Cao Thắng đã tích cực chiêu tập binh sĩ, trang bị, huấn luyện và xây dựng căn cứ thuộc vùng rừng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông đã cùng các thợ rèn làng Trung Lương và Vân Chàng (Đức Thọ) nghiên cứu chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp. Khi Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh sau một thời gian ra Bắc Kỳ tìm cách liên lạc với các sĩ phu, văn thân yêu nước, cụ đã cùng Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Nghĩa quân của Phan Đình Phùng gồm 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy của những tướng lĩnh tài ba. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong Nhân dân, tạo thành một phong trào vũ trang chống Pháp sôi nổi, liên tục ở 4 tỉnh và trên khắp cả nước. Cuộc khởi nghĩa cũng được đánh giá là điển hình nhất trong phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX về thời gian, quy mô và tổ chức chiến đấu.

Tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân. Ảnh: Thanh Hải

Hôm nay, đi giữa đại ngàn Vũ Quang, trong dòng ký ức về chí sỹ Phan Đình Phùng, bao nhiêu câu chuyện về tư tưởng, tấm lòng của cụ lại được nhắc lại. Xúc động nhất là câu chuyện giặc đem người thân để đánh đòn tâm lý, Phan Đình Phùng vẫn cứ điềm nhiên mà rằng: “Tôi từ khi cùng chư tướng khởi binh Cần Vương, đã có chủ tâm là bỏ cả việc gia đình, quê quán ra ngoài, không nghĩ gì đến nữa. “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ là đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu mà về sửa sang phần mộ gia đình thì ngôi mộ kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi”. Tinh thần ấy, ý chí ấy thể hiện đạo đức, trí tuệ, khí phách của một bậc anh hùng trước tình cảnh lâm nguy của đất nước. Cũng bởi tấm lòng yêu nước chân thành, nồng đượm, nên dù tình thế ngày một khó khăn, song Phan Đình Phùng vẫn kiên trì lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày 28/12/1895, trong một trận ác chiến, cụ đã bị thương nặng và qua đời. Chủ tướng hy sinh, nghĩa quân dần tan rã, năm 1896, những thủ lĩnh cuối cùng của cuộc khởi nghĩa lần lượt rơi vào tay Pháp, đến cuối năm 1896 thì cuộc khởi nghĩa chấm dứt hoàn toàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, nhà sử học Dương Trung Quốc và lãnh đạo huyện Vũ Quang bên Nhà bia tưởng niệm Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân (hiện nằm trong khu vực lòng hồ Ngàn Trươi, cách trung tâm huyện Vũ Quang 30 km).

Tuy thất bại nhưng tinh thần của Cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã tô thắm, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Những tư tưởng của Phan Đình Phùng về kế sách đánh giặc, nhất là coi trọng sức dân đã trở thành bài học lịch sử sâu sắc, được quân và dân ta kế thừa, phát huy trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm về sau, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ý chí và tinh thần “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”... đã trở thành quyết tâm và phương châm hành động cách mạng. Đâu đâu trên dải đất Hà Tĩnh cũng có những mảnh đất, đơn vị anh hùng như: Bến Thủy, Linh Cảm, Địa Lợi, Đèo Ngang, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 (xã Tiến Lộc nay là thị trấn Nghèn - Can Lộc), Núi Nài (TP Hà Tĩnh); Tiểu đoàn 8 phòng không, Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Trung đội súng máy 12,7 ly dân quân TX Hà Tĩnh, Trung đội dân quân pháo binh Xuân Liên (Nghi Xuân). Noi gương cụ Phan, trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người dân Hà Tĩnh đã trở thành anh hùng như: Phan Đình Giót, Dương Chí Uyển, La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Võ Triều Chung, 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc... Tất cả đã tạo nên biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống anh hùng của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Đình Nhất.

Viết tiếp truyền thống, Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh như lời căn dặn của Bác Hồ: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”. Trong hàng chục năm qua, Hà Tĩnh kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vào điều kiện cụ thể của tỉnh, nhất là trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chú trọng xây dựng cơ cấu kinh tế, trong đó, công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế. Cùng với dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, nhiều dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả ở các địa phương như: Vũ Quang, TX Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh v.v…

Công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế. Trong đó, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả là “đầu kéo” dẫn dắt, thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, xã hội hóa đầu tư đạt kết quả nổi bật, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, GD&ĐT, đặc biệt là kêu gọi được một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Nguyễn Hoàng, T&T... đầu tư và nghiên cứu đầu tư các dự án lớn trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2021, toàn tỉnh thu hút 55 dự án đầu tư với tổng mức trên 15.000 tỷ đồng và 2,5 tỷ USD, trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Công ty CP Giải pháp năng lượng VinES Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Vingroup (giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng); nhà máy luyện gang thép của Công ty CP Gang thép Vũng Áng (2.268 tỷ đồng); Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh của Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh (559,98 tỷ đồng); Khu đô thị mới Xuân Thành của Công ty CP Đầu tư phát triển Harumi (549,52 tỷ đồng)...

Toàn cảnh thị trấn Vũ Quang. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Trong sự phát triển chung của cả tỉnh, với vai trò là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, từ khi thành lập huyện đến nay, Vũ Quang đã kế thừa mạch nguồn lịch sử và hào khí Cần Vương, không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được nhiều thành tựu mới. Thành tích nổi bật nhất cũng là bước đột phá mạnh mẽ của Vũ Quang là xây dựng NTM. Tháng 3/2021, Vũ Quang được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM - trở thành huyện biên giới đầu tiên của cả nước về đích NTM. Vũ Quang cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vào tháng 9/2021. Kỳ tích này là sự kết tinh của tinh thần kiên cường, vượt khó, khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo của các thế hệ người dân nơi đây…

Kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng là dịp để tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang và toàn thể Nhân dân thêm một lần được soi bóng tiền nhân, bồi đắp những khát vọng mới trên hành trình vươn tới. Hẳn rằng, hào khí Cần Vương - mạch nguồn mạnh mẽ từ đại ngàn Vũ Quang sẽ tiếp tục thấm quyện trong mỗi bước đi của quê hương.

Ảnh: PV-CTV

thiết kế: khôi nguyễn

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói