Vườn thanh long ruột đỏ của ông Bình có 500 trụ, cho thu nhập cao
Từ vùng đất cằn cỗi, năm 2015, ông Lê Trọng Bình cải tạo, đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ khiến nhiều người trong xóm không khỏi nghi ngại. Ông Bình chia sẻ: Vốn dĩ đi làm thuê nay đây mai đó nên ông tận mắt chứng kiến nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ. Đất đai thì thừa thãi vậy sao mình không thử sức. Nghĩ sao làm vậy, ông bắt tay cải tạo khu đất bạc màu rộng chừng 300m2 để trồng cây thanh long.
Sau một tháng ra hoa, thanh long ruột đỏ sẽ đến kỳ thu hoạch
Theo đó, ông Bình đúc 500 trụ bê tông và ra tận Hà Nội mua cây giống về trồng. Theo kinh nghiệm của ông Bình, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc bởi phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn đảm bảo năng suất, chất lượng, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình bón phân, tưới nước và cách chăm sóc. Quả thanh long ở đây được đánh giá ngon, ngọt nên rất được người dân ưa chuộng.
Cứ đến đầu tháng 4 âm lịch hàng năm, thanh long hoa nở trắng vườn. Khi thanh long thành quả thì đỏ rực cả một góc vườn. Mỗi năm ông thu hoạch 2 đợt, sản lượng bình quân đạt khoảng 12 tấn quả. Tính ra, mỗi năm ông thu về trên 300 triệu đồng từ cây thanh long ruột đỏ.
Thanh long ruột đỏ dễ trồng, đầu ra lại ổn định
Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Bình được 4-5 năm tuổi, cho năng suất khá ổn định. Ông Bình phấn khởi cho biết: “Nhiều sản phẩm nông nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng đối với thanh long ruột đỏ thì khỏi phải lo đầu ra. Thời điểm này, cây đang kỳ ra hoa mà có người đến đặt mua nguyên cả vườn với giá 30.000 đồng/kg”.
Không chỉ bán quả mà hàng năm ông Bình còn bán mồi giống cũng như hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăm sóc thanh long cho những nông dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp mọi người cùng vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Mới đây, ông bán được 200 triệu đồng tiền mồi giống cho một số khách hàng ở tỉnh Quảng Nam.
Nhiều người trên địa bàn xã học tập mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ
Được biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Lê Trọng Bình ở thôn Đông Châu là mô hình tiêu biểu; gia đình ông đi đầu trong phong trào xóa bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Tá Duy - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho rằng: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Lê Trọng Bình cho thu nhập cao và ổn định nên nhiều người trên địa bàn xã cũng học tập trồng được khoảng 3ha (trên 1.500 trụ). Hiện nay, thanh long là loại cây rất phù hợp với điều kiện của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả khác nên chúng tôi tiếp tục nhận rộng.