Tương truyền tổ sư nghề rèn ở đây là ông Đùng. Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có công cụ sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà. Từ đó, nhiều người dân trong vùng đến xin ông học nghề. Ông vui vẻ truyền nghề cho dân làng.
Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng, lập đền thời tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng và gọi là Đền ông Thánh thợ.
Được biết, trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội.
Nhằm khôi phục nét văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đồng thời thể hiện đạo lý tri ân “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân phường Trung Lương đối với vị sư Tổ, hàng năm, cứ đến ngày 7 tháng Giêng, phường Trung Lương lại tổ chức Lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn nhằm giáo dục con cháu nhớ đến người đã có công truyền dạy nghề và biết giữ gìn, phát triển nghề rèn, đúc truyền thống quý báu lâu nay.
Từ giá trị nghề truyền thống, trong những năm gần đây, phường Trung Lương đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho sản phẩm của làng nghề rèn, đúc ngày càng phát triển. Đến nay, ở phường Trung Lương đã có hơn 300 hộ rèn, đúc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sản phẩm rèn, đúc đã đứng vững và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng thu nhập từ nghề rèn đúc truyền thống của Trung Lương năm 2016 đạt 205 tỷ đồng.
Việc tổ chức Lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn vào ngày khai hạ mồng 7 Tết là dịp để con em Trung Lương đang sinh sống và làm việc trên mọi miền tổ quốc, đặc biệt là những người làm nghề rèn, đúc thắp hương tưởng nhớ Đức tổ Thánh thợ rèn, đồng thời có dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất nghề rèn truyền thống của cha ông để lửa làng rèn sáng mãi.