Hôm 11/2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu giành tối đa tài nguyên của chính phủ liên bang cho mục tiêu thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực AI trong bối cảnh có nhiều mối quan ngại rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Sắc lệnh này được đưa ra 2 năm sau khi Trung Quốc ban hành kế hoạch trong đó đề cập tới sự phát triển của AI như một chiến lược quốc gia và đặt mục tiêu đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ và ứng dụng AI trước năm 2030.
Mỹ và Trung Quốc đều có tham vọng dẫn đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Datascientistinsights)
Li Yi, nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm nghiên cứu Internet liên kết với Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nói rằng sắc lệnh mới của Tổng thống Trump đã phát động một cuộc tấn công mới của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao trong nỗ lực ngăn chặn sự lớn mạnh của đối thủ chính của họ trong lĩnh vực này là Trung Quốc.
Theo ông Li, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và một môi trường thiếu thân thiện hơn khi hoạt động tại thị trường Mỹ nhưng những thay đổi này sẽ chỉ khiến họ mạnh mẽ và kiên cường hơn.
Ông Li và một số nhà phân tích khác cũng cho rằng sắc lệnh mới sẽ mang tới nhiều rủi ro hơn cho các nhà đầu tư và doanh nhân Mỹ hợp tác làm ăn với các đối tác Trung Quốc.
Theo họ, các trao đổi học thuật quốc tế cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.
Ông Li cảnh báo ngành công nghiệp AI toàn cầu có thể sẽ chia thành 2 phe nếu Mỹ thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc và trong kịch bản tồi tệ nhất, Washington sẽ buộc các đồng minh của mình phải chọn phe để thành lập một liên minh ý thức hệ. Trung Quốc và Mỹ hiện là 2 quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển AI mặc dù các quốc gia khác như Nga hay Nhật Bản cũng đang cho thấy tham vọng về phân khúc này.
Sự phát triển AI trong thập kỷ tới sẽ dự kiến mang về khoảng 15.7 tỷ USD cho GDP toàn cầu, trong đó Trung Quốc dự kiến góp 7 tỷ USD và Bắc Mỹ góp 3.7 tỷ USD, theo dự đoán của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC.
Trung Quốc với ưu thế dân số đông đảo có lợi thế trong việc phát triển thị trường rộng lớn và cung cấp nguồn dữ liệu dồi dào cho ứng dụng AI trong khi Mỹ có lợi thế về thiết bị và công nghệ.
Tuy nhiên việc chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào AI khiến chính phủ Trump đối mặt với các áp lực từ lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ vượt mặt họ trong lĩnh vực này.
Một số học giả và các tờ báo Mỹ lo ngại Mỹ đang thua trong cuộc chiến nhận thức về AI với Trung Quốc. Một ý kiến đăng tải trên Fox News hồi tháng 11 cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ gần như không mấy quan tâm tới vấn đề này và không có chiến lược để bảo vệ một sự "mất mát lịch sử". Các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 cũng không đề cập tới AI, cuộc chiến AI và cách Mỹ có thể thuê trong cuộc chiến này, học giả người Mỹ Steve Andriole cho biết.