Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh khép lại trước thềm năm mới đã mang tin vui về cho giáo viên và học sinh Trường THPT Phúc Trạch. Nỗ lực của các thầy cô, học sinh đã được đền đáp khi trường có 2 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh: Thiết bị cảnh báo mực nước lũ tự động (giải nhì) và Một số giải pháp định hướng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh THPT Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay (giải ba).
Một số giải pháp định hướng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh THPT Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay của học sinh Hồ Thị Huyền Chi và Cao Thảo Trâm - lớp 11A1 giành giải ba cuộc thi cấp tỉnh năm 2019.
Em Hồ Thị Huyền Chi, học sinh lớp 11A1 - một trong 2 tác giả của sản phẩm đạt giải ba cuộc thi cấp tỉnh lần này cho biết: “Đã từng tham gia cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác nên chúng em cũng đã phần nào hiểu và thấm nhuần về đạo đức, phong cách và lối sống của Người trong từng mẩu chuyện nhỏ ghi lại sinh hoạt đời thường của Bác.
Chính vì thế, khi trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, chúng em cũng đã nghĩ ngay đến ý tưởng của đề tài. Điều đó càng cần thiết hơn đối với học sinh lứa tuổi như chúng em trong giai đoạn hiện nay khi nhiều bạn vẫn còn ham chơi, còn chưa ý thức nhiều đến trách nhiệm tu dưỡng và rèn luyện. Cũng qua sản phẩm này, chúng em cũng muốn thêm một lần góp phần lan tỏa phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong lứa tuổi học đường”.
Cũng xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống bà con vùng sâu vùng xa – nơi lũ lụt thường xuyên đe dọa đến tính mạng, tài sản của chính gia đình và bà con làng xóm, nên ý tưởng về một thiết bị cảnh báo mực nước lũ tự động của nhóm tác giả Cao Văn Tuấn Anh - lớp 11A1 và Nguyễn Trần Huy - lớp 11A5 cũng đã gửi gắm một ước muốn giúp người dân giảm thiểu thiệt hại khi nước lũ dâng nhanh.
Thiết bị cảnh báo mực nước lũ tự động của nhóm tác giả Cao Văn Tuấn Anh và Nguyễn Trần Huy giành giải nhì cấp tỉnh trong kỳ thi vừa qua
Tuấn Anh chia sẻ: “Thiết bị này được sử dụng cảm biến siêu âm với 3 cấp độ cảnh báo khác nhau. Khi nước lũ lên ở từng cấp độ đều có đèn tín hiệu và còi báo động, đồng thời mọi thông tin này cũng được gửi về điện thoại của người sử dụng qua tin nhắn. Như thế, người dân sẽ chủ động trong việc di dời, sơ tán đồ đạc. Để thực hiện đề tài này, chúng em cũng gặp nhiều khó khăn, một số thiết bị phải gửi mua ở Hà Nội, quá trình vận hành cũng nhờ sự hỗ trợ của thầy giáo hướng dẫn rất nhiều. Em mong rằng ý tưởng của chúng em sẽ phát huy hiệu quả khi được ứng dụng vào thực tiễn”.
Không chỉ bây giờ mà ngay từ lần đầu tiên hưởng ứng cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông 8 năm trước, Trường THPT Phúc Trạch - đơn vị vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã tạo ấn tượng với sản phẩm: Hệ thống đèn chống bão lụt của em Hoàng Tất Phương được lựa chọn là 1 trong 4 sản phẩm dự thi quốc gia. Dù không đạt giải nhưng từ sản phẩm đầu tiên đã xây dựng niềm tin để thầy và trò trường vùng cao duy trì niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật.
“Bước sang năm thứ 2 hưởng ứng cuộc thi, nhà trường xác định đây là chiến lược để tạo dựng thương hiệu của trường, bởi ở vùng khó khăn này, chất lượng đầu vào thấp. Đây cũng là yếu tố tạo động lực để thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo, tạo sân chơi kiến thức bổ ích cho học sinh”, thầy Nguyễn Quang Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch cho biết.
Năm học 2018-2019, đề tài bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chứt của học sinh Trường THPT Phúc Trạch cũng giành được giải khuyến khích quốc gia
Cũng vì lẽ đó, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường của Trường THPT Phúc Trạch được phát động và tổ chức bài bản hơn bằng 3 vòng chấm: Vòng thi ý tưởng, trình bày sản phẩm qua mô hình và chọn lựa 3 sản phẩm tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Theo đó, phong trào ngày càng lan tỏa, trung bình mỗi năm trường có 150 sản phẩm đăng ký tham gia cuộc thi. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được khẳng định. Đó là 22 giải cấp tỉnh qua 8 năm dự thi, có 3 sản phẩm tham dự kỳ thi cấp quốc gia, trong đó sản phẩm Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chứt đạt giải khuyến khích và sản phẩm cao sim trị bỏng đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp.
Vượt lên khó khăn, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật đã trở thành động lực cho các thầy cô giáo ở trường miền núi đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực của học sinh theo tinh thần đổi mới giáo dục và đón đầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.