Minh họa: Đặng Hồng Quân |
- Ông có khỏe không ạ?
- Hả?
- Cháu hỏi ông có khỏe không ạ?
- Hả? Nói to lên! Ông điếc! Điếc! Vừa nói ông vừa chỉ tay vào đôi tai mình.
Có người bảo ông điếc do bị một quả bom nổ ngay gần đó. Có người lại nói ông điếc do đòn roi của những năm tháng tù đày.
Giữa chốn núi rừng hoang vu vắng lặng này, những cuộc nói chuyện như hét vào tai nhau và hét vào bạt ngàn cây cối. Đáp lại, gió rít qua thung lũng mù sương, qua những rừng thông rào rạt và rung rung trên mái tôn xập xệ.
- Ông có khỏe không? - tôi lấy hết sức gân cổ gào lên.
- Khỏe. Khỏe lắm. Ông vẫn vào rừng hái lá để điều chế thuốc chống ung thư. Sắp xong rồi. Nay mai thôi là có thể gửi cho bộ y tế.
Miệng nói tay làm, ông đưa cho tôi một cuốn sổ vàng nhàu nhĩ mà ông viết vào đó “công trình nghiên cứu” của mình. Những hàng chữ nguệch ngoạc chồng chéo lên nhau, không hàng nào ra hàng nào, không câu nào ra câu nào. Rồi ông hứng khởi lái câu chuyện sang một chủ đề khác.
- Mày có địa chỉ của thủ tướng không? Để ông gửi cái thư kiến nghị.
Tôi thảng thốt giật mình:
- Ông muốn kiến nghị gì cơ?
- À... ừm... kiến nghị gì nhỉ? Ông bỗng thừ người ra, trầm lắng một lúc thật lâu rồi bất lực lắc đầu.
- Ông quên rồi. Nhưng khi nào ông nhớ ra thì mày viết cho ông nhá.
Rồi ông lại đột ngột chuyển chủ đề, vẫn nói như hét nhưng giọng đầy trìu mến.
- Thế cháu ông giờ làm ở đâu nào?
- Cháu làm ngân hàng ạ. Tôi bắt đầu muốn đứt hơi vì cứ phải cố gào to lên.
- Tốt quá. Tốt quá. Thế mệnh giá đôla Mỹ bây giờ là bao nhiêu ấy nhỉ?
Giữa những câu chuyện hoang tưởng u mê, đôi khi ông bất chợt minh mẫn lạ kỳ và thỉnh thoảng lại hỏi những câu đầy thông tuệ. Ông Phạm là anh ruột của bà ngoại tôi, mười sáu tuổi đã thất lạc gia đình. Sau này đất nước thống nhất, gặp lại được ông thì ông đã điếc nặng và lú lẫn.
Những người bạn tù của ông chẳng còn ai. Ông không còn giấy tờ tùy thân gì, thậm chí đôi lúc ông còn không nhớ nổi mình đã từng là ai nữa.
Bà ngoại tôi nhiều năm liền đi bộ qua biết bao nhiêu ủy ban để xin bằng được cho anh mình chỉ một kỷ niệm chương, nhưng người ta lắc đầu rằng không có giấy tờ gì xác nhận ông có công lao trong những năm tháng ấy.
Ông Phạm không vợ không con. Ông sống trong căn nhà gỗ lợp mái tôn nhỏ bé nằm dưới chân đèo Bảo Lộc. Lần nào đến tôi cũng thấy cái radio cũ sét đang mở chương trình thời sự to hết công suất.
Mùa lạnh, gió lùa qua những khe hở toang hoác trên vách gỗ, rào rào trên mái tôn. Bếp củi leo lét lửa dưới những cái đít nồi méo mó.
- Ông ơi, ông cũng bắt đầu yếu rồi. Ba mẹ với bà ngoại cháu muốn đón ông về thành phố để tiện chăm sóc ông. Hôm nay cháu đến là để đón ông ạ.
- Hả? Mày nói gì? Ông không nghe được.
- Cháu đến đón ông về chăm sóc. Tôi lại phải gào lên, tiếng tôi vang xa, vọng qua những đỉnh đồi thung lũng chìm trong sương mù.
- Không. Ông không về đâu. Ông phải ở đây để chờ trung ương đến đón chứ.
Tôi không nhớ rõ ông đã sống trong căn nhà gỗ nơi chân đèo này bao lâu. Chỉ biết sau bao năm ông vẫn nhất định không dời đi đâu, vẫn bảo đợi trung ương đến đón.
Cũng buổi chiều nhiều gió và đầy sương hôm đó, ông bỗng nhiên đóng cái cửa không có khóa, vặn nhỏ radio rồi kéo cái ghế gỗ gãy một chân lại gần tôi thì thào.
- Ông đưa mày cái chìa khóa này. Sau này ông có mất mày phải giữ lấy. Đây là chìa khóa mở cái rương của ông. Quan trọng đấy! Mà không được nói với ai đâu đấy nhé.
Nói rồi ông đặt vào tay tôi một cái chìa khóa cũ.
Tôi có niềm đam mê đặc biệt với những kỷ vật xưa cũ. Suốt nhiều năm, tôi giữ cẩn thận từ cây kèn harmonica Nhật ông ngoại mua khi mới hai mươi tuổi cho đến cái đồng hồ Đông Đức bố được tặng hồi sinh viên hay cái bàn ủi Liên Xô của mẹ có từ thời bao cấp.
Nhưng ở bên một người cũ xưa không hẳn lúc nào cũng dễ chịu.
Đã bốn năm trôi qua từ hôm đó, tôi hầu như không về thăm ông một lần nào nữa, tôi sợ phải hét to lên, tôi sợ phải đọc mấy công trình khoa học nhàu nhĩ, viết những lá thư vẩn vơ và nghe đi nghe lại mãi những câu chuyện đời hoang đường hư ảo.
Rồi ông mất. Sau đám tang, tài sản để lại của ông chẳng có gì ngoài ít nồi niêu xoong chảo, cái radio cũ, một cái rương nhỏ khóa cẩn thận, phủ đầy bụi và chằng chịt vết xước.
Có người bảo giấy tờ quan trọng mà ông giữ trong rương chẳng qua cũng chỉ là những công trình khoa học hâm dở không bao giờ được công bố. Người thì nói trong đó chứa mấy tập thơ ông viết thời đi lính. Ai mà biết được...
Tôi tìm trong đống “cổ vật” của mình, giữa những món đồ chơi từ thời thơ bé cùng rất nhiều thiệp và thư là hàng tá chìa khóa. Chìa này của cái xe đạp đầu tiên bị mất cắp, chìa khác của căn phòng trọ cũ tôi chuyển đi từ lâu, chìa nọ tôi vô tình lượm được ven đường trong buổi chiều mưa năm nào đó.
Trong số chìa khóa đủ loại, không chiếc nào đủ cũ để mở được chiếc rương. Tôi sục sạo trong ký ức nhưng mất dấu, chiếc chìa khóa của ông đã lặn sâu giữa vô số sự kiện chồng chéo của bốn năm trong đời.
Đám tang ông Phạm lặng lẽ, chỉ có vài người thân trong nhà, không kèn trống, không vòng hoa. Ông nằm lại nơi chân đèo, giữa đồi dã quỳ nở vàng rực rỡ. Dưới kia là thung lũng mù sương và những mùa gió không khi nào dứt.
Truyện ngắn 1.178 chữ của ĐINH NGỌC TÂM