Tự hào Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Việt Nam được cộng đồng thế giới biết đến và ngưỡng mộ trên nhiều phương diện. Nhưng có lẽ hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên về đất nước Việt Nam là Quốc kỳ và Quốc ca.

Từ trụ sở của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến trụ sở của Liên hợp quốc, từ các nước, các vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam đến các sự kiện trong nước hay trên trường quốc tế… đều xuất hiện hình ảnh Quốc kỳ và giai điệu Quốc ca hùng tráng, luôn là niềm tự hào đi cùng năm tháng của mỗi người dân đất Việt.

Tự hào Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam

Quốc kỳ và Quốc ca Việt Nam đều ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Trong “đêm trước” của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngôi sao vàng 5 cánh lấp lánh giữa nền lá cờ đỏ hình chữ nhật đã xuất hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân ta đã làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đi vào lịch sử, rồi sau đó, phong trào chống thực dân Pháp và phát xít Nhật nổ ra khắp cả nước. “Miền Nam đi trước về sau”, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa vào ngày 23/11/1940. Cuộc khởi nghĩa được Xứ ủy Nam Kỳ lấy cờ đỏ sao vàng làm hiệu lệnh chỉ huy, thôi thúc quần chúng nhân dân triệu người như một, vùng lên đánh đổ ách thực dân, phát xít và phong kiến, quyết giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Người thầy giáo - chiến sỹ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, tác giả của mẫu Quốc kỳ và của những vần thơ nặng tình non nước đã đi vào ký ức lòng người qua bao thế hệ.

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì đất nước

Sao vàng tươi da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sĩ - công - nông - thương - binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh…

Tự hào Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam

Các tuyến đường ở Hà Tĩnh rực rỡ cờ Tổ quốc chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023). Ảnh P.V

Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của khí phách Việt Nam, của khát vọng tự do, độc lập, báo hiệu “ngày tàn” của chính quyền thực dân trên đất nước Việt Nam. Trong bối cảnh phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, Mặt trận Việt Minh ra đời với hàng loạt vấn đề đặt ra. Một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ là “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ…”.

Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một ngôi sao vàng 5 cánh. Ngày 2/9/1945, giữa trời thu Hà Nội rợp cờ đỏ sao vàng, lòng người hân hoan, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm và trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, lá cờ đỏ sao vàng đã trở nên linh thiêng, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân nước Việt. Lá cờ đỏ sao vàng cũng tạo cảm hứng dâng trào để giới văn nghệ sỹ sáng tác nhiều ca khúc, nhiều tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng…

Tự hào về Quốc kỳ bao nhiêu, ta càng tự hào về Quốc ca bấy nhiêu. Nhạc sỹ Văn Cao, một trong những “cây đại thụ” của nền tân nhạc Việt Nam đã để lại cho đời nhiều ca khúc nổi tiếng, ghi đậm dấu ấn, như: Tiến về Hà Nội, Trường ca sông Lô, Mùa xuân đầu tiên… Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sỹ tài hoa, nhiệt huyết này có thể nói đó là Tiến quân ca. Ca khúc bất hủ này được Nhạc sỹ Văn Cao sáng tác vào cuối năm 1944, khi Cách mạng tháng Tám chưa nổ ra. Tiến quân ca ra đời đã trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Do hội tụ đủ các yếu tố, đặc biệt thể hiện được tinh thần, ý chí, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc nên Tiến quân ca đã được Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, Tuyên Quang chọn làm Quốc ca.

Tự hào Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Trong những ngày sục sôi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giai điệu hùng tráng của Tiến quân ca đã vang lên khắp làng quê, phố thị trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt, vào thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Quốc ca được cử hành trọng thể, làm rung động lòng người. Đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng hòa nhịp “Đoàn quân Việt Nam đi…” đạp tan xiềng xích nô lệ, tủi nhục mất nước, ngẩng cao đầu bước sang trang sử mới. Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khóa I đã phê chuẩn Tiến quân ca làm Quốc ca Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”.

Tự hào Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả “Tiến quân ca”. Ảnh internet

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc thi sáng tác Quốc ca mới đã được tổ chức trong thời gian từ tháng 4/1981 đến tháng 6/1983, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới nhạc sỹ. Cảm hứng dâng trào, hàng loạt tác phẩm âm nhạc ra đời, thể hiện bầu nhiệt huyết, sức sáng tạo của các nhạc sỹ về tình yêu đất nước, ngợi ca Tổ quốc nhưng không có ca khúc nào vượt lên, xứng tầm như Tiến quân ca.

Thời gian đi qua đã gần tám thập kỷ nhưng sức sống “hồn thiêng sông núi” của Tiến quân ca thì vẫn vẹn nguyên, trường tồn cùng dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Quốc ca Việt Nam đã trở thành đề tài hấp dẫn, nhất là đối với giới nghiên cứu chuyên ngành âm nhạc trong và ngoài nước. Cách đây hơn 13 năm, qua khảo sát bạn đọc, trang tin điện tử (Cracked.com) có uy tín ở Mỹ đã xếp Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam vào vị trí thứ nhất trong số các bài Quốc ca hào hùng nhất thế giới. Thật tự hào biết mấy!

Chủ đề CHÀO MỪNG QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast