Ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Hoạt động chất vấn lan toả tinh thần đổi mới, sáng tạo trong giám sát của Quốc hội
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 diễn ra trong thời gian 1 ngày, được tường thuật trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 9. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, được dư luận và cử tri đánh giá cao; góp phần lan toả tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát và hoạt động của Quốc hội; đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 nhóm lĩnh vực là Công thương và Tài nguyên môi trường để tiến hành chất vấn. Đây là các lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển KT-XH và hoạt động sản xuất của Nhân dân. Đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tập trung dành thời gian, nghiên cứu kỹ lưỡng các nhóm vấn đề, đảm bảo hiệu quả tại phiên họp thứ 9.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp tục điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.
Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội sáng ngày 16/3. Ảnh: Quochoi.vn
Nỗ lực điều hành giá xăng dầu dưới ngưỡng trung bình của thế giới
Vấn đề điều hành giá xăng dầu nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tại phiên chất vấn sáng nay. Theo đó, đại biểu quan tâm những giải pháp Bộ Công Thương đưa ra là gì để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân?
Đại biểu tỉnh Hưng Yên đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu. Ảnh chụp màn hình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung tại một số quốc gia cung ứng lớn; bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã khiến biên độ xăng dầu tăng từ 40 - 60%. Ngoài ra, nguồn cung ứng xăng dầu trong nước gặp nhiều khó khăn do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (hằng tháng cung ứng 35% sản lượng trong nước) giảm công suất đột ngột, từ 100% xuống còn 55%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh chụp màn hình.
Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp có đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng để bù đắp phần Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thiếu hụt. Đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ cung ứng đến hết tháng 3. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp cần tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3 vượt mức bình thường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính đã thực hiện đúng các Nghị định của Chính phủ, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành linh hoạt và đưa ra mức hỗ trợ từ 500 - 1.500 đồng/lít xăng dầu; do vậy, giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 29 - 40%, dưới ngưỡng bình quân của thế giới (40 - 60%).
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tiến hành thanh kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc. Theo đó, đã thanh kiểm tra tại 16.800 cửa hàng trên tổng số 17.000 cửa hàng, phát hiện có 211 cửa hàng vi phạm (đóng cửa do sự cố kỹ thuật, số khác chủ yếu nhập hàng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nên bị ảnh hưởng nguồn cung khi nhà máy này giảm công suất đột ngột).
Bộ Công Thương đã thanh kiểm tra 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Sau khi có kết quả thanh kiểm tra, đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định, mức cao nhất là rút giấy phép và đình chỉ kinh doanh. Đồng thời, tiến hành thanh, kiểm tra với các doanh nghiệp phân phối và áp dụng chế tài xử lý nghiêm minh.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền giám sát, xem xét để có phương án giải quyết khó khăn nội tại đối với việc điều hành xăng dầu trong nước như duy trì công suất thiết kế nâng sản lượng sản xuất, nâng mức dự trữ, dự phòng xăng dầu...
Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án áp dụng CNTT trong quản lý xăng dầu nói riêng và các mặt hàng có điều kiện nói chung để triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng
Làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Tính đến hết năm 2021, đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc, xử phạt trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 như kit test, thiết bị đo SPO2... có dấu hiệu vi phạm.
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Về giải pháp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; đa dạng hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngoài việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022 các đề án quan trọng về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường, ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm..., Bộ sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường hiệu quả công tác của ngành, đẩy mạnh sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức hút cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu trong tình hình dịch COVID-19
Đối với nhóm vấn đề về giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản; đại biểu băn khoăn về tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu khi xuất khẩu qua Trung Quốc.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) chất vấn về giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Ảnh chụp màn hình.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Bộ đã nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; cùng với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hoá; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải điều tiết, đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi tới Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.
Ngoài ra, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa tuyệt đối an toàn; chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Bên cạnh đó, chủ động cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu.
Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản để đa dạng hoá thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào số ít thị trường lớn, truyền thống.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.