Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề phiên chất vấn
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết, kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ dành gần 1 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp, văn hóa - thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo. Đề nghị lãnh đạo các ngành trả lời chất vấn thẳng thắn, đánh giá khách quan và phải có các giải pháp tháo gỡ cụ thể. Sau trả lời chất vấn của lãnh đạo các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm rõ thêm các nội dung trả lời chất vấn vào ngày mai.
Mở đầu phiên chất vấn, “tư lệnh” ngành NN&PTNT Hà Tĩnh đăng đàn trả lời các giải pháp khắc phục khó khăn trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt khẳng định, thời gian qua, Hà Tĩnh từng bước hình thành và phát triển một số mô hình, chuỗi liên kết sản xuất; qua đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt
Tốc độ tăng trưởng bình quân (2010-2020) đạt trên 3,2%/năm, năm 2021 trên 3,87%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích hiện đạt trên 96 triệu đồng/ha (năm 2010 là 45 triệu đồng/ha); cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 34,37% (2010) lên trên 53% (2022), giảm tỷ trọng trồng trọt từ 59% xuống còn dưới 45%,...
Tuy vậy, việc phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết còn khó khăn. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, điều này xuất phát từ việc chỉ đạo, phát triển mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa thực sự quyết liệt; chất lượng, hiệu quả hoạt động các HTX, THT còn nhiều hạn chế; việc nắm bắt thông tin thị trường, tư duy về sản xuất hàng hóa chưa kịp thời...
Đại biểu tham dự kỳ họp.
“Tư lệnh” ngành nông nghiệp đã đề cập những giải pháp, định hướng về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới như: tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức cho cả người quản lý, người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ; triển khai hiệu quả các chính sách theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND, số 78/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã ban hành; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Giám đốc Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh giải pháp trọng tâm vừa phát triển chăn nuôi lợn bền vững vừa gắn với bảo vệ môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo đó, hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi tổ chức tái đàn, thả nuôi lợn khi đảm bảo các điều kiện; chỉ đạo tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong hoạt động chăn nuôi; thường xuyên nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để khuyến cáo người dân có kế hoạch thả nuôi, tái đàn hợp lý…
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đã làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian tới.
Đại biểu Thái Văn Sinh tham gia chất vấn
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Thái Văn Sinh bày tỏ băn khoăn: “Thời gian qua, trên mạng xã hội và báo chí lan truyền thông tin về tình trạng bò từ nước ngoài xâm nhập qua biên giới về Việt Nam vỗ béo rồi tiêu thụ, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vậy, ở Hà Tĩnh có loại bò này không? Nếu có thì ngành có giải pháp nào để ngăn chặn?
Trả lời nội dung đại biểu nêu, người đứng đầu ngành NN&PTNT cho biết: Ngay khi có thông tin về việc có bò ngoại xâm nhập vào Việt Nam, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các nội dung theo chỉ đạo. Về trách nhiệm, ngành nông nghiệp đã phân công đoàn công tác kiểm tra thực tế tại các địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 39 lò giết mổ gia súc tập trung, trong đó có 32 lò đang hoạt động; giao động mỗi đêm các lò giết mổ 95-100 con trâu bò, 450-500 con lợn.
Người đừng đầu ngành khẳng định, thời gian gần đây, trên địa bàn không có hiện tượng bò ngoại nuôi vỗ béo ở địa bàn của tỉnh. Người tiêu dùng Hà Tĩnh có thể yên tâm khi sử dụng thịt bò được cung cấp từ các lò mổ tập trung.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy tham gia chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy nêu thực tế, hiện nay nhiều địa phương thực hiện cánh đồng mẫu lớn song mới chỉ dừng lại ở việc phá bỏ bờ thửa, không phải tích tụ ruộng đất dẫn tới hiệu quả chưa cao. Vậy, ngành NN&PTNT đã tham mưu những giải pháp nào? Đại biểu Thủy cũng đặt câu hỏi về giải pháp quản lý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương đạt được rất khả quan, nhất là tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà, huyện Kỳ Anh, Đức Thọ.
“Việc tích tụ ruộng đất cần có bước đi, cách làm phù hợp để người dân dần thích nghi, không thể nóng vội. Lộ trình hiện tại là đang phá bỏ bờ thửa, chuyển đổi ô thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn và tiến tới tích tụ ruộng đất”, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng đã giải trình, làm rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai các nội dung hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; đánh giá lại quy trình sản xuất thực tiễn đối với các sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp. Cùng đó, mở rộng quy mô, triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đến chuẩn hữu cơ gắn với chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ.
Kỳ họp diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/12) tại Hội trường tầng 1, UBND tỉnh. Trong thời gian HĐND tỉnh họp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn. |