Ngày 20/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Bệnh mạn tính - Cơn khủng hoảng thầm lặng” nhằm cung cấp một cái nhìn rõ hơn về các bệnh mạn tính ở Việt Nam, cùng với việc giới thiệu phương pháp y học thế hệ mới để ngăn ngừa, quản lý và đẩy lùi các bệnh mạn tính.
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh mạn tính đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện tại cứ 10 trường hợp tử vong thì có 7 trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu danh sách bao gồm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Tình hình thực tế đã và tiếp tục trở nên trầm trọng hơn do các hành vi xem nhẹ sức khỏe, phổ biến như hút thuốc hoặc thiếu dinh dưỡng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người Việt Nam.
BS. Hoàng Thị Bạch Dương - Tổng Giám đốc, Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ Chân Trời Mới cho rằng, lối sống có ảnh hưởng đến 80% sức khỏe con người.
Người xưa đã có câu “bệnh từ miệng mà vào”, chính là để nói lên tầm quan trọng to lớn của thói quen ăn uống, sinh hoạt của con người. Các hoạt động ăn, hít thở, vận động thường ngày đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có những ảnh hưởng có thể thấy ngay, nhưng cũng có những mối nguy hại tiềm tàng, chẳng hạn, khi bạn thức khuya nhiều dần dần sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ trong tương lai, nghiêm trọng hơn là vấn đề sức khỏe tâm thần, dễ bị rối loạn lo âu.
“Lối sống hiện đại khiến nhiều người mải mê làm việc, thậm chí làm việc cật lực suốt ngày đêm mà quên đi chăm sóc bản thân mình, đến khi về già mới lo lắng về sức khỏe thì đã muộn. Do đó, việc ngăn ngừa, kiểm soát bệnh tật thông qua áp dụng cá nhân hóa lối sống, điều chỉnh lối sống cân bằng là hết sức cần thiết”- BS. Bạch Dương chia sẻ.
Ngăn ngừa, kiểm soát và “đảo ngược” bệnh mạn tính thông qua áp dụng cá nhân hóa lối sống là thông điệp mà các chuyên gia muốn truyền tải tới người dân.
Chính vì vậy, việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giải trí, tránh stress là điều mà mỗi cá nhân cần nhìn lại và điều chỉnh cho bản thân. Mỗi người phải “tự xây bánh xe cuộc đời” cho riêng mình thì chắc chắn sẽ sống khỏe và hạnh phúc.
Với hơn 10 năm nghiên cứu y học về bệnh mạn tính, Anti-Fragility Health Clinic (AFHC) chuyên tập trung chăm sóc, phòng ngừa các bệnh mạn tính và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thế hệ mới, tập trung vào y học chức năng và lối sống cá nhân.
Ông Charles Sine – Chuyên gia nghiên cứu y học và sức khỏe cá nhân, Tổng Giám đốc của AFHC chia sẻ: “Khá nhiều bệnh nhân của chúng tôi có ít kiến thức về tác động của lối sống đến sức khỏe. Họ thường xuyên chỉ tìm đến bệnh viện hoặc bác sĩ khi họ đã bị bệnh. Và khi nguyên nhân của căn bệnh không được xem xét kỹ lưỡng, rất khó để giải quyết triệt để.
“Điều cần thiết là phải xem xét nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đó có thể là danh sách hàng loạt các thói quen và hành vi không lành mạnh, từ chế độ ăn uống kém, mất nước, thiếu vận động đến các vấn đề liên quan đến stress. Các chuyên gia của chúng tôi cung cấp các thiết kế lối sống cá nhân hướng tới tạo ra những tác động tích cực tới sức khỏe của khách hàng, với mục tiêu ngăn ngừa, quản lý và đẩy lùi các mối đe dọa từ bệnh mạn tính” – Ông Sine nói thêm.