Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đã 92 năm kể từ ngày đồng chí Trần Hữu Thiều - người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh hy sinh (11/2/1931-11/2/2023), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh luôn ghi nhớ và biết ơn những cống hiến xuất sắc của đồng chí cho cách mạng.

Tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên trung

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Đồng chí Trần Hữu Thiều, bí danh là Trần Lai, Nguyễn Trung Thiên, Trần Đình Thiều.

Đồng chí Trần Hữu Thiều - bí danh là Trần Lai, Nguyễn Trung Thiên, Trần Đình Thiều, sinh ngày 11/06/1906, trong một nhà nho nghèo ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Năm 1924, sau nhiều năm đèn sách, Trần Hữu Thiều thi đậu tuyển sinh rồi về làng dạy học, nối nghiệp thân sinh. Trong thời gian này, một số thanh niên thức thời như: Cao Xuân Khoách, Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất... lập hội Tâm giao, quyên góp tiền bạc ủng hộ phong trào yêu nước. Vốn có tư tưởng tiến bộ, Trần Hữu Thiều nhanh chóng gia nhập hội và trở thành cốt cán tích cực.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Trần Hữu Thiều được treo trang trọng tại gia đình ở huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Tháng 7/1927, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Dương Xuân được thành lập, Trần Hữu Thiều là một trong những đảng viên đầu tiên ở quê nhà. Hai tháng sau, đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An do Đông Dương cộng sản Đảng tổ chức.

Sau sự kiện Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Tĩnh được thành lập vào cuối năm 1929, đầu năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều được Đông Dương cộng sản Đảng cử vào xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Tĩnh.

Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị được tiến hành tại bến đò Thượng Trụ (Can Lộc), bao gồm đại biểu của các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh do đồng chí Trần Hữu Thiều làm bí thư.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Đồng chí Trần Hữu Thiều là một trong những người chiến sỹ cách mạng sôi nổi giai đoạn 1930-1931.

Là một người hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt tình, Trần Hữu Thiều có uy tín cao đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng chí luôn hòa mình vào quần chúng và có phương pháp tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng bằng lời lẽ giản dị, bình dân. Đồng chí Trần Hữu Thiều cùng với các đảng viên đã nhiều lần phát động quần chúng đấu tranh đòi giảm sưu thuế, chia ruộng đất cho nông dân, cấm binh lính đàn áp Nhân dân...

Tháng 9/1930, Tỉnh ủy Hà Tĩnh triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Là người chủ trì đại hội, đồng chí Trần Hữu Thiều đánh giá cao sự nổi dậy của quần chúng và hướng đại hội thảo luận kỹ về chủ trương củng cố phong trào theo chỉ thị của Trung ương và Chấp ủy Trung Kỳ. Đồng chí đề nghị đại hội cử đồng chí Nguyễn Thiếp (quê ở Phù Việt - Thạch Hà) làm Bí thư Tỉnh ủy, còn đồng chí giữ chức Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách phong trào ở Can Lộc. Đề nghị chân thành của đồng chí Trần Hữu Thiều được đại hội chấp nhận.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Phần mộ của đồng chí Trần Hữu Thiều tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Ngày 22/11/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều bị địch vây bắt tại thôn Phù Minh (tổng Nội Ngoại, huyện Can Lộc). Vào tù, mặc dù bị tra tấn dã man, đồng chí đã tỏ rõ khí phách anh hùng của con người xứ Nghệ, không khuất phục trước kẻ thù.

Biết đồng chí là người cầm đầu phong trào đấu tranh ở Hà Tĩnh, thực dân Pháp và Nam triều Hà Tĩnh không cần xin lệnh cấp trên đã đưa đồng chí về xử bắn tại thôn Phù Minh (huyện Can Lộc) vào ngày 11/2/1931 để uy hiếp phong trào đấu tranh của Nhân dân. Đồng chí hy sinh lúc mới 25 tuổi.

Hiện nay, phần mộ của đồng chí Trần Hữu Thiều yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Bàn thờ của đồng chí được gia đình chăm sóc hương khói tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng trung Dũng và các thành viên đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh dâng hương trước bàn thờ Bí thư Tỉnh ủy Trần Hữu Thiều tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An ngày 9/2/2023.

Truyền thống gia đình cách mạng vẻ vang

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Anh Sơn (Nghệ An) đến thăm, chúc sức khỏe thân nhân đồng chí Trần Hữu Thiều.

Những ngày tháng 2 lịch sử, trong dịp đón mùa xuân mới của Đảng và tưởng niệm 92 năm ngày mất của đồng chí Trần Hữu Thiều, chúng tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của tỉnh đến dâng hương tại bàn thờ đồng chí ở quê nhà huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trước anh linh người chiến sỹ cộng sản kiên trung, được nghe hiểu thêm nhiều thông tin quý giá, chúng tôi càng thêm nể phục truyền thống của gia đình cách mạng.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Ngôi nhà nhỏ ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An hiện đang thờ tự 2 liệt sỹ và 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Cha đồng chí Trần Hữu Thiều là ông Trần Hữu Phát, một nhà nho yêu nước từng tham gia khởi nghĩa Cần Vương. Mẹ đồng chí Trần Hữu Thiều là bà Nguyễn Thị Thích, một người phụ nữ tần tảo, hết lòng hy sinh để chồng con yên tâm vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Trần Hữu Thiều là người con duy nhất của ông Phát, bà Thích.

Mặc dù gia cảnh khó khăn, mẹ già yếu, vợ lại sắp sinh con đầu lòng nhưng đồng chí vẫn hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Trong quá trình hoạt động, chính quyền phong kiến, thực dân ở Nghệ An truy tìm “Tên cộng sản lợi hại Trần Hữu Thiều” mãi không ra tung tích, bèn giở thủ đoạn đê hèn là bắt giam mẹ già và người vợ của đồng chí. Tuy trong lòng thương mẹ, nhớ vợ con da diết và căm phẫn tột độ kẻ thù hung hãn nhưng Trần Hữu Thiều vẫn bình tĩnh, sáng suốt chỉ đạo phong trào với nghị lực phi thường.

Tiếp bước cha ông, người con trai duy nhất của đồng chí Trần Hữu Thiều là Trần Hữu Kiều cũng là một người chiến sỹ kiên cường. Ông Kiều đã tham gia kháng chiến và hy sinh tại chiến trường Tây Bắc - Điện Biên Phủ.

Không chỉ vậy, người con trai duy nhất của ông Trần Hữu Kiều là Trần Hữu Diệm cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia giải phóng miền Nam từ năm 1968-1985; từng là cố vấn quân sự cho Lào và Cam-pu-chia. Ông Diệm hiện là thương binh hạng 4, bệnh binh hạng 2, suy giảm sức khỏe 80%. Và nay, người chắt nội của đồng chí Trần Hữu Thiều cũng đang công tác trong ngành phòng không không quân, góp phần bảo vệ nền độc lập, hòa bình của đất nước.

Ngôi nhà nhỏ của đại gia đình cách mạng ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) không chỉ là nơi thờ tự của người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh Trần Hữu Thiều, mà còn là nơi thờ tự hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng là Nguyễn Thị Thích (mẹ đồng chí Thiều) và Nguyễn Thị Em (vợ đồng chí Thiều) cùng liệt sỹ Trần Hữu Kiều.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Ông Trần Hữu Diệm - cháu nội của đồng chí Trần Hữu Thiều tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.

Ông Trần Hữu Diệm - cháu nội của đồng chí Trần Hữu Thiều cho biết: “Tự hào về truyền thống của gia đình, tôi luôn răn dạy con cháu phải sống sao cho xứng đáng với cha ông. Từ đời ông tôi đến nay là con trai tôi, cả 4 đời đều tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tôi tự hào về điều đó.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến tình cảm, sự quan tâm của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh với gia đình. Cuộc đời của ông tôi đã dành trọn cho Hà Tĩnh và hiện nay, phần mộ của ông vẫn nằm lại ở Hà Tĩnh. Với chúng tôi, Hà Tĩnh đã là quê hương, là nơi chốn để trở về”.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Lãnh đạo huyện Can Lộc thăm hỏi, chúc sức khỏe ông Trần Hữu Diệm (cháu nội đồng chí Trần Hữu Thiều).

Đồng chí Trần Hữu Thiều đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh oanh liệt của Đảng và Nhân dân ta chống lại chế độ thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tấm gương kiên cường của đồng chí mãi mãi được lưu truyền, trở thành hình ảnh đẹp cho các thế hệ sau noi gương, học tập.

Để tri ân, tưởng nhớ công ơn của vị tiền bối cách mạng, năm 1972, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thành lập trường THPT mang tên người anh hùng Nguyễn Trung Thiên (bí danh của đồng chí Trần Hữu Thiều ) ở huyện Thạch Hà. Sau ngày tái lập tỉnh (1991), UBND tỉnh cũng đã lấy bí danh Nguyễn Trung Thiên đặt tên cho một đường phố của thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh).

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Thiên - bí danh của đồng chí Trần Hữu Thiều.

Huyện Can Lộc - nơi ghi dấu nhiều mốc lịch sử hoạt động cách mạng cũng lấy tên đồng chí Nguyễn Trung Thiên làm tên đường ở thị trấn Nghèn. Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, để tưởng nhớ công lao của đồng chí Trần Hữu Thiều, chi bộ 2 làng Phù Minh và Thượng Trụ đã lấy bí danh của đồng chí Trần Hữu Thiều đặt tên cho xã mình là xã Thiên Lộc.

Tưởng nhớ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh

Tượng thờ đồng chí Trần Hữu Thiều trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà).

Noi gương, tiếp bước người chiến sỹ cộng sản kiên trung, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh trong mỗi giai đoạn đều không ngừng nỗ lực học tập, làm việc góp sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển vững mạnh để xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của đồng chí Trần Hữu Thiều dành cho cách mạng, cho quê hương Hà Tĩnh.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.