Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đăng đàn trả lời các nhóm nội dung thuộc ngành.
Vì sao tỷ lệ trúng tuyển vào công chức, viên chức đạt thấp?
Trả lời câu hỏi về việc vừa qua tuyển dụng công chức cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thí sinh trúng tuyển đạt tỉ lệ thấp? Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cho biết: Tỷ lệ nộp hồ sơ của thí sinh không đạt theo chỉ tiêu; bên cạnh đó, theo từng vòng thi, số thí sinh trượt và không tham gia đủ vòng thi; chất lượng của một số thí sinh tham gia dự thi chưa cao.
Ngoài ra, danh mục tài liệu ôn tập các lĩnh vực môn thi nghiệp vụ chuyên ngành có khối lượng lớn nên khó khăn cho thí sinh ôn tập.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ.
Tư lệnh ngành Nội vụ chia sẻ, để việc tuyển dụng trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần xác định chỉ tiêu tuyển dụng biên chế công chức còn thiếu theo đúng vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm đã được phê duyệt; ưu tiên thực hiện xét tuyển công chức theo chính sách thu hút quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ; sau đó, nếu còn thiếu sẽ kịp thời thực hiện tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển.
Ngoài ra, thực hiện quy trình tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp: công chức cấp xã, viên chức sự nghiệp công lập, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước có năng lực, kinh nghiệm công tác và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để bổ sung kịp thời số công chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đại biểu dự kỳ họp.
Kế hoạch tuyển dụng biên chế còn thiếu sẽ tiến hành ra sao?
Liên quan đến câu hỏi về kế hoạch tuyển dụng biên chế còn thiếu, ông Lê Minh Đạo cho hay, đợt 1 năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt tuyển dụng với số lượng 828 chỉ tiêu biên chế viên chức.
Đối với các chỉ tiêu biên chế viên chức thiếu còn lại (1.648 biên chế), sau khi có đề nghị của các sở, ban, ngành, địa phương và tổng hợp, tham mưu của Sở Nội vụ, UBND tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt tuyển dụng đợt 2 năm 2023.
Đối với câu hỏi về thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết, từ năm 2019 - 2022, UBND tỉnh đã thực hiện 3 kỳ xét tuyển, tuyển dụng được 26 thí sinh/39 thí sinh đủ điều kiện.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ rà soát nhu cầu tuyển dụng công chức năm 2023 tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức năm 2023; trong đó, trước hết ưu tiên xét tuyển công chức theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Sau đó, nếu còn thiếu mới tổ chức thi tuyển để bổ sung số công chức còn thiếu.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Lộc Hà) chất vấn tại hội trường.
Tuyển dụng giáo viên các bậc học - nhiều vấn đề cần bàn
Nội dung về việc luân chuyển, điều động giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các địa phương thực hiện chưa thống nhất cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Ông Lê Minh Đạo - Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn của đại biểu.
Ông Lê Minh Đạo cho biết: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện rà soát, xây dựng phương án cụ thể việc thực hiện luân chuyển, điều động đội ngũ giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và tổ chức thực hiện đúng quy định, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc cân đối thừa thiếu cục bộ, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi.
Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời những bấp cập (nếu có) trong việc luân chuyển, điều động giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ chia sẻ giải pháp trong luân chuyển, điều chuyển và đào tạo đội ngũ giáo viên điều chuyển giữa các cấp học.
Đi sâu nội dung này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà Tân nêu thực trạng thiếu giáo viên tiểu học tại huyện Vũ Quang và đề nghị lãnh đạo sở chia sẻ giải pháp trong luân chuyển, điều chuyển và đào tạo đội ngũ giáo viên điều chuyển giữa các cấp học.
Ông Lê Minh Đạo - Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ: Để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên, cần biệt phái giáo viên; tiếp tục công tác tuyển dụng… Ngoài ra, tỉnh đã có chủ trương về đào tạo văn bằng 2 cho các địa bàn có nhu cầu nhằm bổ sung giáo viên ở các đơn vị còn thiếu; hiện Sở GD&ĐT đang rà soát số lượng giáo viên có nhu cầu.
Trước tình trạng giáo viên thôi việc trên địa bàn tỉnh gần đây có xu hướng gia tăng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo về nguyên nhân và giải pháp.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tại Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến ngày 30/4/2023, có 175 cán bộ, công chức xin thôi việc vì lý do cá nhân. Trước thực trạng cán bộ, giáo viên thôi việc có xu hướng gia tăng, người đứng đầu Sở Nội vụ lý giải xuất phát từ nguyên nhân: Do áp lực công việc ngày càng lớn, đòi hỏi chất lượng cao; chế độ tiền lương và phụ cấp chưa đảm bảo; cơ sở vật chất tại các trường học chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp; chuyển làm công việc khác phù hợp khả năng của cá nhân và nguyện vọng của gia đình; nghỉ hưu trước tuổi.
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, đề nghị các ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục tình trạng giáo viên thôi việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên; thực hiện tốt chính sách về phát triển giáo dục mầm non theo Nghị quyết 92/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong sử dụng, điều động và biện phái giáo viên; chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá các nguyên nhân để kịp thời có giải pháp xử lý; quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên.
Đại biểu theo dõi phần trả lời chất vấn.
Đối với việc tạo điều kiện cho con em người Hà Tĩnh có cơ hội được tuyển dụng giáo viên tiểu học trong thời gian tới, ông Lê Minh Đạo dẫn các quy định liên quan và nhấn mạnh, theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và các văn bản liên quan thì người dự tuyển viên chức không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo nên các thí sinh ở ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được phép đăng ký dự tuyển viên chức bình đẳng như các đối tượng khác.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho con em quê hương, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: giao chỉ tiêu cho Trường Đại học Hà Tĩnh đào tạo giáo viên tiểu học để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các địa phương; chỉ đạo các địa phương tuyên truyền rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh để định hướng cho học sinh đăng ký học ngành giáo dục tiểu học, tạo nguồn tuyển dụng trong thời gian tới; tổ chức tọa đàm, gặp mặt các sinh viên để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy…
Ngoài ra, giải pháp về hoạt động của mô hình y tế tuyến huyện; việc thực hiện chi trả chế độ chính sách cho phó công an, công an viên theo Nghị định 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã đối với đối tượng phó công an, công an viên cấp xã được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; định hướng triển khai Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; kết quả bước dầu về xây dựng đề án đưa Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành thành viên ĐHQG Hà Nội.... cũng được tư lệnh ngành Nội vụ làm rõ.