Vào ngày Cá tháng Tư, nhiều câu chuyện hoang đường đã được lan truyền. Thậm chí các trang báo lớn của thế giới cũng rất hào hứng tham gia tạo nên các "cú lừa", và một vài câu chuyện đã "câu" được rất nhiều người và trở nên nổi tiếng.
Đa phần những câu chuyện như vậy đến ngày nay vẫn chỉ là trò lừa vui trong Cá tháng Tư. Nhưng số ít còn lại, không biết do ngẫu nhiên hay tác giả có tài tiên tri, mà chúng đã đi từ hoang đường đến thực tế.
Trong ngày Quốc tế nói dóc năm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua một số lời "nói dóc hóa thật" nổi tiếng trong lịch sử nhé.
1. Đặt chân lên Mặt Trăng
01/04/1967: Đài phát thanh Thụy Sĩ đã gián đoạn chương trình phát sóng hằng ngày để thông báo một cụm tin vắn: "Các phi hành gia Mỹ vừa đổ bộ xuống Mặt Trăng". Vài giờ sau, thông tin chi tiết cuộc đổ bộ liên tục được cập nhật qua đài phát thanh, với đầy đủ tường thuật từ phóng viên khắp thế giới, cùng với đó là những cuộc phỏng vấn với chuyên gia.
"Một bước tiến vĩ đại trong công cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại đã được thực hiện" - thông tin này "hot" đến độ làm cho các cuộc gọi điện thoại bị nghẽn và Đại sứ quán Mỹ ở Thụy Sĩ, dù vẫn bán tín bán nghi, đã bắt đầu tổ chức ăn mừng!
Bản tin còn kết luận tàu du hành sẽ cất cánh từ Mặt Trăng vào lúc 19:00, người dân có thể quan sát thấy cảnh tượng tàu trở về Trái đất từ một địa điểm trên cao, cách xa ánh đèn đô thị. Tại thành phố Zurich thông tin đã khiến người dân ùn ùn kéo đến đỉnh núi Uetliberg, làm các chuyến tàu hỏa phải tiếp nhận một lượng hành khách tăng đột biến.
Hàng ngàn người Thụy Sĩ kéo lên núi xem phi thuyền trở về Trái Đất khiến các hãng đường sắt đột ngột "ăn nên làm ra"
Sự thật thì quả đúng là người Mỹ đã đặt chân lên Mặt trăng, nhưng tiếc là sự kiện xảy ra... vào hai năm sau đó! Ngày 20/07/1969, con tàu Appolo 11 đem theo hai nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong và Buzz Aldrin đáp xuống Mặt Trăng, đánh dấu việc lần đầu tiên con người đổ bộ lên một lãnh thổ ngoài Trái đất.
2. Sinh vật lai giữa động vật và cây
01/04/1983, News Scientist đã đăng một bài viết về thí nghiệm tạo thành công "động-thực vật" lai đầu tiên, đó là thành quả của việc đưa gene một con bò vào cây cà chua.
Theo mô tả thì sinh vật này có hình dáng như một cây cà chua bình thường nhưng cho ra những trái cà chua có lớp vỏ "dai như da bò", các miếng thịt "hình đĩa" sẽ phát triển và được bọc trong lớp vỏ cà.
Đây thực chất chỉ là trò đùa với việc ghi tên hai nhà nghiên cứu là MacDonald và Wimpey, làm việc tại ĐH Hamburg. Tuy nhiên tạp chí khoa học Veja của Brazil đã không để ý đến những chi tiết giễu cợt của News Scientist. Họ thậm chí còn ra một bài đặc biệt về sinh vật lai "bò-cà chua" vài tuần sau đó. Tác giả bài báo gọi sinh vật mới là Boimate, và còn vẽ cả quy trình minh hoạ cách để lai cà chua với bò!
Quy trình tạo ra sinh vật lai Boimate được "thiết kế" bởi tạp chí Veja
Tạp chí Veja sau đó đã không ngừng bị chế giễu bởi giới truyền thông cho đến khi họ đăng tin xin lỗi vì sai sót đáng tiếc này.
Boimate có lẽ là sinh vật viễn tưởng kỳ cục và hài hước, nhưng với các thành tựu của kỹ thuật di truyền hiện đại, việc tạo ra các loài "động-thực vật" lai hoàn toàn khả thi. Chẳng hạn vào năm 2013, các nhà khoa học cấy thành công một gene tạo nọc độc của bò cạp vào bắp cải, tạo ra một giống bắp cải biến đổi gen có thể sinh độc tố tiêu diệt sâu ăn lá nhưng không gây hại đến con người.
Boimate là một sinh vật tưởng tượng nhưng các "động-thực vật" lai như giống bắp cải-bò cạp lại hoàn toàn khả thi với kĩ thuật di truyền hiện đại
3. Truyền mùi hương qua màn ảnh
01/04/1965, BBC TV thực hiện cuộc phỏng vấn một giáo sư tại ĐH London, người đã hoàn thiện công nghệ gọi là "Smellovision" cho phép truyền mùi hương qua sóng phát thanh. Người xem có thể ngửi thấy các mùi tạo ra từ Đài Truyền hình ngay tại nhà của mình.
Với "Smellovision" bạn không chỉ xem mà còn được ngửi món ăn trên tivi
Vị giáo sư giải thích rằng chiếc máy của ông đã phá vỡ mùi hương thành các phân tử có thể được truyền qua màn hình. Để chứng minh, ông đặt một số hạt cà phê và hành tây vào máy smellovision.
Giáo sư yêu cầu người xem thông báo lại thứ mà họ ngửi được dù là bất cứ mùi gì. Nhiều khán giả trên khắp nước Anh đã gọi điện xác nhận rằng họ thực sự cảm nhận được các mùi hương, một số thậm chí tuyên bố mùi hành tây khiến họ chảy nước mắt!?
Các củ hành tây được đặt vào máy smellovision và có "nhân chứng" đã thông báo rằng họ bị chảy nước mắt vì mùi hành truyền qua tivi
Smellovision chỉ là trò đùa trên truyền hình Anh vào Cá tháng Tư năm 1965. Nhưng đến năm 2013, giáo sư Takamichi Nakamoto tại Viện Công nghệ Tokyo đã tạo ra một chiếc Smellovision thực sự. Đó là một chiếc máy trộn mùi mà ông gọi là "thiết bị hiển thị khứu giác". Máy là một chiếc hộp kim loại màu bạc có chiều dài và rộng tương đương một tờ giấy A4, để hoạt động thì nó cần kết nối với một máy tính cá nhân.
Chiếc máy "Smellovision" thật 100% của giáo sư Takamichi Nakamoto
Bên trong máy có 13 ống nghiệm xếp thành dãy, mỗi ống được kết nối với ống nhựa nhỏ ở đầu. Những ống nghiệm này chứa các thành phần mùi cơ bản, và chúng sẽ được trộn lại với nhau để tạo thành vô số mùi hương khác nhau theo dữ liệu được gửi từ máy tính.
Tuy công nghệ còn khá sơ khai, do mùi hương thường được kết hợp từ rất nhiều thành phần phức tạp, nhưng nghiên cứu đã mở ra triển vọng cho việc "gửi" mùi qua Internet. Nếu người nhận có một "thiết bị hiển thị khứu giác" thì dữ liệu mùi của một món ăn hay một bông hoa… có thể được gửi xuyên không gian và tái tạo thành mùi hương nguyên bản ở đầu bên kia.
4. Hồi sinh voi Mammoth
01/04/1984, số báo mới của tạp chí MIT’s Technology Review đăng bài viết với tựa đề "Loài voi Mammoth đã được hồi sinh". Bài viết mô tả nỗ lực của các nhà khoa học Liên Xô trong việc hồi sinh loài Mammoth lông xoăn (woolly mammoth) đã tuyệt chủng từ 10.000 năm trước.
Theo bài báo, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Sverbighooze Yasmilov đã lấy ADN từ xương voi Mammoth bảo quản trong băng vùng Siberi. ADN này sau đó được đưa vào trong các tế bào phôi của loài voi hiện đại. Tiếp đến, phôi lai được cấy lại vào tử cung của voi cái mang thai hộ.
Những manh mối của bài báo thật sự khá hài hước, từ tên nhà khoa học đến nét vẽ hoạt hình minh họa, và ngày biên soạn là 01/04! Vậy mà vài tuần sau đó nó vẫn được tờ Chicago Tribune đăng lại như một sự kiện có thật.
Một bài viết khoa học lại được minh họa bằng hình vẽ hoạt hình!
Bài báo thì đúng là đùa thật, nhưng hóa ra cơ sở khoa học của nó thì lại "không đùa". Hiện nay con người đang dùng chính phương pháp trong bài báo năm xưa để hồi sinh lại loài Mammoth.
Các nhà khoa học tại ĐH Havard năm 2015 đã chèn thành công 14 gene voi Mammoth vào trong tế bào voi hiện đại. Các gene bao gồm gene qui định độ rậm lông, kích thước tai, lớp mỡ dưới da và đặc biệt là cấu trúc hemoglobin.
Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi chúng ta thực sự nhìn thấy lại những đàn Mammoth dạo bước trên đồng cỏ, nhưng điều đó chắc chắn đã không còn là viễn tưởng.
Nguồn: Hoaxes, Wikipedia, Mnn, Ajw.asahi, Livescience, Sciencedaily