Theo cập nhật mới nhất từ Forbes , ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 8,1 tỷ USD.
Khối tài sản ròng của ông chủ Vingroup hiện cao hơn 3 lần so với người xếp thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo , CEO hãng hàng không Vietjet Air , với 2,5 tỷ USD tài sản ròng.
TÀI SẢN CỦA CÁC TỶ PHÚ VIỆT TĂNG 1,5 TỶ USD
Tính từ đầu tháng 3, thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới, khối tài sản ròng của ông Vượng đã tăng hơn 1,5 tỷ USD. Điều này xuất phát từ việc thị giá cổ phiếu VIC của Vingroup (ông Vượng nắm giữ 26,18%) đã tăng liên tục từ đầu năm. So với tháng 3, cổ phiếu VIC đã tăng 10% thị giá.
Ông Vượng không phải người duy nhất có tài sản tăng từ đầu năm.
Cũng theo cập nhật từ Forbes , khối tài sản thuộc sở hữu của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã tăng 200 triệu USD từ tháng 3. CEO Vietjet Air đang nắm giữ tổng cộng 2,5 tỷ USD tài sản ròng, và nằm trong top 1.000 người giàu nhất thế giới được công bố.
Trái ngược với 2 doanh nhân trên, tài sản của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, lại giảm 200 triệu USD, chịu tác động từ đà giảm của giá cổ phiếu TCB.
Từ tháng 3 đến nay, TCB đã giảm gần 25% thị giá khiến khối tài sản của ông chủ ngân hàng này giảm hàng trăm triệu USD.
Trong khi đó, tài sản của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ôtô Trường Hải - Thaco và ông Nguyễn Đăng Quang , Chủ tịch Tập đoàn Masan không biến động. Hiện 2 vị tỷ phú này lần lượt sở hữu 1,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD tài sản ròng, tương đương đầu năm.
Với biến động như vậy, nhóm 5 tỷ phú USD gia tăng tài sản 1,5 tỷ USD sau 5 tháng, tương đương mức tăng của người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.
ÔNG PHẠM NHẬT VƯỢNG Ở ĐÂU SO VỚI CÁC TỶ PHÚ KHU VỰC
Với 8,1 tỷ USD tài sản ròng, ông chủ Vingroup đang đứng thứ 195 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, tăng 40 bậc so với danh sách công bố hồi đầu năm. Trong khu vực Đông Nam Á, ông Vượng hiện đứng vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất.
Giàu nhất Đông Nam Á hiện nay là hai anh em tỷ phú người Indonesia Michael Hartono và R. Budi Hartono. Tổng tài sản hai anh em đại gia này sở hữu lên tới 38,5 tỷ USD, chia đều cho cả hai.
Tập đoàn Hartono là nhà sản xuất thuốc lá đầu tiên và lớn nhất Indonesia. Ngoài ra, 2/3 tài sản của gia đình này đến từ lượng cổ phần nắm giữ tại nhà băng Bank Central Asia.
Ông Vượng là tỷ phú giàu thứ 9 tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Những tỷ phú giàu hơn ông Vượng cũng đều là những doanh nhân nổi tiếng tại Đông Nam Á và thế giới.
Trong đó, xếp thứ 8 là ông Quek Leng Chan (Malaysia) hiện sở hữu 9,3 tỷ USD tài sản ròng. Ông Quek chính là Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Hong Leong, với lĩnh vực kinh doanh chính là tài chính ngân hàng, bất động sản và thực phẩm.
Phía trên nữa là tỷ phú người Singapore - Goh Cheng Liang với 9,5 tỷ USD. Vị này sở hữu 39% cổ phần tại Nippon Paint Holdings, hãng sơn lớn thứ 4 thế giới. Hiện tại, con trai ông Goh cũng đang là Chủ tịch của Nippon Paint.
Cái tên nổi tiếng khác tại thị trường Việt Nam là ông Charoen Sirivadhanabhakdi, tỷ phú người Thái Lan. Ông Charoen là người đã chi gần 5 tỷ USD để mua lại cổ phần tại Sabeco vào cuối năm 2018.
Hiện tại, vị tỷ phú này đang sở hữu tổng cộng 16,5 tỷ USD tài sản ròng.
Ngoài việc sở hữu doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, ông Charoen còn sở hữu Thaibev (nhà sản xuất bia lớn nhất Thái Lan) và Fraser & Neave (nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Singapore).
KÉM XA CÁC TỶ PHÚ KHÁC
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ít hơn rất nhiều cả về số lượng tỷ phú và tài sản họ sở hữu.
Theo số liệu của Forbes , hiện khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận ít nhất một người sở hữu trên 1 tỷ USD gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia có ít tỷ phú nhất với 5 người. Trong khi số lượng tỷ phú mang quốc tịch Thái Lan lên tới 31 người, số tỷ phú người Singapore là 22 người, và Indonesia là 21 người...
Khối tài sản các tỷ phú trong khu vực sở hữu cũng vượt trội so với nhóm đại gia Việt.
Tổng cộng 5 tỷ phú Việt Nam sở hữu 15,1 tỷ USD. Dù đã tăng 1,5 tỷ USD so với đầu năm nhưng số tiền này chỉ tương đương 1/4 tài sản của các tỷ phú người Malaysia và bằng 1/7 so với tài sản ròng của các tỷ phú người Thái Lan.
Nửa đầu năm qua, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia có giá trị tài sản ròng các tỷ phú tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 11,3 tỷ USD và 10,3 tỷ USD.
Thêm 1,5 tỷ USD, khối tài sản của các tỷ phú Việt gia tăng đứng thứ 4 trong khu vực do tài sản các đại gia người Philippines chỉ tăng thêm 500 triệu USD. Trong khi, tổng tài sản của các tỷ phú người Malaysia còn giảm 1,6 tỷ USD sau 5 tháng.