UN-REDD - bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bằng việc hỗ trợ giao đất gắn với giao rừng, Chương trình UN - REDD Việt Nam giai đoạn 2 tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã thực sự là “bà đỡ”, giúp thêm xanh những cánh rừng và thêm sinh kế cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng.

Cán bộ Chương trình UN - REDD Việt Nam giai đoạn 2 tỉnh Hà Tĩnh cùng các hộ nhận khoán đi kiểm tra hiện trường rừng.

Ông Võ Xuân Sơn - Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Hà Tĩnh bày tỏ niềm vui trước kết quả tích cực từ việc hỗ trợ của chương trình đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Kỳ Anh nói chung trong những năm gần đây.

Theo ông Sơn, hầu hết diện tích rừng tại một số địa phương trên địa bàn trước đây bị khai thác trái phép gây thiệt hại nặng nề, chỉ sau 2 - 3 năm được giao cho các hộ gia đình, cộng đồng quản lý với sự hỗ trợ khá toàn diện từ chương trình, đến nay đã phục hồi nhanh chóng và đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Cụ thể, Chương trình UN - REDD và BQL RPH Nam Hà Tĩnh đã có văn bản thỏa thuận về việc thực hiện Kế hoạch hành động REDD+. Theo đó, 19 hộ thuộc các xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh): Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) được giao quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ 2600 ha rừng.

Liên ngành kiểm lâm, chủ rừng và hộ nhận khoán đi tuần tra bảo vệ rừng.

Kết quả phúc tra nghiệm thu công tác quản lý, bảo vệ rừng của 17 lô/12 hộ nhận khoán tại BQL RPH Nam Hà Tĩnh đều đạt yêu cầu, rừng được quản lý, bảo vệ tốt, không hề bị khai thác, sẻ phát, lấn chiếm, cháy rừng…

Về công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên gắn với chia sẻ lợi ích của 39 hộ nhận khoán, với diện tích gần 600 ha rừng tại BQL RPH Hồng Lĩnh và 2.500 ha tại BQL RPH Sông Tiêm (Hương Khê) cũng đạt kết quả ấn tượng không kém.

Ông Hồ Sỹ Hanh (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) - một trong những hộ nhận khoán, cho biết, các hộ nhận khoán trên địa bàn đã thực hiện đúng theo các nội dung hợp đồng đã ký; phấn khởi khi rừng được bảo vệ và phát triển tốt...

Chương trình triển khai thí điểm tại TX Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân và huyện Can Lộc, xã Phú Gia (huyện Hương Khê) bước đầu đã đạt yêu cầu. “Rừng được tổ chức khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ có hiệu quả, không bị chặt phá, sẻ phát, lấn chiếm, cháy rừng và trâu bò phá hại; cây tái sinh mục đích phát triển tốt, khu vực khoanh nuôi đủ tiêu chí thành rừng tự nhiên. Điều quan trọng nhất là, ý thức, tinh thần, trách nhiệm của các hộ nhận khoán và người dân vùng dự án trong công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt...” - ông Nguyễn Vũ Long - cán bộ chương trình cho biết.

Nhờ có sự hỗ trợ từ Chương trình UN - REDD, diện tích rừng tự nhiên thuộc BQL RPH Hồng Lĩnh phục hồi và phát triển tốt.

Ông Phan Văn Luân - hộ nhận khoán thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê), vui mừng nói: “Các hộ nhận khoán rừng thí điểm chia sẻ lợi ích đã chủ động tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc. Rừng không chỉ được bảo vệ tốt theo hướng phát triển bền vững mà người dân còn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống... Mong rằng thời gian tới, chương trình tiếp tục hỗ trợ để hộ nhận khoán có thêm việc làm và nhiều diện tích rừng được khoanh nuôi, bảo vệ...".

Có thể thấy, nếu phát huy và nhân rộng mô hình quản lý và bảo vệ rừng theo hướng bền vững từ Chương trình UN - REDD thì không chỉ khôi phục, bảo vệ tốt được diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói