Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 45

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 10/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 45.

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết căn cứ chương trình công tác quý 2 năm 2025 và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 45 để tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung dự kiến trình Quốc hội tại đợt 1 của Kỳ họp.

Trong tháng 5/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp nhiều phiên để thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 đã được tiến hành với tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương và quyết tâm chính trị rất cao, tạo được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.

Trọng tâm lớn nhất và cũng là nội dung có ý nghĩa chính trị-pháp lý đặc biệt là việc Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quyết định việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Điều này thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, đồng lòng của Quốc hội trong việc quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã tổ chức phiên họp thứ nhất, cho ý kiến về Dự thảo Tờ trình Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; phân công nhiệm vụ thành viên Ủy ban.

Ngay sau đó, ngày 6/5, Ủy ban đã tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ngày 7/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thảo luận tổ về nội dung này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị bám sát Kế hoạch, chủ động triển khai các nhiệm vụ được phân công trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Bên cạnh đó, trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội thảo luận tại hội trường về 7 dự án luật (Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật) và tiến hành nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu dự khai mạc Phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cho biết theo chương trình, Phiên họp thứ 45 sẽ tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 nội dung dự kiến trình Quốc hội, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Đợt 2 (dự kiến diễn ra chiều 17/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung, bao gồm: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và 1 nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.

Bốn nội dung được bố trí trình Quốc hội tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 (gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực quốc phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt; Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh), dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tại Phiên họp tháng 6/2025.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xem xét Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức phiên họp để xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đường, chúng ta phải thực hiện, cụ thể hóa vấn đề này," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân phải được triển khai cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đã giao Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa để hoàn thành các nội dung công việc.

Phát huy tinh thần, trách nhiệm cao, hiệu quả thực tế từ công tác chỉ đạo, điều hành đến công tác tham mưu, phục vụ của tuần họp đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quan điểm, phát biểu thẳng vào vấn đề xin ý kiến và đề xuất cụ thể phương án và nội dung chỉnh sửa, làm cơ sở cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nghiêm túc, đầy đủ, thấu đáo để báo cáo Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói