Văn hóa đọc trong thời đại số

(Baohatinh.vn) - Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...

Tôi vẫn nhớ những ngày còn nhỏ, mỗi lần ra tiệm sách cũ với bố là một lần tôi háo hức vô cùng. Mùi giấy ố vàng, những cuốn sách chồng cao ngất, những trang giấy sờn góc…, tất cả tạo nên một không gian đặc biệt lôi cuốn mà tôi có thể dành hàng giờ để khám phá.

Trong những tháng năm công tác xa nhà, món quà mà bố gửi tặng chị em tôi luôn là những cuốn sách. Mỗi lần nhận được thư và quà của bố, chúng tôi lại reo lên và giành nhau đọc trước. Đến tận giờ, tôi còn nhớ như in cái mùi giấy thơm phức tỏa ra từ đó. Nó đã trở thành một phần quan trọng trong tuổi thơ tôi, để mỗi khi thấy lại mùi hương ấy, lòng tôi lại nghẹn ngào nhớ nhung, mắt tôi lại cay xè muốn khóc.

pho-sach-ha-noi-7.jpg
Sau này khi đã lên Thủ đô học đại học, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách hằng ngày... (Ảnh minh họa từ Internet).

Tôi lớn lên cùng những trang sách như thế. Sau này khi đã lên Thủ đô học đại học, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách hằng ngày. Cuối tuần tôi tranh thủ tìm đến các hiệu sách cũ trên đường Láng. Đâu đó trên phố Bà Triệu, một tiệm sách cũ nhỏ xíu nhưng nhiều thế hệ sinh viên biết đến bởi hai lý do: một là tiệm có nhiều sách hiếm, hai là ông chủ tiệm rất kiêu kỳ. Ông ta có thể cáu kỉnh, sẵn sàng không bán sách cho người mua chỉ vì bị hỏi những câu hỏi mà ông cho là thừa thãi.

Tôi từng có những ngày nằm dài cả buổi chỉ để đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami Haruki, thấy mình như lạc vào một thế giới vừa mơ hồ vừa sâu thẳm và những đêm mùa hè đọc “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, lòng chộn rộn thương xót những kiếp người trong veo mà khổ đau. Có khi tôi nằm đọc “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng đến tận khuya, rồi mơ hồ nghĩ về tình yêu, sự cô đơn trong lòng những con người thời hiện đại. Những trang sách ấy không chỉ mang lại cảm xúc thẩm mĩ mà còn mở ra những cánh cửa giúp tôi hiểu thêm về chính mình.

Nhưng rồi một ngày, tôi nhận ra mình đã bỏ dần thói quen đọc sách mỗi đêm. Hằng ngày, rồi hằng tuần, những cuốn sách trên giá không còn được lật mở ra nhiều như trước nữa. Chúng bị thay thế bởi điện thoại, máy tính bảng, với những tin tức lướt qua trong vài giây trên màn hình.

imagedaidoanketvn-images-upload-ngocdx-04222022-8anh2.jpg
Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook, hoặc thậm chí là những bài viết chuyên sâu trên các nền tảng trực tuyến... (Ảnh minh họa từ Internet).

Có thể dễ dàng nhận ra, ngày nay, ở các quán cà phê, người ta “giao tiếp” với điện thoại nhiều chưa từng thấy. Lướt Facebook, TikTok, YouTube, dường như giới trẻ dửng dưng với mọi thứ còn lại, trong đó có sách. Chính tôi cũng bị cuốn vào dòng chảy của mạng xã hội với vô vàn thứ hấp dẫn. Đôi khi không hẳn vì những thứ hấp dẫn, mà là những thứ có tính giải trí cao, vô thưởng vô phạt song khiến con người tiêu hao được thời gian rảnh rỗi hay buồn chán. Và có lúc giật mình tôi tự hỏi: phải chăng văn hóa đọc đang dần biến mất? Hay nó chỉ đang thay đổi theo một cách mà chính tôi cũng chưa kịp nhận ra?

Phải thừa nhận một thực tế là hiện nay, đọc sách không còn là một ưu tiên tự nhiên trong cuộc sống của nhiều người. Chúng ta có quá nhiều thứ để bận tâm: công việc, học hành, mạng xã hội, những video ngắn đầy hấp dẫn, những cuộc trò chuyện không đầu không cuối trên các nền tảng trực tuyến. Việc ngồi xuống, mở một cuốn sách và dành trọn vẹn sự chú ý cho nó trở thành một điều xa xỉ. Ngay cả với tôi - người từng mê mải nằm đọc sách suốt buổi chiều - cũng từng có lúc không chạm đến cuốn sách nào trong suốt cả tháng. Mỗi lần định đọc, tôi lại bị cám dỗ bởi thông báo mới, bởi một video trending, hay đơn giản chỉ là cảm giác muốn nghỉ ngơi bằng những thứ “dễ tiêu hóa” hơn.

bqbht_br_dsc03471.jpg
Sách chưa từng biến mất khỏi cuộc đời mình, chỉ là nó đang bị lấn át bởi quá nhiều tiếng ồn khác...

Nhưng tôi cũng nhận ra: sách chưa từng biến mất khỏi cuộc đời mình, chỉ là nó đang bị lấn át bởi quá nhiều tiếng ồn khác. Trước đây, tôi có thể dành cả buổi chiều bên một cuốn tiểu thuyết dày, còn bây giờ, tôi đọc những bài báo trên mạng, theo dõi tin tức từ các trang điện tử, thậm chí nghe audiobook khi di chuyển. Việc đọc không mất đi, chỉ là nó không còn giới hạn trong những cuốn sách truyền thống nữa. Văn hóa đọc không mất đi, nó chỉ không còn giống như trước. Không còn nhiều người đọc sách giấy trong im lặng, nhưng họ vẫn đọc, bằng những cách mới. Có người chọn sách điện tử, có người nghe sách nói khi đi làm, có người đọc những bài viết dài trên các nền tảng chuyên sâu, có người vẫn giữ thói quen đọc mỗi đêm dù chỉ một chương.

Với thể loại sách văn học, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng truyện ngắn và tiểu thuyết được độc giả quan tâm nhiều hơn so với các thể loại khác như thơ, ký… Phần lớn người đọc chọn sách văn học là đọc theo cảm hứng, do thích đọc, chỉ một số ít đọc do thói quen. Mục đích của việc đọc chủ yếu là để giải trí, thư giãn và để nâng cao kiến thức, vốn hiểu biết cuộc sống.

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì những tác phẩm văn học kinh điển, họ chọn sách kỹ năng, truyện tranh hoặc những cuốn self-help. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook, hoặc thậm chí là những bài viết chuyên sâu trên các nền tảng trực tuyến. Họ không chỉ đọc mà còn chia sẻ, thảo luận về những gì mình đọc trên mạng xã hội, trong các hội nhóm yêu sách. Với các tác phẩm văn học mạng, nơi các sáng tác được đưa lên từng phần và nhà văn chờ đợi ý kiến, sự tham gia của độc giả, họ thậm chí còn tương tác, thúc đẩy các kết thúc theo cách họ mong muốn, trở thành đồng tác giả. Đây cũng là một trong những ưu điểm của văn học mạng khi mở rộng vai trò của người đọc, khuyến khích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của họ, khiến họ không còn là những người đọc thụ động.

Trường Tiểu học, THCS&THPT Albert Einstein (TP Hà Tĩnh) tổ chức chương trình "Đọc sách trong thời đại kỹ thuật số".

Trường Tiểu học, THCS&THPT Albert Einstein (TP Hà Tĩnh) tổ chức chương trình "Đọc sách trong thời đại kỹ thuật số".

Một thách thức khác của văn hóa đọc hiện đại là sự cạnh tranh với những hình thức giải trí khác. Người đọc dễ bị cuốn vào những video ngắn, những nội dung nhanh chóng thay vì dành thời gian để đọc một cách chậm rãi. Khi có quá nhiều thứ hấp dẫn, việc đọc sách trở thành một lựa chọn ít được ưu tiên hơn.

Cũng bởi vậy mà xu hướng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, truyện tranh cũng được nhiều người ưa thích, với lý do dễ đọc, đọc nhanh hết, dễ hiểu. Một bài viết dài có thể bị bỏ qua, nhưng một bài viết tóm tắt với nội dung cô đọng lại thu hút nhiều người. Tôi không phủ nhận sự tiện lợi của điều này, nhưng đồng thời tôi cũng lo rằng chúng ta đang dần mất đi thói quen đọc sâu - một thói quen giúp chúng ta suy ngẫm và thấu hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn.

Tôi đã từng thử đọc sách trên điện thoại và máy tính bảng, nhưng không có cảm giác trọn vẹn như khi cầm một cuốn sách thực sự. Tôi dễ bị phân tâm bởi những thông báo trên màn hình, và đôi khi chỉ lướt qua mà không thực sự suy ngẫm. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận rằng, việc đọc sách điện tử mang lại nhiều tiện ích: tôi có thể lưu trữ hàng trăm cuốn sách trong một thiết bị nhỏ gọn, có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà không cần lo lắng về trọng lượng của những cuốn sách dày cộp.

Một trong những điều khiến tôi lo lắng nhất chính là sự thay đổi trong cách chúng ta tiếp cận thông tin. Khi mọi thứ đều có thể tra cứu trên Google chỉ trong vài giây, chúng ta có còn đủ kiên nhẫn để đọc một cuốn sách dày hàng trăm trang chỉ để hiểu về một vấn đề? Tôi cũng từng rơi vào vòng xoáy này. Có những lúc, tôi không muốn đọc một cuốn sách dài mà chỉ tìm một bài viết tóm tắt trên mạng. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, đọc tóm tắt không bao giờ có thể thay thế trải nghiệm thực sự khi đọc sâu một cuốn sách. Nó giống như việc xem một bộ phim qua phần giới thiệu, bạn có thể biết nội dung chính nhưng không thể cảm nhận được chiều sâu của câu chuyện.

Các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, báo mạng, sách điện tử… rõ ràng đã làm thay đổi thói quen đọc sách của độc giả. Tuy nhiên, tôi từng hỏi nhiều người và được biết họ vẫn thích cầm một cuốn sách trên tay để đọc hơn. Bản thân tôi cũng vậy, mặc dù việc đó đã không duy trì được thường xuyên như trước, nhưng mỗi khi cầm một cuốn sách in để đọc, tôi vẫn có cảm giác thư thái hơn là đọc trên một chiếc điện thoại hay iPad.

Tôi có thể chạm vào từng con chữ trên đó, nhấn nhá đọc đi đọc lại một đoạn. Tôi có thể gấp mép một trang nào đó để đánh dấu, thậm chí dùng bút màu gạch chân, tô đậm một đoạn cần nhớ, cần đọc lại. Tôi có thể hình dung những câu chuyện có thực phía sau những lời đề tặng ở đầu cuốn sách mua ở tiệm sách cũ, tưởng tượng ra những người bố nào đó từng yêu thương dành dụm tiền để mua tặng con mình, người đọc nào đó từng thích thú với cuốn sách để rồi tặng lại bạn thân, hay nhà văn nào đó mới vào nghề vừa e dè vừa háo hức ghi lời đề tặng cuốn sách vừa xuất bản dành cho một nhà văn thế hệ trước…

bqbht_br_img-7417.jpg
Sẽ luôn có một phần trong thế hệ hôm nay, và cả mai sau, vẫn trân trọng những khoảnh khắc được sống cùng một cuốn sách...

Những trang sách này đã từng được lật giở, những cảm xúc đã từng lắng đọng ở đây, những đời sống từng tiếp diễn bên trang sách này…, tất cả khiến tôi xúc động khi cầm trên tay một cuốn sách cũ. Rồi đến lúc mở những cuốn sách mới mua để trở thành người đầu tiên đọc chúng, tôi lại nghĩ rằng một ngày nào đó những người bạn, những đứa con tôi sẽ tiếp tục lật giở trang giấy thơm tho này, họ sẽ khóc, sẽ cười giống như tôi bây giờ. Ý nghĩ ấy khiến tôi thực sự vui thích.

Sách vẫn ở đó, chỉ là chúng ta cần một chút nỗ lực để tìm lại nó trong đời sống bận rộn. Tôi học cách sắp xếp lại thời gian, đọc ít nhưng đều đặn. Tôi lựa những cuốn sách khiến mình rung động, không cần phải nặng nề, chỉ cần đủ để giữ mình lại lâu hơn với trang giấy. Tôi tắt thông báo điện thoại khi đọc, tự tạo cho mình những khoảng không gian yên tĩnh.

Tôi biết rằng văn hóa đọc vẫn đang tồn tại, không phải ở hình thức bề nổi như những trào lưu mạng xã hội, mà ở sâu dưới lớp bề mặt ồn ào đó. Nó vẫn hiện hữu trong những người lặng lẽ đọc sách giữa một quán cà phê đông người, trong tiếng lật trang khe khẽ trên xe buýt, trong những góc nhỏ của các thư viện cũ kỹ mà vẫn có người lui tới.

Và tôi cũng tin rằng, sẽ luôn có một phần trong thế hệ hôm nay, và cả mai sau, vẫn trân trọng những khoảnh khắc được sống cùng một cuốn sách. Sẽ luôn có những ông bố công tác xa nhà và gửi về cho con mình những món quà trong đó gói ghém cẩn thận và đẹp mắt một cuốn sách. Sẽ luôn có những cô bé, cậu bé như tôi háo hức chờ đợi và mở món quà đó ra với một tiếng reo mừng, lúc nào cũng như lần đầu tiên được tặng quà. Chỉ cần ta không để thói quen đọc sách trôi tuột đi, văn hóa đọc sẽ không bao giờ mất. Nó chỉ đang lớn lên và thay đổi, như chính chúng ta và như bản thân cuộc sống này mà thôi.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.
Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ với chủ đề “Hồng Lĩnh tự hào địa linh” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách về tham dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).