Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt
Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt
Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Theo số liệu của ngành VH-TT&DL, năm 2020, toàn tỉnh có 157 câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm được thành lập và duy trì ở 13 huyện, thị, thành. Trong đó, huyện Thạch Hà có 100% xã, thị trấn có CLB ví, giặm; Nghi Xuân 100% CLB dân ca, chủ yếu hát ví, giặm; TP Hà Tĩnh 100% xã, phường có CLB dân ca ví, giặm; Cẩm Xuyên có 70% xã, thị trấn có CLB dân ca ví, giặm; Can Lộc có 77% xã, thị trấn có CLB ví, giặm… Mục tiêu của ngành VH-TT&DL là đến năm 2025, 100% xã, phường trên toàn tỉnh có CLB dân ca, trong đó chủ yếu là ví, giặm.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Tiết mục tham gia Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2020 của CLB Dân ví, giặm xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Huy Tùng

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Tiết mục “Giao duyên phường Vải” của CLB Dân ca ví, giặm xã Tân Lộc, Lộc Hà. Ảnh: Đình Nhất

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nghệ nhân, diễn viên nghiệp dư vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, tìm cách thích ứng để thỏa lòng đam mê với di sản. Nhiều tổ khúc dân ca ví, giặm được sáng tác, biểu diễn với đề tài chống dịch ra đời, được dàn dựng, phát trên sóng phát thanh, trên các trang mạng xã hội, cổ vũ tinh thần chống dịch của toàn dân, tiêu biểu là các chương trình của Trung tâm VHTT các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, các CLB ở TP Hà Tĩnh. Đặc biệt, như một nhu cầu không thể thiếu của đời sống tinh thần, mặc cho các hình thức giải trí hiện đại xuất hiện khắp nơi, nhiều CLB dân ca ví, giặm vẫn ra đời. Theo thống kê, năm 2021, có 20 CLB ra đời ở các địa phương trong tỉnh, đó là các CLB: Xuân Hội, Xuân An, Xuân Viên (Nghi Xuân); Tân Dân, Đức Lạng (Đức Thọ); Sơn Trường, Sơn Kim 2 (Hương Sơn); Cẩm Dương, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên); Lộc Yên, Hương Thủy (Hương Khê); Thanh Lộc, Thiên Lộc (Can Lộc); Bình An (Lộc Hà); Thạch Thắng, Thạch Hải (Thạch Hà); Kỳ Tiến, Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh); Hà Huy Tập, Góc Phố (TP Hà Tĩnh). Ngay trong ngày đầu năm mới 2022, ngày 2/1, CLB Dân ca ví, giặm tổ dân phố Tân Yên (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) đã ra mắt công chúng.

Video: Trích đoạn tiết mục "Thập ân phụ mẫu" do CLB Góc Phố biểu diễn.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Lễ ra mắt CLB Dân ca ví, giặm tổ dân phố Tân Yên (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh).

Bên cạnh đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, diễn viên nghiệp dư, hoạt động của các đơn vị chuyên nghiệp cũng góp phần không nhỏ làm giàu có thêm “kho báu” của nhân loại. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tranh thủ những ngày dịch tạm lắng đã hoàn thành chương trình thanh xướng kịch “Về khóc Tố Như” tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc và đạt thành tích cao. “Về khóc Tố Như” đã sử dụng chất liệu ví, giặm và phục dựng không gian diễn xướng ví, giặm, cùng với các loại hình âm nhạc dân gian kết hợp múa hiện đại đã thực sự nâng tầm nghệ thuật truyền thống lên đỉnh cao mới. Trung tâm Văn hóa, thông tin - Triển lãm tỉnh đã phục dựng không gian diễn xướng, ghi hình 3 tiết mục ví, giặm tham dự cuộc thi “Đàn và hát dân ca 3 miền” và giành Huy chương Bạc toàn đoàn. Các trung tâm văn hóa - truyền thông Can Lộc, Cẩm Xuyên... đã đón bắt dòng chảy thời sự để cho ra đời nhiều video clip hoạt cảnh dân ca chống dịch COVID-19.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Tiết mục "Mắm muối nên duyên” do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh dàn dựng giành giải Bạc Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức tháng 12/2021.

Ảnh: Thiên Vỹ

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Bên cạnh lực lượng nghệ nhân, đông đảo quần chúng yêu dân ca ví, giặm và sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương thì sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các CLB trong năm qua phải kể đến “cú hích” từ chính sách của tỉnh. Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND tỉnh về việc: “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” đã ghi rõ những mục tiêu cụ thể.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chúc mừng thành công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trong kỳ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Ảnh: Đình Nhất

Cùng với các mục tiêu, nghị quyết cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho việc bảo tồn. Cụ thể như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ cho các ca nương, kép đàn, nghệ nhân trong lĩnh vực ca trù, trò Kiều; hỗ trợ kinh phí ra mắt 30 triệu đồng và duy trì hoạt động 5 triệu đồng/năm cho các CLB dân ca ví, giặm; hỗ trợ mỗi CLB ca trù, trò Kiều thành lập mới 100 triệu đồng và 30 triệu đồng/năm/CLB cho mỗi năm tiếp theo nếu hoạt động thiết thực và bền vững. Ngoài ra, từ năm 2019, nghệ nhân ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều được phong tặng là nghệ nhân ưu tú (NNƯT), nghệ nhân nhân dân có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ lần lượt 1-1,5 triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng về ví, giặm, năm 2021, tỉnh đã trích ngân sách với số tiền 1,355 tỷ đồng hỗ trợ thành lập mới và duy trì hoạt động các CLB, trong đó, 570 triệu đồng hỗ trợ 19 CLB thành lập mới và 785 triệu đồng hỗ trợ 157 CLB được thành lập trước đó hiện đang duy trì hoạt động, mỗi CLB 5 triệu đồng.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Đưa dân ca ví, giặm vào trường học giúp thế hệ trẻ sớm yêu thích di sản văn hóa của quê hương. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Nghi Xuân) tham gia Liên hoan các CLB dân ca ví giặm toàn tỉnh năm 2020). Ảnh: Đình Nhất

Ngoài chính sách chung của tỉnh, để “nuôi dưỡng” các CLB và “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của các nghệ nhân, các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn còn có chính sách riêng hỗ trợ các CLB và nghệ nhân. Huyện Can Lộc, TP Hà Tĩnh đang lập đề án để trình HĐND ban hành chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các CLB và nghệ nhân. Ngành GD&ĐT tích cực đưa dân ca ví, giặm vào giảng dạy và biểu diễn trong trường học. Đài PT-TH tỉnh tổ chức dạy dân ca trên sóng PT-TH.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Hà Tĩnh may mắn có một đội ngũ nghệ nhân cao tuổi say mê, tâm huyết gìn giữ “báu vật” của cha ông. Bước chân của họ không mỏi mệt trên hành trình sưu tầm, phục dựng không gian diễn xướng các làn điệu ví, giặm, “truyền lửa” đam mê cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Họ có mặt ở khắp mọi miền. Bên cạnh những người cao tuổi, có “thâm niên nghề nghiệp” sưu tầm, sáng tác, biểu diễn như: 2 nghệ nhân nhân dân: Nguyễn Ban (Nghi Xuân), Trần Khánh Cẩm (huyện Kỳ Anh) và các NNƯT Trần Văn Hoàng (Đức Thọ), Đặng Thị Minh Nguyệt (TP Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Thanh Minh (Cẩm Xuyên)... là một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân tuổi trung niên say sưa, nhiệt huyết với hoạt động sáng tác, biểu diễn, tình nguyện dạy hát dân ca ví, giặm cho giới trẻ như các NNƯT: Trần Minh Chính (Thạch Hà), Nguyễn Trọng Tuấn (Nghi Xuân), Nguyễn Thị Hà (Can Lộc) và Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thanh, Lê Thị Lý (Thạch Hà)... Có những gia đình cả vợ và chồng cùng thành lập CLB, hát và dạy hát cho giới trẻ tại nhà như gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thanh Minh. Có gia đình 3 thế hệ cùng say sưa hát ví, giặm như gia đình NNƯT Trần Văn Hoàng.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Nghệ nhân nhân dân Khánh Cẩm (ảnh 1), Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ban (ảnh 2) , Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc (ảnh 3) và Nghệ nhân dân gian Trần Minh Chính (ảnh 4) là bốn trong nhiều nghệ nhân ở Hà Tĩnh đang góp phần bảo tồn và phát huy vốn quý dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Dân ca ví, giặm - sức sống mãnh liệt

Sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian như Nguyễn Ban, Trần Khánh Cẩm, Phan Thư Hiền, Nguyễn Hồng Oanh... đã “tiếp lửa” cho các CLB. Là người con của quê hương Thạch Liên (Thạch Hà) sống tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục năm nay, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hồng Oanh đã mang câu hát quê hương đến với bà con TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Không chỉ hát, thành lập các CLB tại TP Hồ Chí Minh, chị còn tổ chức dạy hát dân ca cho đông đảo giới trẻ, xuất bản sách về dân ca ví, giặm, nói chuyện về vẻ đẹp của loại hình di sản này trên các diễn đàn. Đầu năm 2021, thông qua giới thiệu và kết nối của chị, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã về Hà Tĩnh thực hiện phóng sự gồm 2 phần: “Đi tìm kho báu dân gian - dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” giới thiệu vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của loại hình di sản phi vật thể trên mảnh đất Hà Tĩnh. Chị Oanh tâm sự: “Vì thương, vì yêu câu hát quê mình, vì muốn tri ân tổ tiên, cha mẹ đã truyền cho mình câu hát mà tôi phải về Hà Tĩnh trong lúc dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng. Chúng tôi đã gặp gỡ được nhiều nghệ nhân, nhiều CLB, cảm nhận được sự vô tận của “kho báu” này trong dân gian và sức sống bền lâu của nó. Mỗi nghệ nhân, mỗi CLB có những “tài sản” riêng, cách gìn giữ riêng. Tiếc là không đi hết được tất cả các huyện thị...”.

Tiết mục “Đường lên cổng trời”, CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh – Hà Tĩnh). Video: Lê Tuấn

Như suối nguồn vô tận, từng ngày, từng giờ, câu hát ví, giặm cứ thấm sâu, lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống tâm hồn người Hà Tĩnh, cho cây đời xanh tốt, nở hoa, cho cuộc sống thêm hương sắc, tạo nên sức sống lâu bền cho di sản.

ảnh, video: pv

thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast