Những cuộc ly hương ở một vùng ven biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Qua tư liệu lịch sử và gia phả các dòng họ còn lưu giữ được, một trong những người chuyển cư đầu tiên ở vùng quê bị dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) dồn ra trực diện với biển Đông là Nguyễn Hợp, ông nội của Cương quốc công Nguyễn Xí - người đầu tiên quê Nghệ - Tĩnh có mặt trong những ngày đầu Lam Sơn tụ nghĩa, bậc khai quốc công thần đứng hàng nhất nhì thời Lê sơ. Nguyễn Hợp quê ở làng Cương Gián, dời nhà ra Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, Nghi Lộc) vào khoảng cuối thế kỉ XIV.

Có 3 điều đặc biệt ở cuộc ly quê đầu tiên này của người Cương Gián. Thứ nhất, ông Nguyễn Hợp vừa được coi là Thành hoàng ở làng Động Gián - Cương Gián, vừa được tôn làm thành hoàng vùng đất Nghi Hợp và nhiều xã khác ở huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò hiện nay. Thứ hai, mặc dù không sinh ra tại quê gốc, nhưng khi thành danh, Thái sư Nguyễn Xí vẫn lấy tên xã Cương Gián làm tước phong “Cương quốc công”. Và thứ ba, hiện đền thờ của ông ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) và xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) đều được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Những cuộc ly hương ở một vùng ven biển Hà Tĩnh

Hình ảnh quen thuộc nơi cư dân vùng biển (Ảnh: Đặng Thiện Chân).

Cũng họ Nguyễn nhưng thuộc dòng họ quan Nghè - Hoàng giáp Nguyễn Bật Lãng, theo gia phả, vị thủy tổ là Lưu quận công, một võ quan cao cấp dưới thời Hồng Đức (1470 - 1497), từng giữ chức Chỉ huy sứ, cai quản đội quân võ lâm bảo vệ nhà vua, có người con trai là Tú Lâm dời sang cư trú ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc. Cánh họ này sớm trở thành một cự tộc với nhiều danh nhân lừng lẫy như tiến sĩ Nguyễn Hành, danh sĩ Nguyễn Thiếp, Nguyễn Danh Dương... Nguyễn Thiếp, trong Gia phả họ Nguyễn do chính ông biên soạn năm Giáp Tuất, Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đã viết: “Tổ tiên ta ngày xưa ở làng Cương Gián. Phía sau làng, núi Hồng đồ sộ, phía trước làng, biển cả mênh mang. Bàu nước Hoa Viên mượt mà như một dải lụa uốn lượn quanh làng. Đây là một làng quê đông người, giàu của”. Ông đã nhiều lần về thăm quê tổ và để lại những áng thơ đầy xúc cảm trong tập “Hạnh Am thi cảo”:

"Hương Tích từ nguồn, rồng rẽ phải

Hoa Khê qua vực, nước về đông..."

(Võ Hồng Huy dịch)

Thời Lê Dụ Tông (1706 - 1719), tức đầu thế kỷ XVIII, họ Hồ ở Cương Gián có một người tên là Hồ Lành đưa cả gia đình lên khai hoang lập trại ở làng Lai Nhã, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, trở thành vị thủy tổ họ Hồ ở đó. Thủy tổ họ Hồ ở Cương Gián là cụ Hồ Tự Duệ, về lập nghiệp tại đây vào khoảng đầu thế kỷ XV. Các thế hệ sau, do nhiều hoàn cảnh đã thiên di biệt cư các nơi khác như ở Làng Đông (xã Sơn Bằng), chi họ này sinh ra Hương cống Hồ Đào Miễn; một chi khác đến xã Gia Lạc, tổng Quan Hóa, huyện Đông Thành, chi họ này sinh ra cử nhân Hồ Nhạ Cát… Chi ở Lai Nhã sinh ra cử nhân Hồ Sĩ Tạo, đỗ Giải nguyên, từng làm Tri phủ Quảng Trạch, Quảng Bình; khi chưa ra làm quan, cụ Tạo từng dạy học ở thôn Hoàng Trù, huyện Nam Đàn. Năm Tự Đức thứ 20 (Đinh Mão, 1867), Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo cùng với các vị gốc họ Hồ Cương Gián như Tri huyện Bình Lục Hồ Sĩ Diện, cử nhân Hồ Sĩ Tuấn, cử nhân Hồ Nhạ Cát hành hương về thăm nhà thờ họ lớn, làm lễ cáo yết tổ tiên, làm văn và câu đối để lại lưu niệm. Bài văn do Hồ Sĩ Tạo chấp bút, có đoạn: “Chi của các cháu ở làng Thái Nhã, huyện Thanh Chương là chi thuộc cửa thứ… Khoảng đời Lê Dụ Tôn vị tiên tổ chi họ Thái Nhã là từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân đến đây vun nền đắp móng, ra công khó nhọc mới có được như ngày nay... Nay có một lễ mọn đơn sơ dâng hiến, mong thấu lòng thành. Mười đời về trước có còn thấu chăng? Ôi, xanh xanh Hồng Lĩnh cây đá như xưa; Dằng dặc sông Kèn nguyệt hoa nghìn thuở…”.

Những cuộc ly hương ở một vùng ven biển Hà Tĩnh

Ngư dân Lộc Hà hồ hởi với mẻ lộc biển ngày 28 tết

Một cuộc chuyển cư “đặc biệt” khác là 12 người thuộc các dòng họ khác nhau ở làng Trửa, Cương Gián vượt tuyến tránh nạn. Nguyên do, khoảng năm Canh Ngọ, Cảnh Hưng thứ 11 (1750), có trận bão biển lớn, thuyền chở hàng hóa của Chúa Trịnh bị trôi dạt vào bãi biển thuộc địa phận làng; gió bão dài ngày, dân sự thiết đói, thuyền lại không có người canh giữ nên làng kéo nhau ra gỡ hết hàng hóa trong thuyền. Phủ Chúa được báo, đã cho trấn quan phái lính về tra xét. Quá khiếp sợ, một số người gan dạ và có sức lực mang theo một ít gạo, nước, đêm tối lẻn xuống thuyền, vượt biển trốn vào Nam; đến cửa biển Lý Hòa, tìm được một cồn đất nên xin dân sở tại được cư trú. Sau đó, những người này lại bí mật quay về làng, sắp xếp đưa các gia đình còn lại vào làm ăn sinh sống. Vùng đất mới trở thành làng mới, có tên là Lý Ninh, nay là Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ tháng 6/1990, đoàn đại biểu của cấp ủy, chính quyền xã Hải Trạch chính thức đưa bà con ra thăm quê gốc Cương Gián; từ đó đến nay, mối quan hệ ngày càng khăng khít.

Họ Lê, dưới thời Tây Sơn, có ông Lê Hữu Giàu dời nhà vào làng Ốc Khê, nay là xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc; sau đó lại dời một lần nữa vào làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà. Chi đó sinh ra Lý Tự Trọng, tên thật là Lê Văn Trọng, người cộng sản trẻ tuổi.

Cũng trong thời kỳ này, họ Chu - Cương Gián theo chiêu mộ của Chúa Nguyễn, một cánh đã di cư vào Nam khai cư lập nghiệp. Cánh họ đó đến nay hầu như đã trở thành một làng quê đông đúc ở thôn Chu Khê, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nay đã cử người về tìm kiếm cội nguồn tổ tiên.

Các thời kỳ trước và sau cách mạng, có khá nhiều người quê Cương Gián, vì những lý do và hoàn cảnh khác nhau đã đi ra nước ngoài làm ăn sinh sống, nay đã lần lượt về thăm làng xóm, quê hương. Đặc biệt, thực hiện chủ trương di dân đi “Kinh tế mới” sau năm 1975, đã có hàng ngàn hộ dân Cương Gián, theo kế hoạch có, di dân tự do có đã ly quê đi khắp mọi miền, nhiều nhất là vào định cư tại các tỉnh Tây Nguyên, đông Nam Bộ; một số ở miền Tây tỉnh Nghệ An.

Những cuộc ly hương ở một vùng ven biển Hà Tĩnh

Người Cương Gián dù ly hương hay tại quê nhà vẫn luôn năng động, sáng tạo, có chí tiên thủ và xây dựng cuộc sống mới ngày một mạnh giàu. Trong ảnh: Thừa ủy quyền Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Quỹ TDND liên xã Cương Gián.

Một cuộc chuyển cư lớn nữa là thực hiện chủ trương xuất khẩu lao động, người Cương Gián lại “tiên phong” rời quê đi các nước; chỉ tính ở thời điểm hiện tại đang có 2.700 người sinh sống, lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; trong số đó, không ít người đã định cư nơi đất khách quê người. Ngoài ra, còn một bộ phận không nhỏ con em học hành thành đạt đang công tác và sinh sống khắp mọi miền đất nước và một số quốc gia phát triển.

Dù ly quê với rất nhiều những lý do, hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, nhưng có 2 điểm chung nhất xuyên suốt từ xưa đến nay: Hầu hết những người Cương Gián ly hương đều nỗ lực trưởng thành, phát triển; và, tâm thức họ luôn hướng về quê, luôn muốn được chia sẻ với quê nhà. Đó có lẽ cũng là nét chung của những người Hà Tĩnh xa quê; và, cũng là một trong những lý do hình thành nên hội đồng hương ở khắp mọi miền...

Tháng 1/2019

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast