Văn học Việt 2016: một già bốn trẻ

Văn học 2016 có gì đáng nói? Tôi thấy đáng nói trước hết là một tiểu thuyết của một nhà văn già. Cuốn Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Văn học 2016 có gì đáng nói? Tôi thấy đáng nói trước hết là một tiểu thuyết của một nhà văn già, cuốn Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh. Ông Khánh viết cuốn này năm 1982 khi ở tuổi “tri thiên mệnh”. Nay tác giả đã ngoài 80, cuốn sách mới ra được.

Chậm hơn 30 năm nhưng khi xuất hiện, Chuyện ngõ nghèo lại càng làm người đọc kinh ngạc trước tầm vóc của một nhà văn biết nâng tầm hiện thực thành tư tưởng, trong một tác phẩm văn chương được viết kỹ lưỡng và thành thục.

Đọc cuốn này không phải để biết có một thời người ta nuôi lợn để cứu sống con người thế nào, mà để chia sẻ nỗi ưu tư triết học về nguy cơ người có thể hóa lợn.

Mới hay, văn chương không nệ tuổi tác, không cốt kinh nghiệm. Văn chương cần sức trẻ của cảm xúc và kỹ thuật được đẩy tới biên độ cao nhất của khả năng ngòi bút.

Và đây là điều đáng nói thứ hai của văn học 2016, khi bên cạnh tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh ra đời sau hơn 30 năm được viết ra, lại có những tác phẩm rất mới của những người viết rất trẻ mà độ khả tín văn chương là điều hi vọng.

Tôi muốn nói đến ở đây hai tác giả 8x là Chu Thùy Anh (1985) và Đinh Phương (1989), hai tác giả 9x là Huỳnh Trọng Khang (1994) và Hạnh Nguyên (1995).

Trong năm 2016, Chu Thùy Anh có tập truyện Xanh, Đinh Phương có tiểu thuyết Nhụy khúc và tập truyện Đợi đến lượt, Huỳnh Trọng Khang có tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ, Hạnh Nguyên có tập truyện Say.

Đọc họ ở những tác phẩm này thấy rất rõ là họ đã có một cách cảm khác và một cách viết khác. Lối tự sự rành mạch, rõ ràng theo tuyến tính thời gian đã bị họ khước từ. Bởi nội dung cái viết của họ đã không còn là chuyện và truyện, mà là những cảm giác mông lung, những tâm trạng lơ lửng, những ký ức quên lãng.

Nhân vật của họ là những người trẻ và như muôn đời thế hệ trẻ thời nào cũng vậy, các nhân vật ở đây cũng tìm hiểu chính mình, tìm cách khám phá mình. Cái khác là ở vào thời nay, quá trình đi tìm này nhiều băn khoăn, ngập ngừng hơn, nhiều đổ vỡ, thất vọng hơn.

Cái viết của bốn tác giả nói đây chính là phản ánh tâm tư và tâm thế đó của người trẻ hôm nay. Nói như Hạnh Nguyên: “Say có thể hiểu là một trạng thái lơ lửng không tỉnh táo, đồng thời cũng có thể hiểu là khi say thì người ta sẽ sáng suốt theo một cách khác, đó là sự tỉnh-trong-say. Say trong tiếng Anh nghĩa là nói. Cuốn sách chính là cách mà tôi giao tiếp với người đọc”.

Ngay cả trong Mộ phần tuổi trẻ, cuốn tiểu thuyết dựng bối cảnh xã hội Sài Gòn năm 1968, là tác phẩm đầu tay của Huỳnh Trọng Khang, được viết khi tác giả vừa 20 tuổi. Đọc nó người ta mới hay rằng văn chương không phải là viết cái nhìn thấy, cái sống qua. Văn chương là cách nhào nặn hiện thực theo những cứ liệu lịch sử.

Cả bốn tác giả, họ không kể nội dung mà viết nội dung, tức chính cái viết tạo nên nội dung. Điều này tác giả Đinh Phương có chủ đích rõ rệt. Cái viết của anh là thử thách cho chính anh và cho bạn đọc. Chu Thùy Anh viết nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng ẩn sau đó vẫn là những hoang mang, phấp phỏng của tâm trạng, ngay cả trong cảnh bình yên, êm ả của đời thường.

Trong giải thưởng Sách hay 2016, Hạnh Nguyên đã được trao giải “Phát hiện mới”. Tôi muốn coi cả bốn tác giả này là phát hiện mới vì họ chỉ mới xuất hiện và hứa hẹn có những cái mới cho văn chương những năm tới.

Theo Phạm Xuân Nguyên/Tuoitre

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói