Bàn tay hình trăng khuyết

Vừa mới sinh ra ai cũng nói Lọ đẹp. Hàng xóm đến thăm chạy tuột vào ổ rồi chạy ngược trở ra xuýt xoa khen đứa bé dễ thương, sau này sẽ là người đẹp. Đến thời thiếu nữ trông cô lại càng đẹp hơn. Lọ thích ai khen đẹp, mỗi khi có ai khen đẹp là Lọ cười, mà cười thì càng đẹp hơn, vì vậy Lọ hay cười.

Nhà văn Lưu Thành Tựu
Nhà văn Lưu Thành Tựu

Nhưng có một dạo Lọ không cười được mà Lọ khóc. Lọ khóc thật nhiều, Lọ khóc thật lâu, Lọ giấu nước mắt trong những đêm dài. Những đêm dài đau đáu ấy Lọ ít khi ra ngoài, chỉ nằm vùi trong nhà nên xóm giềng hết dịp nhìn thấy Lọ cười. Căn nhà chỉ hai mẹ con, mẹ Lọ là người duy nhất thấy được những giọt nước mắt của Lọ tuôn ra, ướt đầm chăn chiếu kể từ một đêm oan nghiệt. Đêm oan nghiệt bắt đầu từ một mùa nông nhàn. Mùa nông nhàn thường có gánh hát về hát. Gánh hát đóng tại đầu làng, gần đình làng, nơi dân làng thường đến cúng đình. Gánh hát có anh kép đẹp hát hay, thường vào vai bi tráng oai hùng hoặc thư sinh nho nhã nên anh kép đẹp lại càng đẹp hơn. Đêm nào Lọ cũng coi hát, đến gần sân khấu để nhìn rõ kép đẹp. Kép đẹp đứng trên sân khấu, quan sát thấy rõ cô bé rất đẹp mà đêm nào cũng đứng chỗ cũ. Cô bé ấy nhìn anh không chớp mắt, cô bé cười khi anh cười, cô bé khóc khi anh khóc, cô bé quặn thắt đau đớn khi ai đó xuống gươm, hay bần thần nhìn anh ôm ấp cô đào nào đó trong ngày đoàn viên lúc hạ màn.

Lúc hạ màn, mọi người lục tục ra về, đêm đó Lọ không về ngay mà nấn ná phía sau cánh gà xem nghệ sĩ thay đổi xiêm y, xem anh kép đẹp một lần cho rõ mặt. Khi rõ mặt thấy anh đẹp hơn, nam tính hơn, đôi mắt hút hồn đảo như lạc rang tìm Lọ. Sau lời làm quen qua quýt, khuyến khích sau này Lọ nên học múa vì dáng em trông giống diễn viên thì kép đẹp có đôi mắt hút hồn đảo như lạc rang mưu mô nhận ra mảng tối phía sau đình làng. Đêm đó, mảng tối tăm phía sau đình làng, thần đình có dịp chứng kiến sức mạnh như mãnh hổ của chàng kép đẹp tưởng chừng như thư sinh nho nhã, chứng kiến sự chống cự yếu ớt của Lọ và những giọt nước mắt bắt đầu biết trào ra, bắt đầu rơi vãi dọc đường trong đêm khuya hun hút. Đêm khuya hun hút đó đoàn hát dọn đi, sáng ra là bãi đất trống mà chẳng thấy bóng người. Lọ đạp rơm rạ chạy ra sân đình rồi đứng nhìn ngơ ngác, chạy xuống bến sông hỏi cô Tư lái đò đoàn hát qua sông khi nào, có thấy anh chàng kép đẹp. Cô Tư bảo thấy, cô có trò chuyện và biết được đoàn hát đi xa, chắc chẳng bao giờ trở lại nơi này! Lọ đi mà như chạy, hai tay bưng mặt khóc, bàn chân tứa máu vì giẫm lên rơm rạ cuối mùa.

Cuối mùa năm ấy Lọ trở thành đàn bà. Sau những ngày bỏ mặc lược gương, những ngày không cười cũng đi qua chóng vánh thì Lọ tươi tỉnh trở lại. Sáng nọ, Lọ chụp lấy lược gương săm soi ngắm ngía và hỏi mẹ mình “Con còn đẹp không”, mẹ Lọ thở dài buông lơi “Đẹp nhất là khi con cười”. Vậy là Lọ bắt đầu cười cười. Mỗi khi nhìn thấy con cười, mẹ Lọ lo lo. Nụ cười y chang của người đàn ông cam tâm dứt áo ra đi khi bà bụng mang dạ chửa. Đến khi sinh con, bà lại thấy cũng nụ cười này, cũng đôi mắt này, mơ hồ nhận ra bản tính đĩ thõa của người đàn ông đa tình nên hốt hoảng đặt tên là Lọ.

Rồi Lọ biến mất khỏi làng từ đó, đôi bông mù u của mẹ giấu kỹ trong tủ cũng từ đó mất theo. Nhưng Lọ đi đâu, về đâu cả làng đều không biết, chỉ trừ cô Tư đưa đò vì ngày ngày đưa khách sang sông. Khách sang sông có kẻ không về, hay khi trở về đầu đã bạc phơ, tóc tai nhuộm trắng trời chiều. Nhưng Lọ nói con sẽ quay về khi công thành danh toại, con sẽ theo học nghề múa, sau đó quay về Cù lao phục vụ bà con… Cô Tư không nói lời nào mà lòng dạ nao nao. Đến khi lên bờ, Lọ đi vội vàng như trốn chạy, hai chân vướng víu dính đầy cỏ may. Đến đoạn xa xa Lọ quay lại ngoái nhìn bến sông và cất giọng lảnh lót:

- Cô Tư thấy con đẹp không?

- Đẹp, rất đẹp – Cô Tư đưa đò trả lời. Đó là người trong làng thấy Lọ lần cuối.

***

Ngày nọ, khu tập thể của đoàn Văn công nháo nhào cả lên vì một vụ đánh ghen. Vụ đánh ghen sau đó được xác định là do mụ mập cầm đầu. Mụ mập là vợ trưởng đoàn Văn công nhưng không biết hát hò, chỉ biết các trò đỏ đen, thường hay vượt biên đánh bạc. Nạn nhân trong vụ đánh ghen là diễn viên múa Kim Loan, người mà cách đây ba năm được ông trưởng đoàn nhặt về từ quán cà phê Chiều Tím. Quán cà phê Chiếu Tím nằm trong nội ô, luôn có khách ra vô nườm nượp. Một dạo, người ta kháo nhau nơi đó có cô bé đẹp tựa trăng rằm mà tâm hồn trắng như pha lê. Mỗi khi nhìn thấy em cười, khách hàng trong quán bổng chốc rạo rực vì các dây thần kinh kích hoạt liên hồi với mong muốn sở hữu trổi lên. Lẩn trong đám khách hỗn mang ấy, có người đàn ông đứng tuổi với cái bụng rất to hay lặng lẽ ngồi nhìn Kim Loan. Bữa nọ ông gọi Kim Loan đến gần rồi kề tai nói nhỏ:

- Em thích làm diễn viên không? Anh sẽ nhận về đoàn.

Kim Loan như cá gặp nước, như sa mạc hoang tàn gặp phải cơn mưa. Điều mong mỏi cuối cùng cũng đã đến, bù lại những ngày vất dưỡng đi tìm trường múa theo chỉ dẫn mơ hồ của chàng kép đẹp trước kia. Trường múa hăm hở gật đầu vì thấy cô đẹp, sau đó nhanh chóng lắc đầu khi chất vấn trình độ của cô. Không đủ trình độ thì đi làm thuê, đi bán hàng, đi bán bún mắm tại ngã ba đầu chợ… Nhưng được vài ngày thì cô xin nghỉ bởi thấy nghề không hợp với mình. Không làm thì lấy gì ăn, lấy gì mà tìm cơ hội với nghề diễn viên. Khi những đồng tiền cuối cùng ra đi (có được từ đôi bông mù u) cũng là lúc cô phải bước vào cà phê Chiều Tím. Ngày cô ra khỏi quán, bao cặp mắt nhìn theo, nửa luyến tiếc, nửa mừng cho cô vì cuộc đời đã bước sang trang. Theo như trưởng đoàn, từ đây tên cô không là Lọ nữa mà là nghệ danh Kim Loan, diễn viên múa Kim Loan. Bước ra khỏi quán, cô chào mọi người bằng nụ cười duyên dáng đáng yêu và cú lắc mông dứt điểm.

Cú lắc mông dứt điểm tại quán cà phê Chiều Tím hôm ấy như một hành động cáo chung. Bây giờ khách hàng ít đến Chiều Tím, kể cả trưởng đoàn Văn công. Ngày gia nhập vào đoàn, Kim Loan nhận thấy có nhiều người già, ca sĩ đã già mà diễn viên múa cũng già. Tất cả già cỗi như sót lại từ thời bao cấp. Trong mắt họ, Kim Loan là đứa tay ngang, đứa nhãi ranh hư đốn, xứng đáng cầm cờ lướt qua sân khấu. Sân khấu có nhiều tiết mục, ngoài ca hát còn có múa đơn, múa đôi, múa tập thể và nhiều tiết mục minh họa rần rần. Trong đám rần rần ấy, nếu được cầm cờ chạy qua sân khấu đối với Kim Loan lúc này cũng sướng tê người. Nhưng khi xem múa, khán giả thường hay chăm chú vào những người đẹp rồi nảy ra ý định so đo ai đẹp hơn ai dù có cầm cờ chạy qua sân khấu hay lẩn khuất đâu đó trong một đội hình. Trong đội hình đó, diễn viên hay nghe câu nói ngụ ý của ông trưởng đoàn, mơ hồ bảo chứng khả năng nghiệp dư của diễn viên Kim Loan: “Đừng lo, chỉ cần nhìn ai đá háng, tôi biết tương lai của họ, nghề múa là thứ trời cho”.

Trời cho hay người cho không biết mà chỉ một năm sau Kim Loan hiển nhiên trở thành diễn viên múa chính. Tiết mục solist Điệu múa apsara được đoàn dàn dựng cách đây vài năm bây giờ giao lại cho cô, vô tình đưa đẩy diễn viên Ngọc Nga trở về vị trí chạy cờ, người mà cách đó vài năm được ông trưởng đoàn tha về từ một vùng quê. Vùng quê lúc ấy cũng có cô bé rất đẹp, cô được rủ rê về đoàn và khởi nghiệp bằng công việc chạy cờ. Nhưng việc chạy cờ lúc này là một sĩ nhục, là sự bạc bẽo của người và của nghề nên Ngọc Nga quyết định về quê. Về quê để quên quá khứ. Quá khứ đeo bám Ngọc Nga nên đêm đêm cô vẫn nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả thân thương một thời để rồi giật mình thức giấc, cô vung tay múa chân theo điệu apsara mà nước mắt tuôn trào.

Kim Loan bây giờ nổi tiếng khắp vùng đồng bằng. Hôm nào không diễn, cô đi tăng cường cho đoàn cải lương, gọi là phụ họa trước khi mở màn. Trước khi mở màn hôm ấy, Kim Loan vô tình nhận ra kép đẹp ngày xưa, nhưng kép đẹp bây giờ không đẹp, không còn thư sinh nho nhã trong các vai chính diện. Vai chính diện là một người khác, bây giờ kép đẹp trong vai Chư hầu, tất cả đã thay đổi hết. Vào trong cánh gà, kép đẹp ngày xưa tấm tắt khen cô:

- Em múa đẹp quá!

- Bây giờ anh có về Cù lao? – Kim Loan hỏi lại sau khi cô cười.

Cù lao nào? Đời diễn viên rày đây mai đó, có nhớ được nơi nào mình đã đi qua.

Vậy là kép đẹp không nhớ gì hết, kể cả cái đêm ở phía sau đình làng. Trên đường về nhà, Kim Loan chỉ tiếc một điều, giá như đừng gặp lại anh để hình ảnh kép đẹp ngày xưa vẹn nguyên trong tâm tưởng, để cô không phải thấy, không phải nghe những lời vô tình của kẻ bạc tình. Vậy mà trong giấc mơ, thỉnh thoảng cô thấy kép đẹp trở về Cù lao, anh hớt hải đạp lên rơm rạ cuối mùa, hớt hải chạy ra đình làng tìm kỷ niệm xưa rồi ủ dột quay lại bến đò thơ thẩn nhìn dòng sông mà hỏi cô Tư chừng nào Lọ về. Hay kép đẹp không nhận ra cô vì cô quá khác, cô không giống bé Lọ ngày xưa đêm đêm đứng coi anh hát với trái tim thổn thức khi ai đó xuống gươm. Bây giờ cô là Kim Loan, diễn viên múa Kim Loan lộng lẫy sang trọng và xa cách. Sang trọng và xa cách vô tình đã đưa Kim Loan đi xa bến đò từ đó đến nay. Từ đó đến nay, ở Cù lao quê cô có một người mẹ, cứ chiều chiều bà ra bến sông chờ đợi điều gì mà không ai biết được, chỉ trừ cô Tư đưa đò, bởi cô hai lần đưa những người thân của bà ra đi và mãi mãi không về. Bà lại quay về với nỗi buồn cô đơn, hy vọng chồng con sẽ về khi chùn chân mỏi gối. Bà tin con bà sẽ về, bà nghĩ nó đi đâu đó rồi sấp xải về ngay, không chờ đến ngày chùn chân mỏi gối, con bà đã hứa là sẽ quay về khi công thành danh toại, về biễu diễn phục vụ bà con để đêm đêm đứng xem con múa, bà bâng quơ nói với mọi người nó là con tôi, con Lọ của ngày xưa đó!.

Nhưng ngày về trở nên quá xa vì buổi sáng nọ có vụ đánh ghen trong khu tập thể do mụ mập cầm đầu. Khu tập thể kể lại diễn viên Kim Loan bị đánh hội đồng khi đang tằn tịu với ông trưởng đoàn. Người này cắt tóc, người kia xé áo xé quần, riêng mụ mập thì độc ác hơn, bà dùng dao chặt phứt ngón tay nơi Kim Loan xòe ra năm ngón như hình trăng khuyết. Sau đó hội đồng bỏ đi mà không quên để lại những lời hăm dọa nghe đẫm máu giang hồ: “Con đĩ, tao kỳ hẹn cho mày vài ngày, mày phải bỏ xứ mà đi, nếu còn ở đây thì đừng trách tao độc ác, mái tóc và ngón tay này chỉ là khuyến cáo mà thôi, nghe chưa…”.

Kể từ hôm đó, trưởng đoàn không gặp Kim Loan, có lẽ ông đang lang thang đâu đó trong những vùng quê mong tìm kiếm cô bé xinh tươi để rủ rê về đoàn làm công việc chạy cờ. Và cũng kể từ đó, diễn viên Kim Loan biến mất khỏi đoàn. Cô đi đâu không ai biết được, nhưng khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Vĩnh Xương thì người ta biết. Người ta nhận ra diễn viên Kim Loan cho dù cô có bao tay cẩn thận và đội khăn chít đầu.

- Em là diễn viên Kim Loan?

- Không, em là Lọ, giấy tờ của em là Lọ. Diễn viên Kim Loan hình như đã chết, nghe đâu đã chết thật rồi.

Tiết mục solist Điệu múa Apsara sau đó đã có người thay. Người thay Kim Loan là một cô bé xinh tươi như mộng có xuất xứ từ một vùng quê được ông trưởng đoàn tiên đoán nổi danh khi chỉ cần “nhìn em đá háng…”. Rồi thời gian lặng lẽ đi qua, thời gian đủ dài để khán giả đủ quên diễn viên Kim Loan một thời vang bóng. Ở nơi xa xứ, mỗi khi vô tình nghe được điệu nhạc apsara, Kim Loan xòe tay như hình trăng khuyết rồi từ từ co lại với đôi dòng lệ ứa trào ra.

***

Ba năm sau Kim Loan về nước, chấm dứt chuỗi ngày buồn bã và buông thả trên đất Nông-Pênh. Cô không trở lại đồng bằng vì nơi đó có nhiều nỗi đau, không về Cù lao khi điều ước không thành. Điều ước không thành xem như lỗi hẹn với Cù lao, lỗi hẹn với cô Tư đưa đò. Nhưng Kim Loan không là Lọ nữa, cô không muốn quấn khăn chít đầu, không muốn tay chân vướng víu dính đầy cỏ may, không muốn bàn chân nức nẻ vì giẫm lên rơm rạ cuối mùa, để cô không giống mẹ, không giống những người đàn bà ở xứ Cù lao, lầm lủi và cam chịu. Sau khi trở lại biên giới, cô đến một nơi không ai biết cô, không biết diễn viên Kim Loan lừng lẫy một thời, không biết quãng đời cô sống bên K. Kim Loan quyết tâm làm lại từ đầu, nhưng bắt đầu thế nào thì cô không biết, chỉ biết tá túc vào quán cà phê Ngô Đồng nơi giáp ranh với thành phố mới. Thành phố mới nằm giữa vùng quê, lọt thỏm trong khu liên hợp, nơi có nhiều nhà xưởng mọc lên ngút ngàn. Phía ngoài thành phố, người dân sống dọc trong vùng giáp ranh. Vùng giáp ranh có nhiều người giàu. Nhiều người giàu là do bán đất, do được giải tỏa đền bù rồi có tiền xây nhà. Cứ mỗi ngôi nhà, người ta trồng nhiều cây xanh để trẻ con loanh quanh hóng mát, để đàn ông trong nhà bày biện tiệc tùng. Sau buổi tiệc tùng thường có người say. Người say bá vai bá cổ dìu nhau ra quán Ngô Đồng. Nơi quán Ngô đồng, hàng đêm có thêm màn múa của cô tiếp viên với đôi tay tật nguyền mang hình trăng khuyết, cô đưa lên đưa xuống mềm mại như buông thả lả lơi trong điệu nhạc đam mê mời gọi. Cô múa apsara, điệu múa mà cô vai mượn ở người, điệu múa mà cô thành danh rồi bổng chốc tật nguyền trong đớn đau tủi nhục.

Đời vai mượn rồi cũng qua đi khi cô Lọ ngày xưa nay tàn phai nhan sắc. Vào một đêm oan nghiệt, người ta ập vào truy bắt mại dâm. Quán Ngô Đồng đóng cửa, tiếp viên trong quán mỗi người một phương, không ai gặp ai từ đó. Và cũng kể từ đó, đàn ông trong làng thẫn thờ hẳn ra.

Có một chiều mùa đông, trời hiu hiu hắt vào lòng người, hắt vào dòng sông tím ngắt. Khi cho xuồng cập bờ, cô Tư gặp lại người xưa mà thấy lòng man mác nên dòng sông vô tình lặng lẽ chẳng buồn trôi. Bé Lọ ngày xưa bây giờ khác quá, cô xơ xác và tiều tụy nhiều nên không ai nhận ra, chỉ trừ cô Tư đưa đò. Lọ về, hai chân vướng víu dính đầy cỏ may khi vừa bước lên bờ. Cô đi về hướng ngôi nhà cô đơn, ngược hướng với người đi qua mặt cô, họ quấn khăn kín mít. Với suy nghĩ thoáng qua, Lọ nhận ra đây là chính mình, là cuộc sống của mình, trước đây chỉ là vai mượn. Nhưng sự đời có vai có trả, cuộc sống nơi Cù lao này không buông tha cô, nó sẵn sàng quật ngã dù cô có ăn năn hối lỗi quay về. Từ lúc quay về, cô bắt đầu đổ bệnh, bao nhiêu thầy thuốc trong vùng đều bó tay, tất cả lắc đầu ngao ngán. Bây giờ ở xứ Cù lao, người ta râm ran xầm xì con Lọ mắc bệnh sida, trước đây chẳng biết nó làm nghề gì. Đời sống Cù lao vốn dĩ đã buồn, bây giờ lại càng buồn hơn.

Sau thời gian đó, ngôi làng giáp ranh với thành phố mới có nhiều đàn ông treo cổ tự tử mà chẳng biết nguyên nhân. Cả làng thắc mắc không hiểu vì sao nạn nhân dùng dây thòng lọng mà không chọn một cách chết khác. Từ những cái chết bí ẩn, người ta đồn đại trong làng có ma, đêm đêm thỉnh thoảng họ nghe tiếng khóc, tiếng hét, tiếng rên rỉ, tiếng oán than hận đời, rồi tiếng du dương trầm bổng lúc gần lúc xa… Lớn hơn tất cả là tiếng đánh đu thách thức của dây thòng lọng được phát ra từ những ngôi nhà có bóng dáng đàn ông.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn của Lưu Thành Tựu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast