Cụ Đinh Nho Huề và bản trường ca "Việt Bắc kháng chiến"

Vào khoảng những năm cuối thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX, thân phụ tôi, ông Phạm Đình Ân (quê ở Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và một số bạn bè thường hay ngâm nga một bài diễn ca dài bằng thể thơ song thất lục bát mà các cụ bảo là “Trường ca Việt Bắc kháng chiến”.

1. Tiểu dẫn.

Chân dung cụ Đinh Nho Huề (1890 - 1966)
Chân dung cụ Đinh Nho Huề (1890 - 1966)

Thưở ấy, tôi còn bé, nhưng nghe các cụ ngâm nga, nhiều đoạn cảm thấy nổi da gà. Cha tôi kể, khi bản trường ca được Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn TNVN Hà Tĩnh xuất bản năm 1950 và được truyền bá rộng rãi trong công chúng thì nhiều thanh niên quê tôi thời đó đã vì đọc bản trường ca này mà khảng khái xin được tòng quân đánh giặc. Tiêu biểu có ông Võ Đức Mai, người cùng quê, rất say mê bản trường ca này và tình nguyện xin nhập ngũ khi chưa đến tuổi thành niên. Ông đã tham gia chiến dịch Điện Biên phủ và anh dũng hy sinh trong trận đánh lịch sử này.

Sau đó, tôi lục trong đống sách vở của cha tôi và tìm được tập sách mỏng bằng giấy nứa đen in bản trường ca đó. Trang bìa ghi tên “Việt - Bắc kháng chiến”. Trang tiếp theo có “Lời nói đầu” của ông Đinh Xuân Tửu, Trưởng ban Tuyên Huấn Tỉnh đoàn TNVN Hà – Tĩnh (sau này là nhà văn Việt Nam, với bút danh là Xuân Tửu) ghi ngày 20 -11 – 1949. Toàn văn tác phẩm dài 240 câu, được trình bày theo cách trình bày truyền thống của hình thức song thất lục bát.

Bản trường ca kể về chiến dịch Thu-Đông năm 1947. Tác giả đã hào hứng ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta qua ba trận đánh tiêu biểu: trận thủy chiến ở Đoan Hùng, trận phục kích đèo ở Bông Lau và trận đột kích ở Phủ Thông. Đúng như nhận xét của ông Đinh Xuân Tửu trong “Lời nói đầu”, bản trường ca “lời văn lưu loát, bố cục có mạch lạc”, và hơn thế, nhiều đoạn giàu chất thơ, chất sử thi hùng tráng. Tác giả đã khéo léo kết hợp chất liệu văn chương bác học và chất liệu văn chương bình dân làm cho áng sử thi vừa có tính chất trang trọng vừa có tính chất gần gũi, phổ thông. Nhiều câu tập Kiều, lẩy Kiều rất thành công, nhiều đoạn tả không khí chiến trận khá sinh động, hấp dẫn. Có thể nói, vượt ra ngoài mức độ của một diễn ca nhằm mục đích tuyên truyền, bản trường ca thật sự có chất thơ, có giá trị văn học. Chính vì thế, nó mới có sức mạnh khích lệ thanh niên một thời hăng hái tham gia kháng chiến; đồng thời, đến nay, nó còn làm cho lớp người thưở ấy rưng rưng cảm khái khi ôn lại từng chữ, từng câu. Và không chỉ thế, đến lớp con cháu như chúng tôi, không sống trong không khí lịch sử ấy, mỗi lần tiếp cận nó vẫn còn dấy lên những cảm xúc bi tráng.

Bẵng một thời gian dài mấy chục năm đi công tác, nay tôi đã vào tuổi ngũ tuần, những lúc về quê vẫn nghe cha tôi cùng mấy ông bạn già uống chè xanh rồi rung đùi ngâm lại bản trường ca đó. Tuy nhiên, bây giờ tuổi cao nên các cụ đã quên nhiều đoạn mà bản in xưa thì không biết mất tự bao giờ. Tôi tiếc lắm. Cố nhặt nhạnh trong ký ức mình và các cụ để chắp nối lại mà không hoàn chỉnh được. May thay, trong dịp cuối xuân năm Canh Dần này (2010), tôi gặp được người con trai thứ của tác giả là nhà thơ, GS.TS Đinh Phạm Thái và được ông tặng cho một bản phô-tô-cốp-pi “Việt - Bắc kháng chiến” cùng với bản sơ lược tiểu sử và chân dung cụ Đinh Nho Huề. Ông Thái kể rằng gia đình cũng đã mất hết tư liệu về thơ văn của cụ, kể cả bản trường ca này. Mãi gần đây, do cụ linh thiêng hay Thần Phật xui khiến thế nào, đột nhiên trong ngày kỵ của cụ, có một cựu chiến binh chống Pháp người đồng quận, vốn mê bài trường ca mà nhập ngũ, đã tìm đến tặng lại gia đình nguyên bản in hồi đó, sau khi gìn giữ nó 60 năm trời.

Vì vậy, đối với gia đình nhà thơ Đinh Phạm Thái cũng như bản thân tôi, việc tìm lại được nguyên vẹn bản trường ca quả là châu về Hợp Phố. Sự kiện này đã được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh loan tin. Nay, tôi xin trân trọng giới thiệu trên mặt báo toàn văn bản trường ca cùng tiểu sử và chân dung tác giả để mọi người cùng tìm hiểu, thưởng thức mà ôn lại một khoảng khắc lịch sử oai hùng của dân tộc.

2. Tiểu sử

Cụ Đinh Nho Huề sinh năm 1890 mất ngày 11/7/1966; bút danh: Đinh Nho Huề, Bàn Long; quê quán: xã Sơn Hoà, Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ là thân sinh của hai thi sĩ: Quỳnh Giao Đinh Nho Diệm (1918-1947) và GS.TSKH Đinh Phạm Thái (1939). Quỳnh Giao Đinh Nho Diệm, nguyên chủ bút báo Đông Tây tục bản (1940), có những câu thơ nổi tiếng về Huế được Hoài Thanh-Hoài Chân trích khen trong “Thi nhân Việt Nam”, tác giả tập thơ “Tơ trăng” (1939) và chuyện thơ “Dưới cầu Giang Tô” (1942); GS.TSKH Đinh Phạm Thái (1939), tác giả các tập thơ “Ngầm nước”, “Sóng loang xa”,..

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, trước năm 1924, cụ Đinh Nho Huề dạy học ở cấp sơ học tại quê nhà rồi sau đó ra Hải Phòng làm thư ký cho hãng buôn Bạch Thái Bưởi. Năm 1924, bị mất việc vào Sài Gòn làm thư ký cho hiệu nước mắm Liên Thành, một tổ chức kinh tế liên quan tới trường Dục Thanh. Năm 1929 trở về quê làm nhân viên sở Đạc Điền ở Vinh một thời gian. Sau đó, về nhà làm vườn và làm thuốc chữa bệnh.

*Hoạt động cách mạng:

- Khoảng 1927 – 1928 làm liên lạc và ủng hộ mua vé tàu, rồi dẫn đường đưa các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Khoa Hiền xuất dương sang Hương Cảng.

- Năm 1929 trở về quê do có dấu hiệu thực dân Pháp nghi vấn có tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn.

- Năm 1930 – 1931, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, làm liên lạc cho huyện uỷ Hương Sơn và Tỉnh uỷ. Cơ sở của Huyện uỷ đóng tại nhà riêng của mình.

Do có thành tích hoạt động cách mạng, được Chính phủ tặng Bằng có công với nước và Kỷ niệm chương Vì tổ quốc ghi công ( Số bằng 31/KNC, cấp ngày 9 tháng 3 năm 1966)

* Sáng tác văn nghệ phục vụ cách mạng và kháng chiến:

Trong kháng chiến chống Pháp làm Hội trưởng Hội văn nghệ xã Sơn Hoà, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Tác phẩm:

+ Trường ca “ Việt Bắc kháng chiến” viết năm 1947 – 1948 và được in thành sách do Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn TNVN Hà Tĩnh xuất bản năm 1950.

+ Bài thơ “ Gấp rút chuẩn bị tổng phản công” viết năm 1948 – 1949, được trao giải nhất trong cuộc thi thơ do Hội Văn nghệ Liên khu 4 tổ chức vào khoảng năm 1949 – 1950.

+ Các bài thơ, vè khác viết phục vụ cho cuộc kháng chiến

3. Toàn văn “Việt -Bắc kháng chiến” của cụ Đinh Nho Huề (Chép lại nguyên bản, gồm cả nguyên chú và phần hiệu đính, phụ chú của chúng tôi)

Việt – Bắc kháng chiến

Trường chiến đấu trăm ngàn Việt Bắc

Mồ chôn sâu muôn xác thực dân,

Tiếng vang nô nức xa gần,

4. Hoàn cầu cũng khiếp tinh thần Việt Nam

Thực dân Pháp tham lam phản động,

Đã bao phen dở giọng dối lừa,

Lăm le diễn lại trò xưa,

8. Quanh đi quẩn lại tính vừa ba năm.

Hai năm đã miền Nam xâm lược,

Dần dà mong tiến bước miền Trung,

Liệu cơ nuốt sống chẳng xong,

12. Quay ra Bắc – Bộ cố cùng một phen

Nghi chủ lực ở trên Việt - Bắc,

Nước cờ này chúng chắc là cao

Họa may chiến được phần nào,

16. Rêu rao thế lực cho nao lòng người.

Ngày mồng bảy tháng mười bốn bảy,

Giặc tập trung hàng mấy vạn binh[1].

Xe tàu đủ khí giới tinh,

20. Chương trình kế hoạch phân minh ngày giờ.

Bô – phờ - rê đánh từ tỉnh Lạng,

Còm – muy – nan ngược thẳng sông Hồng,

Đồng thời hai mặt tấn công,

24. Gọng kìm khép lại ở vùng Đại – thi[2].

Sau khi đã bao vi chặt chẽ,

Chước “ cờ lô[3]” chúng sẽ bắt đầu.

Bao nhiêu căn cứ nhắm vào,

28. Giáp công ồ ạt trước sau một lần,

Giặc những chắc hai tuần nuốt sạch,

Nào biết đâu kế hoạch ta đây,

Hồ Chủ - tịch ra lệnh ngay,

32. Toàn dân bố trí bủa vây tức thì.

Võ Đại – tướng chỉ huy bộ đội,

Hợp dân quân một khối hùng hào[4]

Ba quân tiến bước ào ào,

36. Đạo ra phục kích đạo vào xung phong.

Nầy kháng chiến vừa trong ba tháng,

Gương hy sinh chói rạng biết bao,

Kể qua mấy trận lớn lao,

40. Gan vàng ghi dấu máu đào điểm công.

Một là trận Đoan – Hùng thủy chiến,

Đội quân này Đoàn – Tiến[5] chỉ huy,

Quân thù rầm rộ kéo đi,

44. Ngắm đường thẳng tiến Việt –Trì, Phan – Lương.

Quân ta đã chủ trương đánh úp,

Giặc biết đâu ta núp ở đây,

Nghêng ngang rẽ sóng, đè mây,

48. Chiến thuyền dỡn nước, tàu bay ngạo trời.

Trưa mười hai tháng mười dương lịch,

Tiếng ca – nô sình sịch tới nơi,

Súng ta bổng nổ vang trời,

52. Thất kinh giặc phải rúc còi lui ra.

Chạy đến bến Bình Ca lánh núp,

Ba – dô – ca ta chụp bắn sang,

Ca – nô bị đạn quay ngang,

56. Gượng về đến tỉnh Tuyên Quang chìm liền.

Từ đó giặc liên miên khủng bố,

Tàu đi qua súng xổ lên bờ.

Quân ta im lặng đợi chờ,

60. Đào hầm đắp ổ chẳng chừa nơi đâu.

Hai mươi sáu đúng vào giờ ngọ,

Mặt sông Lô sóng vỗ bập bềnh,

Nao nao dòng nước uốn quanh,

64. Ca - nô tàu chiến sịch sình ló ra.

Khẩu đại bác của ta đương đợi,

Tàu giặc kia vừa tới ngang tầm,

Dưới cây lòng súng khôn cầm,

68. Khạc ngay viên đạn nổ ầm ran sông.

Chung quanh vẫn một vùng xanh ngắt,

Pháo đài ta bốn mặt khói tuôn,

Dẫu cho súng giặc nổ dồn,

72. Biết đâu hư thực mà tuôn đạn vào.

Trọng pháo ta bắn mau mấy phát,

Phát thứ ba thâu suốt ca nô,

Ca – nô hướng đạo[6] quay lơ,

76. Chìm ngay tại chỗ đợi chờ được chăng.

Một tàu chiến hung hăng tới đó,

Đại bác này nào có nể đâu,

Bắn cho một phát vỡ đầu,

80. Bồi thêm bốn phát trúng vào bốn bên.

Trên tàu lửa bốc lên cháy khắp,

Dưới tàu nghe lính Pháp lao nhao,

Ngoài tàu nước té lên cao,

84. Trong tàu đạn nổ khác nào sấm vang.

Con cá sắt giữa dòng loáng quáng,

Nước lôi đi một quãng rồi chìm,

Ca - nô bốn chiếc theo kềm,

88. Kềm đà chẳng được lại thêm ngẽn đường.

Một chiếc bị trọng thương lảo đảo,

Ba chiếc kia sơn pháo đuổi theo,

Dưới sông sóng nhảy ngang đèo,

92. Trên bờ lau sậy tiếng reo ầm ầm.

Quân đâu đó vội đâm chạy ngược,

Trông ra như đoàn cuốc lưới vây,

Quân dân nhảy xuống bơi đầy,

96. Lô nhô lúc nhúc như bầy chim le.

Liên thanh lại bốn bề bắn xuống,

Quân thù theo làn sóng vỡ tan,

Xác đâu chìm nổi lan man,

100. Trông ra như gỗ trên ngàn tống xuôi.

Máu đâu đã tuôn rơi đỏ nước,

Phải chăng là máu giặc xâm lăng,

Sông Lô nổi sóng Bạch - Đẳng

104. Tấm gương kim cổ vừng trăng một màu

Hai là trận Bông – Lau phục kích.

Liệu chừng nơi quân địch qua đây

Bên ta trước đó bảy ngày,

108. Thế - Hùng cùng với mấy người chỉ huy,

Ra tận chỗ xem đi xét lại,

Lối hành binh đâu đấy sẵn sàng,

Đêm ba mươi kéo quân sang,

112. Y theo kế hoạch chia đường tiến lên.

Đội pháo thủ nấp trên sườn núi,

Toán xung phong chặn lối giặc qua,

Địa lôi đã sẵn món quà,

116. Đợi khi giặc đến thì ta tặng liền,

Chiều băm mốt quả nhiên kế trúng,

Đoàn chiến xa của chúng lên đường,

Động cơ nghe tiếng rộn ràng,

120. Đông Khê đè nẻo kéo sang lần lần.

Xa xa thấy địch quân sắp tới,

Quân ta còn chờ đợi một thôi,

Nhè khi xe nó vào rồi,

124. Giật luôn ba nhịp địa lôi[7] đùng đùng.

Năm xe trước nhảy vùng thoát được,

Một xe sau lật ngược bên đường,

Đoàn xe khi ấy hoang mang,

128. Tiến lui chẳng được vội vàng dừng mau.

Lựu đạn ở phía sau lia mạnh,

Quân xung phong bên cạnh xông vào,

Giặc kia hoảng hốt lao nhao,

132. Nhảy ngay xuống đất chui vào gầm xe,

Nhiều đứa nhảy xuống khe chết ngất,

Nhiều thằng leo gần sát ngọn đồi,

Liên thanh ta nhắm bắn xuôi,

136. Đạn tuôn dồn dập như trời đổ mưa.

Nặng vì mối thù xưa căm uất,

Gươm vung lên lưỡi sắt khôn cầm,

Khi lia khi chém, khi đâm,

140. Khi ba bốn đứa khi năm bảy thằng.

Đầu rơi xuống bên đường lăn lóc,

Đếm riêng hơn năm chục thân binh,

Biết bao thây Pháp tan tành.

144. Mỹ Tho trận nọ, Bắc Thành ngày nay,

Trận này được nhiều tài liệu quý,

Khí giới thêm súng Mỹ rất nhiều,

Hai mươi tám xe bị thiêu,

148. Bao nhiêu đạn được bóng chiều khói tan.

Đèo Bông Lau băng ngàn gió thổi,

Tiếng anh hùng vang dội Chi Lăng,

Cỏ cây tởm máu sài – lang,

152. Thực dân theo gói Liễu – Thăng bước cùng.

Ba là trận Phủ - Thông đột kích,

Một số đông quân địch tiêu hao.

Đồn kia giặc đóng trên cao,

156. Kề bên bãi cỏ, tiếp vào ngã ba.

Đường Bắc - Cạn đi qua chợ Rã,

Còn một đường lên ngả Cao - Bằng,

Trông lên lũy đất mấy từng,

160. Chung quanh chèn ván lại càng kín ghê.

Liên thanh đặt bốn bề mười ổ,

Ngoài đường còn bao chỗ canh phòng,

Quân ta cương quyết một lòng,

164. Xông pha sương gió lạnh lùng như chơi..

Tháng mười một ba mươi buổi tối,

Hơn tám giờ nấp đợi hai bên,

Du kích Hưng, Mạc nhảy lên,

168. Thẳng tay phít[8] cổ một tên gác đồn.

Giật súng máy bắn luôn sáu đứa,

Gục ngay không quậy cựa kêu la,

Trong đồn giặc Pháp phóng ra,

172. Liên thanh lựu đạn quân ta sợ gì.

Trung đội trường trước khi tử tiết,

Còn hô to “ Thống nhất muôn năm!”,

Nghe như hổ thét beo gầm,

176. Ba quân ruột tím gan căm bội phần.

Chu Văn Vận thay chân đốc chiến,

Hô toàn quân thẳng tiến xung phong,

Thù này ta quyết giả xong,

180. Giặc này ta quyết chẳng dong đứa nào.

Đâu có kế đồn cao luỹ rộng.

Lao mình lên phóng xuống trong thành,

Ném lựu đạn, cướp liên thanh,

184. Dọc ngang nào biết xung quanh có người.

Đã giết được mấy mươi quân giặc,

Lại sục tìm các cấp chỉ huy,

Dầu cho tiếp viện giải vi,

188. Sức này đã dễ làm gì được nhau.

Đống - Đa trước quân Tàu vỡ mật,

Phủ - Thông rày, giặc pháp tan xương,

Tinh thần tướng sĩ Quang Trung,

192. Với Chu Văn Vận oai hùng sánh đôi.

Ngoài những trận phong lôi oanh liệt,

Kể chiến công còn biết bao la,

Nào Chợ - Mới, nào Tuyên - Hà,

196. Nào là Ba - Định, Bình - Ca mấy lần,

Sau ba tháng địch quân tan tác,

Đạo tàn binh xơ xác chạy về,

Tính ra thất bại nặng nề,

200. Bị thương tử trận tổng kê tám ngàn.

Mười sáu chiếc pháo thuyền bị đắm,

Moóc – chi – ê mất tám mươi lăm,

Súng trường bốn ngàn một trăm,

204. Còn xe vận tải hai trăm có thừa.

Mười tám chiếc phi cơ bị hạ,

Máy truyền thanh bị phá mười ba,

Quân nhu, lương thực bao la

208. Phần theo nước cuốn, phần ra tro tàn.

Thực dân hỡi! Chứa chan ác nghiệt,

Bài học này đã biết hay chưa,

Việt Nam dân chúng không vừa,

212. Thôi thôi đừng doạ, đừng lừa mất công.

Thôi đừng cậy binh hùng tướng giỏi,

Thôi đừng khoe khí giới tối tân,

Đừng mong vây cánh xa gần,

216. Đừng chưng bánh vẽ, bù nhìn trò xưa.

Đường chính nghĩa bây giờ vạch rõ.

Cuộc hơn thua bởi đó suy ra,

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà,

220. Địch không có một mà ta vẹn mười.

Hồ Chủ Tịch thiên thời một đấng,

Kết quả này hiển chứng từ lâu,

Võ Đại Tướng lại tài cao,

224. Chỉ huy bố trí đâu đâu sẵn sàng.

Đoàn vệ quốc gan vàng sẵn đúc,

Đội dân quân sùng sục máu sôi,

Hậu phương miền ngược, miền xuôi

228. Nơi nơi chiến luỹ, người người chiến binh.

Chiến khu lại địa hình hiểm yếu,

Nền Cộng Hoà tiêu biểu lâu nay,

Đòn đau giặc bị phen này,

232. Mồ sâu thây giặc chất đầy ngổn ngang.

Trận Việt Bắc mở đường chiến thắng,

Đồng bào ta cố gắng tiến lên,

Gian lao chí vững gan bền,

236. Thề đem xương máu xây nền vinh quang.

Hồn tổ quốc còn đang chờ đợi,

Mau đem phần thắng lợi về ta,

Ba kỳ thống nhất sơn hà,

240. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà muôn năm!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast