Khi sách thiếu nhi cũng… “sốc, sex”

Chẳng lẽ, viết những điều trong sáng, tươi đẹp cho thiếu nhi bây giờ lại khó đến thế?

Chuyện người ta chỉ thích “săn lùng” những gì “sốc, sex, sến” để đọc lâu nay đã trở thành… “thường ngày ở huyện”, chẳng còn gì lạ để bàn cãi thêm. Nhưng sốc, sex với cả sách thiếu nhi- lại không thể xem là… chuyện thường.

Văn hóa đọc của người Việt từng là chủ đề bàn cãi của nhiều diễn đàn, của nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ trong lĩnh vực văn học, văn hóa. Cách đây chừng 10 năm, các nhà xã hội học, văn hóa học cho rằng, người Việt quá ít đọc sách. Tỷ lệ số sách trên đầu người ở Việt Nam thuộc diện thấp trên thế giới. Khoảng 5 năm trở lại đây, giới trẻ bắt đầu rục rịch đọc sách. Những phố bán sách ở Hà Nội thỉnh thoảng cũng tấp nập, “kẻ đến người đi” nhiều hơn. Nhưng khi tìm hiểu về tựa sách và thể loại sách mà giới trẻ tìm đọc, phần lớn trong đó lại chỉ là sách ngôn tình.

Những cuốn sách bán chạy nhất là những cuốn được PR, quảng cáo nhiều nhất về liệu lượng sex chuyển tải, về câu chuyện gây sốc, về tình yêu sướt mướt, thê lương được viết trong đó. Việc người ta chỉ thích “săn lùng” những gì “sốc, sex, sến” để đọc lâu nay đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Chẳng còn gì lạ để bàn tán thêm.

Những trang sách dành cho thiếu nhi khiến phụ huynh hoảng hồn
Những trang sách dành cho thiếu nhi khiến phụ huynh hoảng hồn

Những trang sách dành cho thiếu nhi khiến phụ huynh hoảng hồn

Từ sách đến văn học mạng, tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc được giới trẻ tung hô, tìm kiếm. Đến văn học đương đại của Việt Nam cũng phải “hoang mang” đi tìm diện mạo cho mình. Yếu tố tính dục trở thành “kim chỉ nam” trong sáng tác của nhiều nhà văn để còn… bán sách. Một diện mạo mờ nhạt, học đòi, chắp vá… được xây dựng, kết nối cho văn học Việt Nam đương đại. Tìm trong số đông sáng tác đương đại của văn học Việt Nam, độc giả có thể tìm thấy trong đó những nhãn quan cay đắng, chua chát, rối bời và đầy ẩn ức về tình dục…

Dẫu sao, đó cũng là sách viết cho người lớn, cho những người đã trưởng thành, cho những người đã có nhận thức đúng- sai, đẹp-xấu. Một cuốn sách nhạt nhẽo có thể không làm hỏng được một con người. Một cuốn sách nhạt nhẽo cũng sẽ bị đào thải theo thời gian, theo sự trưởng thành của người đọc nó.

Riêng sách dành cho thiếu nhi với đối tượng độc giả rất cụ thể là: thiếu nhi, bởi vậy, nó có đặc thù khác hẳn về nội dung (không khó để nhận ra), đó là sự trong sáng, tươi đẹp, giàu yêu thương và đầy tính nhân văn.


"Cá nhân tôi không chấp nhận người lớn mang những khoái cảm về tình dục, về sự tàn bạo và thô thiển vào những câu chuyện của con trẻ..."- Nguyễn Thị Thu Huệ.

Thiếu nhi tin vào sách, tin vào thế giới tươi đẹp được vẽ ra trong sách. Sách góp phần xây dựng, bồi đắp tâm hồn cho trẻ thơ. Chính vì thế, hàng loạt sai phạm xảy ra đối với sách truyện cho thiếu nhi thời gian gần đây đã khiến người lớn bàng hoàng, sửng sốt. Truyện tranh vẽ la liệt những hình ảnh “người lớn” đến mức phụ huynh đọc cũng phải đỏ mặt, truyện cổ tích thêm thắt tình tiết bạo lực, đến cả sách “Truyện cổ tích về loài chim và muông thú” cũng đầy những đoạn “nhạy cảm”…

Chẳng lẽ, viết những điều trong sáng, tươi đẹp cho thiếu nhi bây giờ lại khó đến thế?

Trao đổi với phóng viên Dân trí quanh câu chuyện về sáng tác cho thiếu nhi, và sách truyện cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết: “Người viết chân chính có trách nhiệm trước bạn đọc. Trước khi đặt bút, phải biết mình viết cho đối tượng nào. Chỉ cần phân biệt ra hai loại: viết cho các em, và viết cho người lớn là đường đi đã rõ lắm rồi. Tôi nghĩ, phần lớn nhà văn ai cũng muốn viết cho thiếu nhi vì ai cũng từ thiếu nhi mà trưởng thành. Nhưng viết được hay không lại là chuyện khác. Sách cho thiếu nhi hàng năm xuất bản nhiều nhưng khá ít sự nổi trội, vì thực sự đây là mảng rất khó”.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, về những nội dung phản cảm đưa vào sách truyện dành cho thiếu nhi là điều không thể chấp nhận.

“Những ai đưa những điều đó vào văn chương cho con trẻ thật đáng lên án. Họ vừa vô trách nhiệm, lại có gì đó hơi bệnh hoạn và đạo đức có phần suy đồi. Nói những điều này có vẻ nặng lời nhưng cá nhân tôi không chấp nhận người lớn mang những khoái cảm về tình dục, về sự tàn bạo và thô thiển vào những câu chuyện của con trẻ. Họ hoàn toàn có thể viết để giải tỏa ẩn ức (tình dục hay bạo lực)và đợi sự đón nhận, phán xét của độc giả trong những câu chuyện dành cho người lớn. Còn với con trẻ, không được phép làm như vậy”- nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định.

***

Câu hỏi đặt ra, chẳng lẽ sáng tác những điều trong sáng, đẹp đẽ cho thiếu nhi bây giờ khó đến thế?

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast