Mẹ và con và trần thế

Bây giờ thì bà biết, nó hận bà. Trái tim bà chưa đủ tan nát hay sao mà nó còn hận bà? Nó có hận thì bà cũng đành chịu. Bà không oán trách, cũng không hối hận. Nếu có thể quay ngược thời gian, bắt đầu lại, bà vẫn muốn được gọi nó là con.

Cả xóm Dứa này, không ai làm mẹ mà chịu nhiều gian truân như bà. Sáu lần mang thai, bốn lần đậu, hai lần sẩy. Nhưng thà sẩy còn hơn phải tận mắt nhìn con mình chào đời trong dáng vẻ dị dạng, méo mó: không chân tay, toàn thân phủ một lớp màng trơn nhẫy. Bà chết ngất ngay khi vừa nhìn thấy vật thể từ bụng mình chui ra. Những cơn ác mộng triền miên khiến bà kiệt sức. Những hy vọng chết dần chết mòn sau những lần sinh nở bất thành.
Thực ra, không phải ông không biết mình bị nhiễm chất độc hóa học. Ngày ấy, đơn vị công binh của ông nhận nhiệm vụ phải mở đường bằng mọi giá cho đoàn xe băng qua tuyến lửa, kịp vào mặt trận. Chất phát quang, đặc biệt là chất da cam chứa dioxin, rồi bom từ trường… ông đều đã tiếp xúc. Nhưng ông vẫn nuôi hy vọng vợ chồng ăn ở phúc đức, rồi ông trời thương xót mà ban cho đứa con nối dõi tông đường. Nhưng cố đến thế thì ông biết mình thua rồi. Tổ tiên, ông trời cũng không làm gì được cho ông nữa. Có cố thì cũng chỉ chuốc thêm sự đau đớn, dằn vặt mà thôi.
Mấy tháng trời suy nghĩ vật vã, ông quyết định làm đơn li hôn, giục bà kí. Rồi bà sẽ có người đàn ông khác tử tế hơn, cho bà được một đứa con. Ông chỉ là thằng đàn ông vô dụng. Nếu cứ giữ bà lại bên mình, thì ông còn là thằng đàn ông ích kỉ, độc ác nữa.
Bà cầm lá đơn mà chết lặng. Ông làm gì thế này hả ông? Ông muốn bà phải chết hay sao? Đời này kiếp này, bà sống làm vợ ông, chết làm ma nhà ông. Sao ông lại ruồng rẫy bà như vậy? Không có con đẻ thì xin con nuôi. Vợ chồng ăn ở gần chục năm trời, đầu bắt đầu hai thứ tóc, ông làm gì thì cũng phải nghĩ, kẻo trẻ trâu nó cười cho chứ!
Ông nhìn bà. Họng ông đắng ngắt. Ngực đau tức. Tưởng như không thở nổi nữa. “Mình ơi, đời này kiếp này tôi chịu ơn mình lắm”.

Ai mách đâu có trẻ bị bỏ rơi, có người cho con nuôi ông bà đều dắt díu nhau tìm đến. Nhưng lần nào hăm hở đi rồi cũng lại ảo não về không. Con đẻ không có đã đành, đến con nuôi mà ông trời cũng gây khó khăn đến nhường này sao? Đêm nằm ngủ, ông bà không dám quay mặt vào nhau. Sợ những hơi thở dài cố kìm nén lại làm cho nhau thêm đau.
Thế rồi, phúc đức tổ tiên cũng để ông bà được toại nguyện.
Bà không dám tin đó là sự thực.
Đêm ấy, hai ông bà tắt đèn chuẩn bị đi ngủ thì bỗng có tiếng sột soạt ngoài cửa. Rồi tiếng gõ vách. Tiếng người thì thào gọi. Ban đầu hai ông bà tưởng mình nghe nhầm tiếng gió. Nhưng gió sao lại nói được tiếng người? Hay là trộm? Trộm mò vào nhà ông bà để mà chết đói à? Hay là ma, nửa đêm hiện lên ghẹo người? Bà run lẩy bẩy nép vào ông. Ông thì chinh chiến nhiều rồi, chẳng tin chuyện ma quỷ bao giờ. Tốt nhất là mở cửa xem người hay ma, đoán mò làm gì. Bà châm mãi mới được cây đèn, đưa cho ông. Ông cầm gậy ra mở cửa. Bà cũng cầm gậy bước sát theo ông mà toàn thân run bắn.
Hóa ra không phải là ma. Không phải trộm. Mà là một thiên thần được mang đến. Thiên thần ngủ ngoan trong bọc quần áo. Cùng lúc ấy, hai vợ chồng nhìn thấy bóng một người phụ nữ hấp tấp bỏ chạy ra ngoài ngõ. Ông định chạy đuổi theo. Nhưng bà giữ chặt ông lại. Trong tích tắc, bà đã hiểu ngay được sự tình. Bà sợ ông gọi người phụ nữ kia quay lại, thì thiên thần đang hiện diện trước mắt bà cũng sẽ biến mất. Bà cuống quýt ôm đứa trẻ còn nóng hổi vào lòng. Cuống quýt vào nhà. Cuống quýt giục chồng đóng cửa. Và thấp thỏm nghe ngóng. Tim đập thình thịch như kẻ gian sợ bị phát giác.
“em nà ngời mẹ chả ra thể thống gì. em cầu xin hai pác thươn cháu, nuôi cháu nên nghười.”
Mẩu giấy xé nham nhở, với mấy chữ viết vội, đầy lỗi chính tả. Góc phải, phía bên dưới mẩu giấy có dấu vân tay mầu đỏ như máu. Chắc là vân tay của người mẹ.
Một giờ trôi qua trong yên ắng...
Một ngày, một tuần, một tháng trôi qua trong yên ắng…
Bấy giờ thì bà mới dám tin.
Thằng bé được đặt tên là Thiên Ân.

Từ bé đến lớn, bà chưa một lần dám đụng roi vào mông thằng bé. Bà nhìn hàng xóm lùa con trối chết từ trong nhà ra ngoài ngõ, roi quất vun vút mà thấy lạnh người. Đến cả việc quát con bà còn chẳng dám to tiếng.
Gọi là con nhưng bà có mang nặng đẻ đau ra nó đâu. Bà làm gì có quyền với da thịt của nó. Huống hồ, nó còn được ông trời cho về làm con của bà. Bà yêu thương nó, mang ơn nó còn không đủ, thì làm sao bà nỡ làm nó đau.
Vậy mà, 17 năm sau, nó bỗng hận bà.
Bà biết phải làm sao đây?

Bỗng nhiên thằng bé đùng đùng sốt đúng vào lúc ba bề bốn bên mưa gió sập sùi. Bão ập đến trong nỗi bàng hoàng của dân xóm Dứa. Chẳng ai được báo trước câu nào. Đàn ông đàn bà cuống cuồng buộc lại chuồng gà, chuồng lợn; chặt vội buồng chuối; gom vội giàn su, giàn mướp. Rồi thì cửa rả chốt chặt, nín thở chờ đợi.
Thằng bé sốt cao hai ngày liền không cắt được cơn. Các biện pháp hạ sốt, chống co giật hàng xóm láng giềng mách bà đều đã thử đủ cả nhưng không tài nào tống cổ được cơn sốt dai dẳng đáng sợ. Chân tay nó chuyển sang lạnh ngắt trong khi cổ, nách và bẹn vẫn nóng rẫy như hòn than đang nung giữa bếp lửa. Lòng dạ bà như nồi cháo sôi cạn cả rồi. Bà hoang mang, bấn loạn. Lên trạm xá thì không được vì làm sao bà dám lôi thằng bé ra đường giữa lúc gió bão bời bời thế này. Trạm xá thì xa. Cán bộ trạm xá lo về nhà chống bão, chắc gì còn ai trực ngoài ấy?
“Con ơi, con ốm lúc nào thì ốm, sao lại nhằm đúng lúc này hả con?”
Bà quệt nước mắt cho khỏi rớt xuống mặt con. Tay áo vừa quyệt xong nhát nào thì hai hàng nước mắt đã lại ứa ra dàn dụa.
Chồng bà đi lại quanh nhà, không khác nào con thú hoang bị lừa nhốt vào chuồng. Ông đếm từng giờ trôi qua, đợi cơn bão ngớt. Nhưng càng đợi càng nản. Gió vun vút ngoài liếp cửa. Mưa quất ràn rạt. Nửa đêm thì gió tăng tốc. Sau khi chơi trò mèo vờn chuột chán chê, bây giờ mới đúng là lúc bão về.
Cửa sổ, cửa chính lập cập trong những đợt rung lắc của đàn gió tinh quái. Mái gianh ông chắp kĩ đến thế, ràng néo tỉ mẩn đến thế, giờ cũng run bần bật trong gió. Sợi thép chằng trụ chính trên đỉnh mái có dấu hiệu bất ổn. Hình như một góc mái gianh bị xô giạt nên mưa bắt đầu từ đó rỏ tong tỏng xuống nền nhà. Xô chậu được huy động để hứng nước mưa. Mưa thả giọt càng mau, ruột gan ông càng cồn cào.
Một giờ. Hai giờ …. trôi qua. Tưởng lũ gió giỡn chán thì bỏ đi, vậy mà chúng vẫn bám riết quanh nhà ông. Mái gianh bắt đầu có dấu hiệu kiệt sức. Chỗ dây neo bị chùng nếu không vá kịp thời thì rất có thể mái nhà sẽ bị gió xé tan. Ông phải làm sao bây giờ? Thằng bé đang sốt cao, nếu nhiễm lạnh thì khó mà qua khỏi.
Ông thắp ba nén hương lên bàn thờ gia tiên, rồi vớ lấy áo mưa, dứt khoát đẩy cửa bước ra ngoài trong vệt sét chém ngang dọc nền trời đen kịt.

Giờ thì ông đã bám được vào cây cột trụ bên trái nhà rồi. Cột trơn nhẫy nước, khiến ông ngã lên ngã xuống mấy lần. Áo mưa rách bươm bả. Mẹ nó chứ. Nó trêu ngươi ông à. Đã thế, ông nhất quyết leo lên bằng được. Cú trượt bổ chửng tiếp theo khiến đầu gối ông vập đúng vào lưỡi xẻng xếp gần ngay đấy. Hình như một mảng da trên chân ông vừa xém ngọt. Ban đầu nước mưa làm ông xót điếng. Xót đến mức vã cả mồ hôi. Nhưng giờ thì ông mất cảm giác rồi. Hai chân ông đang dần tê cứng vì lạnh. Cái lạnh ngấm sang toàn thân. Làm sao có thứ nước mưa tai quái, ăn vào da thịt đến đâu khiến chỗ ấy như sắp đóng băng đến nơi thế này. Nhưng tim ông còn đập. Tim còn đập nghĩa là máu còn chảy. Máu còn chảy thì chẳng có gì đáng sợ cả. Ông phải hoàn thành nốt việc của mình.
Đấy, giờ thì ông trèo được lên mái rồi. Xem nó còn gây gổ được với ông nữa không? Ông bặm chặt môi, tay bám chặt vào thanh nẹp mái, người lê đi. Thật chậm. Thật chậm. Nhích từng milimet mà thấy lâu như cả đời người. Mưa sấn sổ quất tới tấp vào mặt ông, mỗi lúc một phũ hơn. Mưa len lỏi châm chích khắp da thịt ông. Mặt ông, da ông đủ dầy mưa nắng, ông còn sợ chúng mày nữa à?
Ông hít một hơi thật sâu, nằm ép sát người xuống và tiếp tục bò dần lên đỉnh mái. Dưới ông là vợ và con. Không bảo vệ được họ, ông có còn đáng mặt thằng đàn ông nữa không?
Chỗ mái xô đây rồi. Hai tay ông bám chặt vào tranh tre trụ. Bám chắc như thể tay ông đã đóng dính hoàn toàn vào đó. Ông sẽ không buông ra nữa. Toàn thân ông nằm phủ lên chỗ mái gianh bị xô. Giờ thì ổn rồi. Chỗ hổng đã được lấp lại.
Ông lịm đi.
Tim ông bắt đầu lạnh...

Xóm Dứa bàng hoàng thức dậy sau trận bão đêm, cũng là lúc người ta nghe thấy tiếng khóc ai oán dậy lên từ ngôi nhà sau đồi phi lao.
Hàng xóm láng giềng chạy đến. Thang lao đến. Hai thanh niên to khỏe nhất xung phong trèo lên. Ông được gỡ xuống khỏi mái nhà. Toàn thân tím ngắt. Chín phần chết. Một phần sống. Chưa kịp hô hấp nhân tạo, chưa kịp đổ nước gừng vào miệng ông, chưa kịp làm gì hết thì một phần sống lay lắt kia đã tiếp tục lìa bỏ ông. Ngay khi vừa tiếp đất.
Thôi thì cuối cùng ông đã được về với đất, đoàn tụ với tổ tiên…

Thằng bé không bao giờ ốm đau vặt vãnh. Trộm vía nó khỏe như trâu. Và nghịch như quỷ sứ. Nó làm loạn cả cái xóm Dứa với những trò quái đản. Nào thì cầm đuôi chuột chết chạy đuổi theo lũ con gái. Nào thì chui vào chuồng gà nhà người ta ăn trộm trứng gà mới đẻ. Nào thì ném rắn vào chuồng lợn. Nào thì lừa chó ăn ớt, khiến cả đàn chó sủa inh ỏi làng xóm từ sáng đến tối.
Rồi nó gây gổ với con nhà người ta. Nó gây gổ với đứa bé đã đành. Nó còn cà khịa cả với đám lớn hơn. Điên lên thì gạch đá tương vào đầu nhau. Đầu sưng u, máu chảy toe toét vẫn nhất quyết không về tìm mẹ. Nó phải ăn thua đủ với con người ta mới thôi.
Suốt ngày bà bị hàng xóm láng giềng phàn nàn, khiếu kiện, cạnh khóe.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Suốt ngày bà phải lê cái thân già khốn khổ đi xin lỗi người ta. Ai cần bà đền tiền thì bà đền tiền. Ai cần bà quỳ thì bà quỳ. Cần bà lạy thì bà lạy. Bà nhẫn nại nghe người ta sỉ vả: “cái đồ không biết dạy con. Thằng ấy nói mà không nghe thì cứ mang đòn gánh mà nện. Nện mà vẫn không nghe thì tống cổ đi khỏi nhà. Nuôi cái thứ ấy cho tốn cơm tốn gạo rồi nó giết mình lúc nào không hay”.
Người thương thì ái ngại:
“Bà không dậy thì nó hư mất thôi”.
Nó hư rồi còn gì. Bà cũng dậy nó rồi đấy chứ. Bao nhiêu nhân nghĩa ơn đức ở đời, bà đều nói với con. Nhưng lời bà nó có coi ra cái gì đâu. Bà nói nhiều quá thì nó bỏ đi. Đói thì mò về ăn. Mệt thì chui về ngủ. Bà không biết phải làm sao thì 15 tuổi nó đã biết đè con gái người ta ra giữa đồng.
16 tuổi nó phang cuốc vào con người ta gẫy chân.
16 tuổi nó rình rập trộm chó của làng bán cho bọn lái chó trên chợ huyện để kiếm tiền chơi điện tử.
Không ai chịu được nó nữa.
Bà không dậy được nó thì làng xóm dậy. Nó bị thanh niên xóm quay lại đánh hội đồng chí chết. Nó bị cả làng tẩy mặt. Nó bị cả làng gọi mặt chỉ tên là thằng con vô thừa nhận. Làng chịu nhịn mãi rồi. Giờ là lúc không ai chịu được nữa. Làng cần phải tống cổ nó đi.

Nó lao như bão về giữa nhà. Mâm cơm phần nó, nó đạp tung ra ngoài sân. Mắt trợn trừng: “Sao bà không bảo tôi sớm hơn. Việc gì phải nhờ làng xóm nhổ vào mặt tôi thế?”
Bà tưởng mình nghe nhầm. Bà không rõ ngô khoai ra làm sao. Cái thằng Thiên Ân con bà, ai chọc giận nó, nó về trút xuống đầu bà thế này? Có phải nó vừa gọi cái người cực nhọc nuôi nấng chăm bẵm hơn cả mẹ đẻ ra nó suốt bao năm nay là “bà” đấy chứ? Cái người nhẫn nhục lê mặt dầy đi quanh xóm xin “rủ lòng thương, tha lỗi cho thằng con tôi” mà nó gọi là “bà” ư?
“Bà” là thế nào? Là người dưng nước lã. Là chẳng tình nghĩa gì.
“Con ơi…”
Bà nhìn thằng Thiên Ân con bà. Giờ bà phải ngước lên mới thấy mặt nó. Cái khuôn mặt bà ôm ấp, bà cưng nựng, bà tốn bao nhiêu nước mắt vì nó, giờ sao nó bỗng rắn câng như đá tảng thế này. Mắt nó vằn đỏ. Ánh nhìn của nó khiến bà lạnh người. Ngực bà đau quá.
“Bà đừng gọi tôi là con nữa. Bà không đẻ ra tôi, bà không phải là mẹ tôi. Bà muốn thì tôi sẽ đi cho khuất mắt bà. Tôi hận bà!”
“Đừng, … con… ơi…”
Bà thấy mình hụt hơi. Chân bà đứng không vững nữa.
Bà chưa kịp nói gì thì nó đã bỏ đi mất rồi.
Bà không hề có ý định giấu diếm lai lịch của nó, cốt để giữ nó ở bên bà mãi mãi. Con vật còn có gốc gác, huống hồ là con người. Bà định khi nào nó đủ lớn, đủ chững chạc bà sẽ cho nó hay. Nhưng bà chưa kịp nói gì thì hàng xóm - trong cơn nóng giận - đã sả vào mặt nó.

Thực ra, trong lúc bực dọc bỏ lên chợ huyện, nó ngẫm ngợi và bỗng thấy không hận bà nữa. Ngược lại, nó tự nhiên thấy mình may mắn. Vì đúng lúc ấy, nó dấy lên một niềm tin không gì lay chuyển nổi: chắc chắn cha mẹ đẻ ra nó không phải là người quyền thế thì cũng là người giầu có. Cha mẹ nó nhất định không phải là mụ già nhà quê chân đất mắt toét, nghèo kiết xác là bà. Nó tin rằng, vì lý do đặc biệt nào đó, nó được cha mẹ gửi tạm nhà bà. Như một hoàng tử được gửi nhà thường dân để lánh nạn. Giờ là lúc họ phục hồi lại được gia sản và quyền thế, nên họ nóng lòng đi tìm nó về. Nó phải được chăm sóc, cung phụng, để bù đắp thiệt thòi trong suốt những năm tháng lưu lạc khổ ải vừa qua.
Nó ngồi ôm máy chơi điện tử mà đầu óc không dứt khỏi giấc mơ kỳ lạ vừa hiện đến.
Nó chợt nhận ra mình phải quay trở lại nhà bà ngay. Bà có mọi manh mối mà nó cần.
Nó lù lù hiện ra ở ngưỡng cửa, giữa lúc bà đang ngồi cầu kinh. Nó khiến bà hoảng hồn. “Tìm được cha mẹ tôi rồi, tôi sẽ bù đắp cho bà đầy đủ” - Giọng nó như tiếng kim khí khiến bà lạnh cả người.
Trời ơi, bà cần nó bù đắp gì đây?
Liệu nó có thể bù đắp được cho bà như thế nào đây?

Sau ba lần chuyển nhà, và năm lần chạy lũ vứt gì thì vứt, nhưng đồ vật kỉ niệm của thằng Thiên Ân thì bà vẫn giữ.
“em nà ngời mẹ chả ra thể thống gì. em cầu xin hai pác thươn cháu, nuôi cháu nên nghười.”
Thằng Thiên Ân vồ lấy mảnh giấy, đọc nghiến ngấu. 16 năm, mực đã phai, giấy đã xỉn. Nhưng mấy cái chữ nguệch ngoạc đầy lỗi ấy vẫn đủ sức khiến nó rưng rưng. Có cái này, nó tin sẽ tìm được cha mẹ đẻ. Họ sẽ rước nó về trong nước mắt hân hoan. Nó sắp đổi đời rời. Nó phỉ nhổ vào cái xóm Dứa này. Nó sẽ ngẩng cao đầu bước đi trong vinh quanh.
Chỉ cần mường tượng ra cảnh huy hoàng đó, lòng dạ nó đã thấy hưng phấn tột độ. Nó ôm hết bọc quần áo cũ và lá thư mẹ nó để lại. Nó vạch sẵn kế hoạch rồi.
Một bản tin “Tìm người thân” rất lâm li được nó thuê viết để đưa truyền hình. “…Dù 16 năm lưu lạc, con vẫn rất nhớ cha mẹ, chỉ một lòng mong về đoàn tụ với cha mẹ. Cha mẹ ở đâu hãy liên lạc với con theo số điện thoại: 09013XXXX.”
Nó đã chuẩn bị sẵn sàng hình chụp các kỉ vật kèm theo. Và ảnh chân dung nó hiện nay để bố mẹ khỏi phải nhọc sức tưởng tượng. Họ chỉ cần nhào vào nó, mà ôm hôn, mà xuýt xoa, và mặc sức đắp tiền của để tẩy rửa cái thân phận nghèo khó hiện nay của nó.
Mọi công việc đều đã hoàn hảo.
Việc của nó bây giờ là chờ đợi.

Bà biết rồi sẽ đến lúc này.
Bà cũng chuẩn bị tinh thần cho cái ngày này. Máu mủ ắt phải tìm về với nhau. Bà có nó trong cuộc đời chừng ấy năm đã là hạnh phúc lắm rồi. Bà mong nó đoàn tụ với gia đình, để trái tim bị tổn thương của nó được vỗ về. Bà đã không thể là một người mẹ tốt cho nó. Bà phải trả nó về nơi nó đã sinh ra.

Đêm nào bà cũng khóc.
Điện thoại gọi đến cho nó mà bà thót cả tim. Bà giỏng tai lên nghe. Bà thở phào khi đó chỉ là cuộc gọi bạn bè tán gẫu. Bà nín thở khi đầu dây bên kia hỏi thông tin về nó. Hóa ra chỉ là ai đó tò mò dò hỏi.
Trong lòng bà lúc này là cả một khối mâu thuẫn lớn. Bà ước ngày dài ra. Để bà được ở bên nó càng lâu càng tốt. Bà dốc tiền tiết kiệm đưa cho nó sắm sanh quần áo mới, kẻo lúc đoàn tụ, nó ăn mặc nhếch nhác quá thì lại nghĩ ngợi tủi thân. Bà làm gà tần cho nó ăn. Bà mua thịt chó, mua rượu cho nó nhậu. Lúc con ăn, bà ghé đít ngồi bên mâm. Chỉ là để tận hưởng cảm giác mùi mồ hôi của nó còn hiện diện bên bà. Bà sợ một mai thức dậy, mùi mồ hôi ấy biến mất. Và bà giống như nấm mộ sống, chờ đến ngày chuyển kiếp mà thôi.

Bà nhủ lòng: Thằng bé đã có một cái kết có hậu. Trời Phật vậy là vẫn phù hộ độ trì cho nó.
Cha mẹ nó đã liên lạc sau hơn ba tháng thông tin được phát đi trên truyền hình. Họ ở một thành phố khác, cách nơi mẹ con bà đang sống chừng 500 cây số.
Thằng Thiên Ân phấn chấn lắm. Dù không như nó tưởng tượng rằng bố mẹ sẽ đánh ô tô đến làng rước nó, thì cái địa chỉ mà họ cung cấp cũng cho nó niềm hy vọng. Đó là một thành phố sầm uất, với những tòa nhà cao chọc trời, và những người giàu có ở đó sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ. Bố mẹ nó hẳn là một đại gia khét tiếng. Họ muốn nó phải bất ngờ khi chính thức bước sang tuổi 17. Nó hãy tự đến, để chứng kiến, để choáng váng vì sự xa hoa mà nó sắp được tận hưởng.
Nhận được tin từ bố mẹ đẻ, nó mất ăn mất ngủ. Nó lo sửa soạn đồ đạc. Nó hỏi đường đi lối lại. Nó gọi điện cho nhà xe để đặt chỗ. Nó cuống cuồng bận rộn với cả tỉ việc cần phải làm để ra mắt gia đình. Nó không còn thời gian bận tâm đến bà già nhà quê chân đất mắt toét đang trốn ra sau vườn để khóc dấm khóc dúi.
Nó khoác túi lên vai mà vẫn không nhìn thấy bà. Hoặc nó chộn rộn quá không nhớ ra cái việc tìm bà để chào một lời. Bà chỉ thấy nó đẩy cổng, đầu ngẩng cao, chân soải bước trên đường làng, tự tin, hồ hởi.
Bà biết mình mất nó thật rồi. Bà giấu mình ra sau vườn vì không đủ can đảm chứng kiến cái cảnh thằng con ra đi.

Xóm Dứa thở phào. Đám con gái đỡ bị quản hơn. Chó gà thả xênh xang hơn. Các vụ ẩu đả thưa vắng dần.
Chỉ có bà già Sẳng không cất được chân ra ngoài. Không ai gọi bà là mẹ thằng Thiên Ân nữa. Mà gọi bà theo tên ông. Bà Sẳng.
Bà Sẳng sợ thằng Thiên Ân trở về. Biết đâu nó chợt nhớ ra là lúc đi quên chưa chào bà lấy một tiếng nên hối hận phải quay về chào bằng được. Dù gì thì mẹ con cũng 17 năm cay đắng ngọt bùi. Hoặc nó về để lấy lại thứ gì đó bị bỏ quên. Hoặc nó bỗng nhớ nhung bịn rịn điều gì đó. Ngôi nhà này. Mảnh vườn này… Nó đã có cha mẹ đẻ. Nhưng nó cũng có cả kí ức ở nơi này nữa.
Bà không bước chân ra ngoài đường còn bởi một nỗi sợ nữa. Bà sợ người ta hỏi han thằng con nuôi của bà. “Nó có tin tức gì về cho bà không? Dạo này nó thế nào?”
Bà dặn mình phải quên nó đi thôi. Nhưng bảo quên mà có quên được đâu. Cái ngực nó cứ nhức nhối. Cái mắt nó cứ nhức nhối. Chỗ nào cũng thấy nhức nhối…
Bà sực nhận ra mình đã quá già. Lúc bà đón nó về, bà mới bốn mươi. Giờ thì…

Thực ra thì nó đã về.
Nó nhìn thấy bà thui thủi vào ra. Nó không biết nên thương bà hay hận bà.
Nó quay gót bỏ đi.
Hàng xóm gặp nó lang thang ở phố huyện. Râu ria lởm chởm. Mắt lồi ra như mắt trâu. Cái mặt nhìn thấy rõ là đang đói.
Hàng xóm chặn trước mặt nó, bảo:
- Sao cậu lại ở đây? Bà Sẳng dạo này yếu lắm. Cậu phải về xem bà ấy thế nào chứ?
Nó trừng mắt lên. Nó đang khó chịu đây, đang muốn cà khịa, muốn đánh nhau đây. Tự nhiên có kẻ đến trước mặt nộp mạng cho nó. May là nó kịp nhận ra hàng xóm. Hàng xóm từng vớt nó từ dưới nước lên. Cả thúng nước từ miệng nó ồng ộc nôn ra. Hàng xóm từng cắp nó vào viện khi toàn thân nó đỏ lựng và bỏng rát vì cả nồi canh đang sôi đổ ụp vào người. Không thì tám đời nhà nó đã xanh cỏ rồi. Nó vùng vằng. Nó định tránh đi. Nó không muốn dây dưa dính dáng gì đến cái thông tin mà mình vừa nghe thấy kia. Nó muốn hàng xóm biến đi cho khuất mắt. Nhưng hàng xóm gan lì, dứ dứ cái mặt khó chịu trước nó, nhất quyết không chịu lùi. Nên nó thành kẻ bị hỏi cung. Nó bực bõ văng ra:
- Cút mẹ ông đi. Tôi đang hận, tôi đang hận đây!
Nó gào lên như một con chó dại.
Bà Sẳng nghe hàng xóm kể lại mà u u mê mê không hiểu ra làm sao. Nó còn chưa về gặp cha mẹ nó hay sao? Hay có kẻ xấu, chặn ngay từ đầu phố huyện, cướp sạch đồ của nó, đánh cho nó thân tàn ma dại rồi biến nó thành kẻ trắng tay, lang thang đầu đường xó chợ, không tiền bạc mà đi tìm cha mẹ? Hay nó bị người ta lừa nhận cha mẹ rồi cướp mất tiền của? Ruột gan bà như xát muối. Nó dù có là cái thằng gớm ghê nhất xóm Dứa, thì ra ngoài nó vẫn là thằng bé con dại dột, khờ khạo mà thôi. Bà hiểu nó mà. Nó biết bà đã dồn hết tiền làm lộ phí đi đường, làm vốn liếng cho nó ra mắt bố mẹ đẻ. Bà chẳng còn gì có thể cho nó được, nên nó phải lê la kiếm sống đặng có đủ tiền về với gia đình mình. Nên nó hận bà là phải.
Bà đòi hàng xóm đưa bà lên phố huyện tìm con. Bà phải đưa nó về. Bà sẽ vay mượn tiền nong cho nó về với gia đình.

Nó náu sau quán bia. Nó nhìn thấy bà rồi. Cái bà già nhà quê còn muốn gì ở nó nữa chứ?
Nó không biết nên hận bà, hay phải thương bà đây? Đến chính bản thân, nó cũng thấy nghi hoặc. Thực ra nó là ai?
Nó đã xuất hiện ở cái nhà ấy.
Ba thằng con trai to lừng lững vừa ôm bộ bài chơi dở, vừa chằm chằm nhìn nó. Vừa dò xét. Vừa khó chịu. Một người đàn ông cởi trần trùng trục, ngồi giữa năm con lợn đã phanh thây giữa nhà, ngước lên nhìn nó, và “à” lên một tiếng. Rồi cất tiếng gọi vào nhà trong:
“Thằng con quý tử của mày nó tìm về đây này!”
Trong nhà có tiếng xối nước. Rồi một phụ nữ xuất hiện, chân tay ướt lướt thướt. Bà ta nhìn nó bối rối:
“Cháu… à… con nà….?”
Nó trả lời mà lòng hoang mang. Hay là nó nhầm? Hay là họ nhầm? Nó hối hả bày đống kỉ vật ra. Gã đàn ông ghim con dao bầu còn dính đầy tiết lợn vào thớt, đoạn giằng lấy mẩu giấy ố mầu trong tay nó.
“Con chó này, chữ mày thế này mà ngửi được à?”
Người phụ nữ bẽn lẽn liếc mảnh giấy, đoạn chẳng ra mời, chẳng ra nhắc nhở:
“Vào… vào nhà đi cháu… à con”
Nó tiếp tục bị ba thằng con trai to lừng lững dò xét bằng ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Khuôn mặt ba thằng ấy chẳng có điểm nào giống nó cả.

Nó có cảm giác mình bị lừa.
Nó tin là mình bị lừa. Họ đang lừa nó để lấy tiền chuộc béo bở từ cha mẹ đẻ của nó. Họ đang bẫy nó.
Nó thu lại đống kỉ vật. Nó cố chế ngự cảm xúc, để tỏ ra thật bình tĩnh. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, con dao bầu kia sẽ chẹn vào cổ họng nó. Như cắt tiết một con lợn. Và thế là xong đời.
“Cô… mẹ…bao nhiêu năm… mẹ còn giữ được kỉ vật gì của con không?”
Nó đã cố, mà cái giọng vẫn run rẩy.
Lão chủ béo cười sằng sặc.
“Thấy chưa, mày đéo phải là mẹ nó”
Người phụ nữ nghệt mặt ra.
“Ngày ấy… mẹ bị nhỡ… bị nừa… không… thể… nuôi con được…”
Bà ta lúng búng mãi. Đoạn bà ta nhìn trước nhìn sau. Nó nín thở chờ đợi. Một đòn cân não gì nữa đây?
Bà ta tiến tới chậu tiết lợn. Ngón tay nhúng vào. Rồi ấn xuống tờ giấy báo trước mặt nó.
“Đấy, con so đi”
Hai vết vân tay - một cũ một mới, giống hệt nhau - hiện ra như trêu ngươi nó. Bà ta đúng là mẹ nó rồi. Một cảm giác hụt hẫng không thể tả nổi, tràn ngập lòng nó.
Người phụ nữ - bây giờ đã là mẹ nó - giục nó cất đồ, giục nó rửa mặt mũi. Xong hết những việc ấy thì nó đã thấy bà ta mất hút phía sau nhà. Mùi phân lợn từ phía ấy sộc lên, khiến nó lợm giọng. Nhưng nó không biết làm gì. Nó kiếm một góc và ngồi xuống. Tiếp tục nhìn người đàn ông pha thịt giữa nhà và lũ con trai lộc ngộc thì ôm bộ bài tiếp tục cuộc sát phạt, nhưng vẫn chưa buông hẳn mắt khỏi nó.
Cái cảnh lọt thỏm vào một nơi không thuộc về mình, chân tay thừa thãi và bị sáu con mắt dò xét khiến nó bứt rứt khó chịu.
May mà sau đó lũ con trai theo người đàn ông chở thịt ra chợ. Mẹ nó dặn ở yên tại nhà, rồi cũng tất tưởi chạy đi đâu đó. Chỉ còn mình nó giữa căn nhà lợn cợn mùi máu lợn tanh tưởi xen với mùi phân hoi nồng từ phía sau nhà bốc lên.
Bữa cơm tối diễn ra vào khoảng 9 giờ tối. Đợi đến lúc được ăn thì bụng nó đã đói nẫu ra rồi. Chẳng ai bận tâm. Hùng hục ăn. Giữa bữa thì mẹ nó mới à lên, chỉ ba thằng con trai :
- Đây nà thằng Toàn - anh con, còn đây nà Hùng, Minh - em con. Anh em chúng mày còn chưa chào nhau nhỉ. Còn đây nà dượng Hiệp.
Người đàn ông - bây giờ thì nó biết là dượng Hiệp - cười khục khục:
- Con mẹ mày giỏi. Bốn thằng con trai của ba thằng bố. Đẻ đéo gì mà lắm thế.
Nó nuốt cơm giữa ánh lườm nguýt và tiếng chửi rủa của mẹ và bố dượng. Nó thấy oải. Chỉ muốn nằm ngủ. Và quên đi thực tại này…
Nhưng lúc leo lên giường thì lại không tài nào nhắm mắt được. Nó với ba thằng kia “hạ trại” trên mấy tấm ván ghép hôi sì mùi máu lợn và mồ hôi người. Cái thằng tên là Minh vỗ vỗ túi quần nó, hỏi sỗ sàng:
- Ông biến bao năm thế, có mang được đồng nào về không?
Nó chột dạ nhớ đến túi tiền vẫn còn nhét sâu trong đáy ba lô. Cũng may cả ba thằng chẳng đợi nó trả lời , đã ngáy vang như sấm.

Một tuần lễ liền, hễ cứ nhắm mắt vào, nó lại mơ thấy mình là lợn. Dượng Hiệp cầm dao đuổi nó quanh nhà. Ba thằng con trai lộc ngộc hò reo phía sau. Mẹ nó dứ ngón tay đầy máu, ấn vào giữa trán nó để đánh dấu.
Không muốn thành lợn, nó bỏ về chợ huyện. Lang thang, trộm cắp, móc túi của mấy bà đi chợ để sống qua ngày.
Nó hận.
Nó không thiết sống nữa. Kiếm được bao nhiêu tiền, nó chỉ mua rượu. Rượu làm cho nó quên. Đừng ai bắt nó phải nhớ làm gì.
Nó hận…

Hàng xóm dong bà đi dọc chợ. Tìm đã ba ngày trời. Hàng xóm oải lắm rồi. Cái thằng giời đánh, đã bỏ đi rồi còn làm khổ người khác thế này.
Không, bà không phải là người khác. Bà là mẹ nó. Bà phải tìm nó về bằng được…

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast