Một trường thiên thi phẩm lạ

“Cụ ơi thiên địa dở dang

Tài hoa bạc mệnh sầu mang riêng mình.

Quê hương trầm đoạn điêu linh

Cơ trời dâu bể, phận mình quản đâu.”

Hình như lâu lắm rồi mới lại có một tiếng khóc cho thi nhân đại tài hoa của dân tộc. Không những thế còn là tiếng khóc xé lòng, “trời thảm đất sầu” kéo dài gần 400 câu trong một trường thiên thi phẩm có cái tên giản dị: “Viếng mộ cụ Nguyễn Du” do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành vào tháng 8-2009.

Tên gọi thì giản dị, nhưng cách tiếp cận thì mới lạ và độc đáo. Tác giả như đã “nhập hồn” mà khóc mà than:

“Rằng thân gửi phận Thuý Kiều.

Một trường thiên thi phẩm lạ ảnh 1Dầu lòng trắc ẩn, còn điều về sau.

Chúng sinh lắm nỗi khổ đau.

Dưới ba tấc đất biết nhau đã nhiều.”

Không chỉ khóc cho Nguyễn Du “ tài hoa bạc mệnh”, như còn là tiếng khóc cho nhân thế một thời, khóc cho non sông một thuở. Thời đại Nguyễn Du với một thời thế trầm đoạn, cơ trời dâu bể, thiên địa dở dang; với những thằng bán tơ, những ông quan “ có ba trăm lạng việc này mới xong” đã ám ảnh hồn thơ của Minh Tâm (bút danh của tác giả). Tác giả khóc một cách ai oán, bi phẫn:

“Quan trường vinh nhục khắc treo

Bán mua quyền trượng chợ đầu nhân gian

Không tham sao gọi là quan

Không gian quan biết làm quan thế nào.

...

Dân cần quan lại chửa cần

Quan cần dân bại muôn phần cực thay”

Khi thì “ứng tâm”nói lời của vong, linh, lúc thì xa xót, đớn đau nói lời dương thế, lúc thì “bình bồng” đánh đường đến chốn “ngoạ quỷ”. Là lạ mà như muốn kéo lôi, cho dù không dễ dàng hiểu ngay ra được:

“Bình bồng mây nở hương sen

.....

Sáng đêm một tiết, thiện dương tịnh đà

....

Đầu đen ngoạ quỷ kinh sao

Dám đâu hoả ngục thần chào thiên xa

Màng màng chẳng biết lối ra

“Cụ Ơi lạnh hết” ngộ là chiêm bao”

Cũng có lúc tác giả chìm trong mê dắm với non mờ, nước quạnh thời thiên địa dở dang núi Hồng, sông La buồn đau tiếc nuối khi thiên tài ra đi.

“ Linh Hồng song cửu phù vân

Trời sầu đất thảm mưa lần dặm thương

Sông La ngậm gió mười phương

Trắng giăng một dải, gieo sương ngấn bờ”

Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là những trích đoạn theo cái lối tầm chương thực ra chiều sâu tác phẩm còn ẩn trong dòng thi hứng kéo dài, bám sát mảnh đất nơi thiên tài sinh ra, rồi cuộc đời và tâm trạng của Nguyễn Du suốt 30 năm làm quan, lưu lạc, lánh ẩn, đớn đau theo thế cuộc và “ra đi” cũng như kiếp lênh đênh nổi chìm của Truyện Kiều và thân phận Thuý Kiều một thuở.

Về Hà Tĩnh, về Nghi Xuân hình như chưa bao gìơ có những dòng thơ đầy chất “phong thuỷ” như thế này:

“Khuôn may Hà Tĩnh dưỡng phần

Âm dương đại địa, kiết quần hội long

...

Sông La thắm dạ sáng ngần

Đỉnh Hồng lĩnh ấn mấy tầng thi phong

...

Thiên chiêu địa miếu thánh phồn

Tứ linh đắc phát, tử tôn tráng thời.”

Về thời đại Nguyễn Du tác giả hạ bút:

“Quê hương đâu nước non nhà

Nhồi da, nấu thịt rã đà trăm năm

Muôn dân ruột trút thân tằm

Xương phơi trắng lối như vằm như vê”

Và đó là:

“ Bắc cao chiến loạn Mạc- Lê

Khúc trung Trịnh - Nguyễn tử thề phân tranh”

Về tâm trạng Nguyễn Du lúc nhà Lê không còn:

“ Ngẩn ngơ đêm ngắn tình dài

Bỗng không chốc để rầu phai gót đầu

...

Tiếc thay ăn vận đèo bòng

Thế vay chấp sự, đeo vòng vô vi”

Khi lánh nạn và ở ẩn:

“ Ngất ng ư, hư thật, dật dờ

Ngẫm trong vạn kiếp mịt mờ là đâu

....

Đứng trong trời đất suy vi

Khất danh lại chẵng gia vì được sao”

Và rồi khi bậc trung thần nhà Lê trao thân gửi phận cho nhà Nguyễn bẽ bàng, chua đắng cười ra nước mắt:

“Mặt mà bớt bát thì thôi

Quan đôi chú tễu, nhọ nồi khéo bôi

Phủ ngôi lận kiếp chiêu hồi

Then kia dẫu ngõ, lòng thời mỏnh manh”

Và những nỗi tiếc nuối nhà Lê đến mức như “tụ trong chín suối khối hồng chữa tan”:

“Đêm sâu lặng đứng văn lâu

Trông về Đỉnh bắc mà lòng xót xa”

Lắm lúc cứ ngỡ như có một cuộc hoá thân nào đấy đã xảy ra. Cho đến các trường đoạn nói về thân phận Truyện kiều và thân phận thuý Kiều ở ngoài đời có vẻ như tác giả cũng đọc được những nổi chìm đớn đau ấy. Cái thời khen chê lắm nỗi nực cười:

“Đã cho tuyệt phẩm thiên tầm

Lại nghe “ quốc tuý, quốc hồn, quốc hoa...”

Trời ghen nổi trận phong ba

Dập thông, vùi liễu đã già đòi phen”

Còn thân phận nàng Kiều qua 15 năm chìm nổi trong tác phẩm và dưới sự phán quyết của Ngô đức Kế và Huỳnh thúc Kháng:

“Trong trang giấy, giữa đời vần

Chết đi sống lại bao lần Kiều nhi”

Không soi mỗi đoạn, mỗi câu của tác phẩm vào miền quê mà nó sinh ra, mảnh đất mà ngôi mộ ấy được sắp đặt cuối cùng, nhất là cuộc đời của Nguyễn Du, cuộc đời của “Đoạn trường tân thanh” từ khi lọt lòng qua cơn thịnh nộ của Tự Đức đòi đánh đòn; đến kỳ chà xát của thế nhân về phẩm hạnh Thuý Kiều hay cuộc tranh cãi “ Truyện Kiều còn nước ta còn...” cho đến bây giờ thì không biết được cái ý, thấy được cái tình, thấm được cái hay của những câu thơ nhiều khi khoác chiếc áo ngôn từ, ngữ nghĩa như của hai ba thế kỷ trước và nhất là nhiều khi mang cái âm hưởng, hương vị của thiền của phong thuỷ của tâm linh; không biết luân xa, khó hiểu lục đạo; không có tâm thức cơ trời, sinh từ tử chấp khó thăm “ viếng” được trường thiên thi phẩm này.

Lựa chọn chiếc áo ngôn từ đầy chất thiền, phong thuỷ, tâm linh và cũ xưa như thời của Nguyễn, lựa chọn con đường “ứng tâm” để khởi phát lên một trường thiên như thế có thể là tạng, mệnh của Minh Tâm. Sự chọn lựa ấy là một bãn lĩnh, một thách đố. Vì lạ, dày, sâu, cao cũng có nghĩa chưa dễ khơi thông ngay được dòng tiếp nhận cho số đông, cũng có nghĩa chưa dễ giúp người “ chứng ngộ” ngay được cái còn nằm sâu trong tác phẩm của Bùi Mạnh Hảo (tên thật của tác gỉat). Không tra cứu, hiểu điển tích và ngôn từ thì khó lòng hiểu được “ Viếng mộ cụ Nguyễn Du” . Ở cái thiên niên kỷ thứ ba này bắt độc giả chấp nhận một hành trình “đau đầu” như thế đã là gan trời chí đất, nếu không phải là chuyện dị thường thì là “ vuông tròn nẩy đấng chăng”. Kết lại những dòng cảm nhận này chỉ có thể khẳng đinh được một điều rằng: Hình như câu hỏi niềm đau “ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của gần 300 năm trước lần đầu tiên được giải bằng chính một trường thiên thi phẩm đạt độ trời thảm đất sầu. Cảm ơn nhà xuất bản thanh niên, cảm ơn Bùi Mạnh Hảo cho tôi cơ hội được nghe 372 tiếng kêu thương đau đớn, xót xa, không cùng, không tận về cuộc đời, về thế cuộc, về núi Hồng, sông La, về những năm tháng mà thiên tài Nguyễn Du đã phải sống với những nỗi đau đời, đau người, đau thân phận mình đến độ không thể sống được nữa. 372 tiếng khóc hình như được cất lên từ dưới ba tấc đất, vọng về từ cao xanh, buốt lạnh gió nước, quyện hoà khói hương giữa cõi vô thường và nhân thế, lạ lùng thay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast