Người “thắp lửa” sông Nghèn

(Baohatinh.vn) - Con sông Nghèn không rộng, không dài. Dòng nước bắt đầu từ sông Mênh (sông Minh) chảy qua huyện Can Lộc, ra cửa Sót nhập vào lòng biển. Cảm giác như là sông Nghèn sinh ra để điểm trang cho một vùng đất cằn khô hơn là điều tiết nắng mưa, bồi đắp phù sa cho hai bên bờ bãi dãi dầu.

Sông về đến cầu Nghèn, qua quốc lộ 1 đã là đoạn cuối, mà lòng nước nhìn chỉ rộng hơn con kênh đào nhà Lê, ngoài đất Nghệ. Mùa cạn, từng đám lục bình tím ngát giăng mắc đôi bờ như thể nước sông không còn chảy nữa. Hàng ngày, xe cộ lướt qua cầu Nghèn nườm nượp, ra Bắc, vào Nam nhưng chắc mấy ai để ý đến tên sông!

Nhà văn Trần Đắc Túc
Nhà văn Trần Đắc Túc

Khi đọc tập ký - tản văn Có một đời sông thắp lửa (NXB Hội nhà văn 2015) của nhà văn Trần Đắc Túc, tôi bỗng gặp con sông Nghèn chảy qua những trang văn của anh sao mà dào dạt, thao thiết với những xoáy cuộn thương đau, những lở bồi vùi lấp chẳng thua kém con sông nào khác… Nhiều khúc bi hùng đã in đậm vào lịch sử núi sông. Có thể nói, ngòi bút anh Trần Đắc Túc đã thắp lên ngọn lửa cho sông Nghèn bừng sáng những nụ cười niềm vui và cả những nỗi đau lặng thầm chìm nơi đáy nước, để thấy giá trị mỗi ngày ta đang sống và cả hướng đi cho hạnh phúc mai ngày…

Nhớ về miền Trung, vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh, người ta thường nhắc tới núi Hồng, sông Lam như một cặp tình nhân tài sắc. Với anh Trần Đắc Túc: “Người Can Lộc có nỗi nhớ riêng của những người được sinh ra, lớn lên dưới chân núi Hồng, uống nước từ ruột núi Hồng (hòa với mạch sông Nghèn - CVL) thành thân phận, thành nhân cách, thành tài năng để có thể tự hào một miền quê không lẫn với địa phương nào!”

Đọc kỹ từng trang sách, ta càng cảm mến cây bút Trần Đắc Túc, người con của đất Can Lộc. Phải yêu quê mình bao nhiêu mới làm cho người đọc xúc động cùng anh. Không chỉ ở những trang dễ gây xúc động bởi lòng quả cảm, đức hy sinh xương máu, những con người lấy chính cuộc đời mình dựng lên tượng đài bất tử Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931 ở Ngã ba Nghèn. Tượng đài - Khu mộ 10 cô gái TNXP hy sinh anh dũng thời chống Mỹ Ngã ba Đồng Lộc giờ vẫn rưng rưng hương khói chưa nguôi… Từ những ngã ba thực, nơi những con đường giao cắt, ngòi bút anh biết lay động tâm hồn người đọc: Lịch sử khéo chọn những ngã ba không chỉ để thử thách mà như thể khẳng định lòng người kiên trung cho tự do độc lập. Đứng ở ngã ba mà không bâng khuâng chọn lựa… Ba ngả đường rộng mở, lối nào cũng sẽ đến tương lai!

Người “thắp lửa” sông Nghèn ảnh 2
Chạng vạng sông Ngàn. Ảnh: CAND

Nhờ có góc nhìn đời tha thiết, phong phú, sâu sắc như vậy, dù dùng thể ký hay tản văn, viết về quá khứ hay hiện tại, viết về anh hùng vĩ nhân tên tuổi đã lưu với sử sách hay những cuộc đời vô danh, khuất lấp… ở đâu cũng chan chứa tình người, nỗi đời. Từ một người bị “cơn giông” cải cách ruộng đất quét qua, lên núi Hồng cuốc thứ đất cứng gần như đá để trồng gieo hy vọng, tưởng chừng sẽ rất cô đơn, ai biết đâu mỗi lúc chui ra khỏi chiếc lều ở tạm, ông đã có núi Hồng làm bạn. Hình ảnh những bà mẹ làng quê, đọc xong ta không khỏi rân rân nước mắt. Ai sinh con dưỡng dục, chẳng mong con ra thi thố với đời, chỉ đến khi nằm xuống mới mong con về quạt cho mẹ vài hôm, mẹ đã trừ cho cái công sinh thành mang nặng đẻ đau…

Còn bao điều không thể nói trong một bài viết ngắn, không thể trích thêm được những câu văn thủ thỉ về đời, về người đâu chỉ riêng nơi mảnh đất Can Lộc đổi thay. Nhưng đất Can Lộc may thay có người con đã thắp lại được những buồn vui, để thời gian không dễ lấp vùi, phai nhạt… Tôi bỗng nhớ lại cái tin truyền hình, về cái nắng nóng dữ dội vừa xẩy ra trên cả nước. Với đất miền Trung, đất Can Lộc thì khắc nghiệt hơn, để ra đồng cày cuốc, nông dân ở đây phải dùng lại “áo tơi, nón lá” - thứ áo mà lâu nay chỉ còn trong kỷ niệm!

Tôi lại nghĩ đến con sông Nghèn trong tập sách của Trần Đắc Túc, từng khúc, từng khúc qua rú, qua truông như thể nghẽn dòng, sao mà giống những bà mẹ áo tơi nón lá, mồ hôi nhỏ xuống nuôi lớn từng hạt gạo, củ khoai. Sông Nghèn đã sinh ra hai nhà thơ lớn bậc nhất thế kỷ XX (Huy Cận ở Ân Phú, đầu sông; Xuân Diệu ở Trảo Nha, ngã ba Nghèn, gần cuối sông). Hai nhà thơ đã trở thành viện sĩ những viện hàn lâm thế giới… Xuân Diệu đã được dựng nhà lưu niệm ngay xóm nhỏ quê ông để hồn thơ ông luôn quấn quýt với tình quê, người quê - nơi đã nuôi ông thành người bay lên cùng ước mơ nhân loại.

Tháng 10/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast