Nói với con

Sinh ra ở mảnh đất huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), Y Phương là nhà thơ tiêu biểu cho các dân tộc miền núi. Người ta ví thơ ông như bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc mà trong đó bản sắc dân tộc vẫn là tông màu chủ đạo. Với thi phẩm Nói với con, Y Phương đã thổi vào làng thơ Việt Nam một ngọn gió riêng - đậm đà bản sắc dân tộc Tày.

Nói với con

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung

nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao

quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

(Y Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985)

Nhà thơ Y Phương
Nhà thơ Y Phương

Một khung cảnh gia đình yên ấm và đứa trẻ đang chập chững bước đi, hình ảnh hiện lên trong tâm trí người đọc ngay khi “chạm” vào dòng thơ đầu tiên. Nhà thơ khéo léo đưa số đếm vào thơ: “Một bước…, Hai bước…”. Đến đây, con số khô khan bước vào trang thơ Y Phương được “phù phép” hóa thành ánh nhìn chăm chú của cha mẹ, trông chờ, mong mỏi để đếm từng bước đi của đứa con thơ. Bằng lối tư duy mang hơi hướng thơ tượng trưng, Y Phương mang đến tứ thơ được lạ hóa: “Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”. Tiếng nói, tiếng cười vốn là vật vô hình, nay trở thành hữu hình, là nơi để bước chân đầu tiên đi tới. Nếu tiếng nói biểu thị cho sự lớn lên thì tiếng cười là thanh âm của niềm vui. Bước đi đầu tiên của con là những bước đi trong ánh mắt đầy tình yêu của cha mẹ, là dần lớn khôn, là nhận được niềm vui, hạnh phúc từ chính mái ấm của mình.

“Người đồng mình yêu lắm con ơi”. Lời thơ bỗng kéo dài ra như đánh dấu sự chuyển mạch cảm xúc. Chữ “ơi” đặt cuối câu tạo nên âm hưởng ngân nga đầy thiết tha, trìu mến. Bắt đầu từ đây, Y Phương dùng thơ để phác họa chân dung của “người đồng mình”. Cách gọi “người đồng mình” ít bắt gặp nhưng thực chất dùng để chỉ những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng dân tộc. Hình ảnh con người quê hương hiện lên qua: “Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”. Y Phương từng chia sẻ về chính hình ảnh thơ ông viết trong bài: “Một điều nữa “vách nhà ken câu hát” là yếu tố văn hóa phi vật thể. Người con trai ngồi ngoài vách. Người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe. Hát tràn đêm đến sáng bạch. Bởi thế, bức vách ở đây không chỉ là một bức vách cụ thể bằng đất, bằng đá nữa. Nó đã trở thành một chủ thể văn hóa”. Động từ “đan”, “ken” dùng liên tiếp làm nổi bật lên tính chất xoắn xuýt, bện chặt giữa lao động và nghệ thuật. Đôi bàn tay tài hoa trong lao động kiếm sống và tiếng hát “ken” vách nhà. Bóc tách lớp vỏ ngôn từ ban đầu là cả một không gian văn hóa vùng cao được nhà thơ tái hiện.

Mảnh đất quê hương cũng được Y Phương “múa bút” qua 2 câu thơ đầy hình ảnh: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”. Hai từ “cho” xuất hiện liên tiếp ở 2 câu thơ nối nhau thay cho lời nói về thiên nhiên thơ mộng, hào phóng, ban tặng cho con người “hoa” và “những tấm lòng”, để gắn kết người với người. Người đồng mình tài hoa trong lao động, bay bổng trong câu hát và sống hòa mình vào thiên nhiên, tự do giữa núi rừng. Và nỗi nhớ được gửi vào ngày đẹp nhất - “ngày cưới”. Câu thơ ý nối ý để khơi dậy ở đứa trẻ những giá trị truyền thống của cội nguồn, vun đắp tình cảm gia đình, tình quê hương.

Người đồng mình thương lắm con ơi, Y Phương “nói với con” về những truyền thống đáng thương, đáng quý trọng của “người đồng mình”. Vẫn là những câu thơ giàu hình ảnh đặt trong tư duy của con người miền núi: giản dị, gần gũi nhưng cũng đầy những tầng nghĩa đáng suy ngẫm. “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”. Vậy đó, người đồng mình cặm cụi, nhọc nhằn kiến tạo quê hương trên đá. 3 chữ “tự đục đá” - 3 âm trắc nối liền nhau và tự bản thân âm điệu câu thơ góp phần xây nên cái gập ghềnh, trúc trắc, nặng nhọc ở vùng cao. Con người xoay vần với tạo hóa để tạo nên cuộc sống, để “kê cao quê hương”.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Chính quá trình xây đắp đó đã lắng lại thành những nếp sống, phong tục cần giữ gìn, tiếp nối. “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn… không chê đá gập ghềnh… không chê thung nghèo đói…”, 3 chữ “dẫu làm sao” đặt đầu câu thơ làm nhịp thơ phút chốc trầm xuống, bởi ở đó lòng người cha đầy những dự cảm, đau đáu lo âu về cái thời kỳ mà văn hóa đang dần bị mai một. “Cha vẫn muốn…” nối tiếp dự cảm là khao khát, da diết của cha, là bài học, lời nhắc nhở về nguồn cội, lòng tự hào về quê hương.

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”

Bài thơ được sáng tác năm 1980. Y Phương quan niệm rằng: “Muốn sống như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa”. Bởi thế nên nhan đề “Nói với con” nhưng bài thơ không chỉ là tiếng lòng của người cha tâm tình với con thơ mà còn là “tự nhà thơ nói với chính mình” và với xã hội về vấn đề bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc. Lời thơ khi nhẹ nhàng tâm tình, khi trầm tư sâu lắng, hình ảnh thơ được vẽ nên bằng lối cảm, lối nghĩ của người miền núi, một tính cách Tày, một hồn cốt Tày, tất cả cộng hưởng tạo ra không gian thơ độc đáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast