Nước Nga, người Nga tôi yêu

Nước Nga, Liên Xô, quê hương Cách mạng Tháng Mười đã và luôn thân thiết với mọi người Việt Nam. Và có lẽ không ai không muốn được một lần đặt chân lên Quảng Trường Đỏ, được đi dạo trên đại lộ Nép-xki in bóng danh nhân, ngồi bên Ôn-ga mắt biếc trong đêm trắng Nhê-va …

Mùa thu ở Matxcova. Ảnh: Trần Thảo Hiền

Tôi đã được một lần như thế cùng nhà văn Thúy Toàn trong Đoàn Nhà văn Việt Nam đầu tiên sang thăm chính thức Hội Nhà văn Nga kể từ năm 1991.

Trên chuyến bay dài bảy nghìn cây số từ Hà Nội sang Mát-xcơ-va bằng chiếc Bô-ing 747-200 của cơ trưởng Đinh Đức Tuấn, không lúc nào tôi chợp mắt. Phong cảnh Nga từ trong tiểu thuyết cứ như những đoạn phim quay chậm hiện lên một cách mơ màng mà rõ rệt, này đây những cây phong non trùm khăn đỏ, những cây sồi già đơm chi chít ánh sao, này đây là cảnh huy hoàng tráng lệ của mùa thu vàng thắm đất trời …

“Đã đến nước Nga “ ! Anh Thúy Toàn reo lên. Trên bản đồ bay, hiện lên những chỉ số : độ cao mười nghìn mét, tốc độ 900km/h và nhiệt độ ngoài trời là âm 56 độ C. Mắt tôi không rời khỏi ô cửa kính tròn. Sự mênh mông của nước Nga khiến tôi chợt thốt : Trên là trời, dưới là nước Nga !

Máy bay hạ cánh tại sân bay Đô-ma-đe-đơ-vơ lúc 17 giờ 15 phút giờ Mát-xcơ-va, tức 20h15 giờ Hà Nội.

Nước Nga mà tôi được thấy bằng mắt thường còn đẹp và hấp dẫn hơn cả tranh Lê-vin-tan và các trang tiểu thuyết. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là những người Nga có tình cảm thẳm sâu và tâm hồn trong mơ…

Nhà văn Nga mà chúng tôi gặp đầu tiên là A-lếch Mi-trô-pha-nô-vích Ba-vư-kin, Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga. Cùng đi có Nguyễn Thị Kim Hiền, người đã dịch Trở về Ê-đen. A-lếch Ba-vư-kin đón chúng tôi bằng chiếc xe riêng bảy chỗ mà ông vừa mới mua được. Trên chiếc xe này và trong sự hào hứng, nhiệt tình không kể xiết, Ba-vư-kin sẽ đưa chúng tôi đến những nơi có dấu ấn nhất của nước Nga.

Trong khuôn viên Đại học viết văn Gorky
Trong khuôn viên Đại học viết văn Gorky

Ông không đưa chúng tôi thẳng về Hội Nhà văn Nga mà đưa về nhà khách của Đại học Tổng hợp. Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va là niềm tự hào của nền giáo dục đại học Nga Xô-viết, cũng là sự thân thiết, niềm tự hào của những lưu học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Ý của Ba-vư-kin có lẽ là cho chúng tôi làm người của trường này mấy bữa. Nhà khách Trường Tổng hợp ở đường Mít-su-rin, trên một ngọn đồi nhỏ, đồi Lê-nin, trước gọi là đồi Chim sẻ. Xưa là lăng Vô-rô-bi-ốp, vào thế kỷ 19, nhà văn Ghéc-xen và Ô-da-rốp từng gặp nhau, cùng thề hiến thân cho sự nghiệp giải phóng nông nô. Ở đây có những cây ca-sơ-tan trổ hoa như những ngọn nến thắp mãi khát vọng con người.

Gặp gỡ các nhà văn TP Novgorod

Điểm đến thứ hai của chúng tôi là Bảo tàng trung tâm trung ương, tức Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc, một bảo tàng về chiến tranh lớn nhất thế giới, rộng 135 ha, có quyết định xây dựng từ năm 1958, năm 1995 mới hoàn thành. Đài tưởng niệm cao 141,8m thể hiện cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong 1418 ngày. Bảo tàng có những gian chính tai hiện lại các cuộc chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va, Xta-lin-grát, Lê-nin-grát, Cuốc-xcơ, cuộc vượt sông Đơ-nhi-ép, gian Tướng lĩnh, gian Chiến thắng …

Trong cuộc vây hãm Lê-nin-grát (Xanh Pê-téc-bua), mỗi suất ăn chỉ được 125 gam/ngày; 700 nghìn người đã chết đói nhưng thành phố vẫn sống, vẫn làm việc dưới bầu trời bị dội bom 12 lần một ngày. Tang tóc vô hạn và phẩm chất anh hùng của người dân Xô-viết cũng là vô hạn … Trong phòng Tưởng niệm có tượng Bà mẹ khóc con hy sinh. Từ trên trần, rủ xuống hàng vạn viên đá qúy tượng trưng cho những giọt lệ. Đã có 56 vị thủ tướng các nước đến đây đặt vòng hoa tưởng niệm. Không ai có thể quên được tội ác của phát-xít, không ai quên được sự hy sinh to lớn của nhân dân Liên Xô vì hoà bình. Từ năm 1941-1945, Liên Xô đã hy sinh 27 triệu người – 18 triệu dân thường, chín triệu chiến sĩ Hồng quân.

Tác giả bên chiến hạm Rạng Đông

Tác giả bên chiến hạm Rạng Đông

Người giới thiệu cho đoàn chúng tôi là một người phụ nữ nghiêm nghị, hiểu biết rộng. Bà là cử nhân lịch sử tốt nghiệp từ Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va. Bà cho biết, trong chiến tranh, đã có 11799 người được tuyên dương Anh hùng, trong đó có hai người ba lần Anh hùng Liên Xô. Tu-la, thành phố duy nhất không bị quân phát-xít chiếm đóng. Tu-la, nơi rèn kiếm nổi tiếng, đã đúc một thanh gươm cực lớn đặt tại bảo tàng, trên đó có khắc dòng chữ như một lời thề : “Kẻ nào mang gươm đến đánh đất nước ta, kẻ đó sẽ chết vì gươm”.

Ê-li-da-bét vừa sinh được hai tháng thì chiến tranh nổ ra. Chồng bà sau này, lúc đó 12 tuổi, hai lần bị bắt vào trại tập trung. Cả cha bà và cha chồng đều hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

“Tôi biết Việt Nam, Ê-li-da-bét nói. Không ai không biết cuộc chiến đấu anh hùng như thế cũng như cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng tôi. Tôi sống, làm việc để muốn nói với thế hệ tương lai rằng, các thế hệ cha anh đã chiến đấu cho Tổ quốc như thế nào, để nói với thế giới rằng, chiến tranh là như thế nào” …

Không chỉ Ê-li-da-bét. Nhà văn Ba-la-xốp ở Nốp-gô-rốt, vào năm 1962, khi 12 tuổi, bắt đầu có tác phẩm là bài thơ viết về Việt Nam :

Chiến tranh ở Việt Nam

Đại bác bắn

Đánh nhau với quân thù

Những trung đội yêu nước

Sẽ đánh không thương tiếc

Việt Nam không khuất phục

Tổ quốc, tự do hay là chết !

Nốp-gô-rốt là một thành phố cổ, thành lập năm 859, mà Ba-vư-kin cũng muốn chúng tôi đến bằng được sau khi đã đến Xanh Pê-téc-bua, dự đêm trắng, thăm Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè, Bảo tàng Pu-skin, Chiến hạm Rạng Đông … Nốp-gô-rốt có những sản phẩm đặc trưng Nga làm bằng vỏ cây bạch dương như túi, ví, dép rất bền và đẹp.

Ở ki-lô-mét 386 đường ô-tô Mát-xcơ-va – Xanh Pê-téc-bua là Van-đai. Van-đai có nghĩa là “Nước sạch”, đây là nơi khởi nguồn của sông Vôn-ga và nhiều con sông khác. Trên diện tích 158 nghìn ha, Van-đai chứa 70 hồ, 20 con sông, 500 di tích, danh thắng. Ngoài dầu khí, tài nguyên nước ở Van-đai là tiềm lực, là thế mạnh kinh tế của Nga trong tương lai.

Cái tên Van-đai được nhắc đến trong sách đầu tiên vào năm 1495. Đây là nơi nghỉ mát lý tưởng giữa vùng sông hồ, rừng núi bát ngát, thoạt đầu là làng vương gia, thuộc quản lý của triều đình. Năm 1654 nhà vua A-lếch-xây Mi-khai-lô-vích đổi tên là Bô-gô-rô-đít-xin-nơ (nơi Chúa sinh) và giao làng này cho Tu viện nam I-véc-xki quản lý. Năm 1770, Ê-ca-tê-ri-na đệ nhị ra chiếu chỉ thành lập thành phố Van-đai. từ đây bắt đầu giai đoạn phát triển phồn thịnh với du lịch và các nghề thủ công như thuộc da, đánh móng ngựa, đúc chuông …

Người Nga học kỹ thuật đúc chuông của người phương Tây và quả chuông đầu tiên được đúc là ở Van-đai vào năm 1536. Chuông và bánh vòng là hai đặc sản nổi tiếng. Tại Bảo tàng chuông có trưng bày hầu hết các kiểu chuông trên thế giới. Những câu đề từ trên chuông tôi được thấy là “Ai mua chuông sẽ được hạnh phúc”, “Tôi yêu ai sẽ tặng người đó”. Van-đai có phong tục chú rể tự đúc chuông cho ngày cưới …

Thiên nhiên Nga. Ảnh: Trần Thảo Hiền

Ba-vư-kin có nhà nghỉ ở đây. Từ sáng sớm, ông đã thức tôi dậy đi lấy củi đốt lò sưởi, sau đó vào rừng đi hái nấm li-xa (nấm lông cáo), một loại nấm vàng tuyệt hảo, trưa tự tay xào nấu, cùng với mấy con cá rán câu được đêm qua. Chúng tôi được sống như những người Nga thực thụ. Chiều tối, Ba-vư-kin rủ thêm mấy người bạn nữa đến tắm hơi, như người Khu bốn gọi nhau đến uống nước chè. Đây là lúc uống bia và vốt-ka, những đàn ông Nga và chai lớn. Xông hơi nóng sực, đập người bằng lá bạch dương rồi lại nhảy ùm xuống hồ lạnh buốt, y như người ta tôi thép … Ba-vư-kin rất thích cuộc sống dân dã như vậy. Ông kể rằng, làm việc ở Hội Nhà văn Nga chỉ vì sự nghiệp chung, chỉ nhận “lương” mỗi năm một nghìn rúp tượng trưng (ở Nga hiện nay lương giáo sư 12 nghìn rúp, lương người lái xe điện ngầm 50 nghìn rúp/tháng).

Khắp mọi nẻo đường, chúng tôi thấy tượng Lê-nin, quốc huy và biểu trưng xô-viết vẫn còn nguyên chỗ cũ, vẫn thấy tính cách Nga, tính cách xô-viết hiển hiện trong mỗi con người. Có một nước Nga sôi động trong cơ chế thị trường, có những tỷ phú mới nổi, thì vẫn có một nước Nga mênh mông nhân hậu và thăm thẳm những tầng sâu văn hoá.

Nếu như vẻ đẹp và sự cao qúy của một dân tộc thường được biểu hiện rõ rét bởi mặt phụ nữ, thì có lẽ tôi đã gặp được những người ấy. Đó là Ta-chi-a-na ở Bảo tàng Ê-mi-ta-giơ mới 23 tuổi, đẹp như tranh và thuộc lòng lịch sử các bức danh họa, các hiện vật, nhưng khi hỏi tên của một kẻ đã tạt a-xít làm hỏng bức tranh của Lê-ô-na Đờ Vanh-xi, thì cô bảo : “Đó là cái tên không đáng nhớ”. An-na Sa-li-a-nhi-a, tốt nghiệp nhạc viện, về làm nhân viên bảo tàng chuông Van-đai, chịu hưởng mức lương thấp hơn cô có thể có để tiếng chuông Van-đai ngày ngày ngân lên niềm kiêu hãnh về con người, đất nước và văn hoá Nga. Không ai nghe những dàn chuông thánh thót ấy mà không rung lên một điều gì; không ai nhìn bay tay nghệ sĩ tài hoa và gương mặt thánh thiện ấy mà không khao khát một điều gì …

Nhà giáo Xô-phi-a Co-rơ-tri-cô-va là cô giáo tiếng Nga của anh Thúy Toàn và lớp lưu học sinh sang Liên Xô năm 1954, hiện hơn 80 tuổi vẫn là Chủ nhiệm khoa ngôn ngữ của đại học cầu đường, năm 2008 còn viết sách tuyển chọn những bài thơ Nga hay nhất dạy cho sinh viên nước ngoài. Bà ở trong một căn hộ nhỏ, phòng 125, tầng 5, dẫy 75 phố Công Đoàn. Bà xuất thân qúy tộc, trên tường còn treo bức tranh khổ lớn “Cuộc săn gấu” của một học trò họa sĩ Hà Lan Xnai-đơ thế kỷ 17. Trong nơi ở của bà, có dành riêng một góc Việt Nam, nơi có những bức tranh Đông Hồ, những bức tranh các học trò tặng bà như Tô Liên, Hoàng Quân Ngọc. Đặc biệt ấn tượng là đôi dép cao-su mua ở Củ-chi. Bà nói : “Đôi dép này sẽ kể về một dân tộc rất yêu cuộc sống, kiên cường chiến đấu bảo vệ cuộc sống và luôn luôn đi tới”.

Bà nói nhiều về sự chênh lệch giàu nghèo ở Nga, về sự thiếu đồng đều một cách đáng lo ngại giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là sự sao nhãng về mặt văn hoá trong tham vọng phát triển kinh tế … “Tôi có dành được một ít tiền, bà nói, tôi muốn dùng số tiền này sang Việt Nam để đọc bài giảng cho học sinh, sinh viên; để góp phần hàn gắn và phát triển quan hệ Nga - Việt. Dân tộc chúng ta đều là những dân tộc vĩ đại, có truyền thống thơ ca, truyền thống nhân văn cao cả, từng là chỗ dựa tinh thần của cả thế giới …

Nước Nga là như vậy. Người Nga mà tôi yêu là như vậy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast