Sa mạc

Bạn của tôi, bạn đã từng nghe gió hát chưa? Bài hát của của những người lui vào thiên cổ, bài hát của cõi mênh mang vô tận, bài hát buồn thương của cõi người. Nếu chưa từng nghe, xin hãy về dải đất miền Trung, nơi mà bể cát trải dài ngút ngàn...

I. Cát bỏng rẫy, trắng đến nhức mắt, cồn cát nhấp nhô, gió khô tạt nghiêng tạo lần sóng cả. Bước đi trên sa mạc có một nhà sư, một học trò vào kinh ứng thí và một tên trộm. Họ đồng hành cùng nhau, chẳng màng kẻ còn lại là ai, chỉ đủ biết rằng mình không cô độc.

Mặt trời xói trên đỉnh đầu, dường muốn vắt kiệt nước trong cơ thể. Bãi cát thì vô bờ bến, tạo ra muôn vàn ảo cảnh, nó có thể là ốc đảo xanh mướt với nước trong ngọt lành, có thể là kinh đô rực rỡ phồn hoa, có thể là bữa ăn đầy sơn hào hải vị, có thể là bạc vàng ngồn ngộn đầy kho. Tất cả khiến người ta loá mắt, nhưng chạm vào thì chỉ thấy cát lọt qua kẽ tay và trôi mãi... Trôi mãi...

Này sa mạc mênh mang,
Này cuộc đời đằng đẵng
Ta là ai giữa cõi,
Ôm theo niềm cô độc kinh hoàng.
Ta là ai giữa cõi,
Cứ hát mãi bài ca thuở hồng hoang...

Ba người bỏ bánh ra ăn cho đỡ đói lòng. Tên trộm lấm lét nhìn quanh, thi thoảng cắn một miếng nhỏ, cái nghề ăn vào máu! Nhà sư tuột tay, đánh rơi thức ăn xuống đất, song vội vã nhặt lên, cắn một miếng to. Cát bánh trộn vào nhau, lạo xạo, cát cứa vào vòm miệng làm máu rỉ ra. Nhà sư vẫn trệu trạo. Người đời tất tả, có ai kịp để ý đến những vết thương quanh mình đây? Máu sẽ khô, nước mắt sẽ cạn, vết thương sẽ lên sẹo. Vậy đấy.

Học trò ăn hối hả, ăn xong lại lôi kinh sách ra đọc. Cậu nhớ những đêm trăng sáng nhòm song, sáng tới mức phụ đèn, cứ vậy nấu sử sôi kinh. Cậu nhận ra chữ nghĩa của cổ nhân ẩn chứa vô vàn huyền cơ nhưng đôi khi lại bảo thủ khôn cùng. Ngày ấy, hồng nhan thường trốn khỏi buồng khuê, từ ngoài ngõ trông vào trong gian nhà lá. Nàng mong thấy bóng tình lang cho thoả nỗi nhớ hay là mong thành bà thám bà trạng? Học trò nhớ tới Tú Xương và ngưỡng mộ ông vô cùng, đôi khi cả thương hại nữa. Văn chương không ăn được với triều đình hay nói đúng hơn, bậc đế vương chỉ coi văn chương là công cụ. Cứ nhìn gương Nguyễn Trãi mà xem. Bao đời nay vẫn thế.

Sa mạc ảnh 1

Tên trộm nhớ về khoảng ký ức xa xăm, ký ức thuộc về tuổi thơ với cánh đồng lúa trĩu nặng tinh hoa của trời đất, thuộc về ánh mắt trong của cô bé nhà bên, thuộc về giếng làng tựa gương báu soi mình, thuộc về khói bếp ấm cúng và bữa cơm quây quần. Còn nhà sư? Một nhà sư thì không cần quá khứ, ông ta có thể là vị tướng thất thế, một tay đồ tể, tướng cướp, tội nhân hoặc một sỹ phu ngán đời và từng bị đời quật cho lên bờ xuống ruộng nhiều lần. Quá khứ của nhà sư thường bí ẩn, đôi khi là bẩn thỉu nữa.

Này quá khứ,
Quá khứ của ai?
Sương mù thì dày,
Đời vẫn mông lung.
Đâu là sự thật cuối cùng?
Ta lục tìm bí ẩn suốt canh thâu,
Ta đi tìm ta,
Mòn mỏi...

Thời gian tưởng như vô hồi, vậy mà chớp mắt bóng đêm đã phủ kín nhân gian, những vì sao dát bạc lấp lánh trên cao. Có cặp sao một lớn một bé kè cạnh nhau, nom đến vui mắt. Học trò bảo:

- Sao phu thê đấy.

- Quan bác nhầm! Sao phú thương và dân đen. - Tên trộm xen ngang.

- A di đà phật, ấy là đức Như Lai đang độ hoá phàm nhân.

II. Họ ngả lưng nằm nghỉ, mắt ngập tràn bóng tối và những tinh cầu cao xa. Ở trong bóng tối người ta thấy được nhiều thứ, đa phần người đời đều như vậy. Có điều chẳng ai nhận ra và chỉ hướng về ánh sáng. Ánh sáng... Hướng về ánh sáng là một hành động đẹp. Cái đẹp có thể hồi sinh nhân loại đang mục rữa, khiến thánh thần rủ lòng thương xót nơi mà cái thiện thì hiếm hoi còn cái xấu cái ác thì khôn cùng - Thế giới của con người.

Có ngôi sao băng xẹt ngang qua đây, học trò thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên vô tận, chút gì đó ẩn hiện trong tim, hồi hộp và thôi thúc. Cậu tin vào tài học, tài văn và ngạo cốt của bản thân nhưng cũng tin vào bốn từ "học tài thi phận". Biết bao nhiêu kẻ bị quan khảo đui đánh hỏng, uổng một đời tài hoa. Biết bao nhiêu kẻ bất tài yếm trá, một bước thăng quan, trở thành phụ mẫu của muôn dân trong thiên hạ.

Ở cái đất này dân khổ đã thành quen, chẳng màng kêu la nếu như họ còn chịu đựng được. Biết đến bao giờ người ta mới hiểu tình trạng này là thảm thê?

Tên trộm hỏi:

- Nếu quan bác thi đỗ Trạng Nguyên thì sẽ làm gì?

- Làm quan. - Học trò buột miệng, giật mình vì nhận ra ý nghĩ này đã hằn sâu trong lòng mình từ lâu.

- À, đạo học làm quan. Vậy thì em khuyên bác một câu, ấy là chỉ nên coi nó như một nghề thôi. Đủ sống thì ta về. Đừng mong hành đạo làm gì. Triều đình đang oằn mình trước Pháp, chẳng màng mình kiếm chác được bao nhiêu đâu!

Phương Nam đớn đau...

- Mà thú thực với bác, quan trường ăn cướp như rươi!

Nhà sư niệm:

- A di đà phật.

Tên trộm làm hóm:

- Củ khoai chấm mật!

III. Vượt qua bãi cát, ba người đã tới chân Hoành Sơn. Màu trắng nhức mắt đã được thay thế bởi sắc xanh ngút ngàn. Tiếng sóng vỗ rì rào như có như không truyền về từ biển, mùi muối mặn cũng theo gió mà len lỏi đến tận non cao.

Này nhé, núi cao nghìn trùng,
Ngàn năm trước mi có ở đây không?
Đời người là cuộc chinh phục
Những non ngàn
Hỡi trời!
Ngài có thấy vạn sinh linh
Đang than khóc.

Hồi chia li đã tới. Trong cõi trần, ai cũng chỉ là khách qua đường mà thôi, chẳng thể nào đi cùng nhau cho tới rốt đời. Mỗi người đều là một kẻ lữ hành đơn độc.

Học trò bảo tên trộm:

- Anh sẽ đi đâu?

- Quan bác ạ, em sẽ đi hái trộm các vì sao!

Học trò tủm tỉm:

- Biết đâu anh lại thành thi sỹ.

- Ôi dào, quan bác ơi, mấy nghìn năm nay ai sinh ra ở cái đất này chẳng mang chất thơ. Này thơ khai hoang lập đất, thơ vong quốc, thơ Bắc thuộc, thơ độc lập, thơ chia cắt... Quốc gia thơ vạn tuế! Vạn tuế!

- A di đà phật.

- Thưa sư thầy, giờ người đi đâu? - Học trò lại hỏi.

- Ta cứ đi thôi con ạ. Đời người là một chuyến đi dài.

Năm ấy là Bảo Đại năm thứ nhất, ba người từ biệt nhau tại linh sơn, nhà sư và tên trộm bặt tăm bặt tích, còn cậu học trò lặn lội vào kinh dự thi những mong thu lại chút phấn hương cuối mùa*.

_________________

(*) Bảo Đại năm thứ nhất tức năm 1926. Còn khoa thi cuối cùng diễn ra vào Khải Định năm thứ ba tức năm 1919.

Theo QUỲNH PHẠM/nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast