Ấn tượng nghệ thuật sân khấu
Ông Mai Quốc Quyền - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phấn khởi: “Sau 10 năm vắng bóng các hội diễn, liên hoan, lần này, nghệ thuật sân khấu không chuyên đã trở lại. Hơn thế, sự trở lại này, còn rất khởi sắc với sự tham gia của 12 huyện, thị, thành với 12 vở diễn thuộc các hình thức, thể loại như kịch ngắn, kịch vừa, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, góp phần bảo tồn di sản phi vật thể. Đây không phải là hội diễn sân khấu chuyên nghiệp nhưng tính chuyên nghiệp, tính hiện đại đã được bộc lộ trong tư tưởng, kết cấu một số vở diễn, hình tượng các nhân vật, các thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn và những vấn đề gần gũi cuộc sống hôm nay”.
Tín hiệu đáng mừng của nghệ thuật sân khấu là có sự xuất hiện của lực lượng đạo diễn trẻ, phát huy hết khả năng sáng tạo trong lao động nghệ thuật, làm cho vở diễn giàu tính nghệ thuật như tác giả Tiến Khởi (Hương Khê), Thanh Nghệ (Thạch Hà), Đức Yên (Lộc Hà)… Cùng với đội ngũ sáng tác, hơn 110 diễn viên quần chúng đến từ nhiều ngành nghề, đơn vị như: Giáo viên, hội phụ nữ, y tế, học sinh, thậm chí lãnh đạo một số trung tâm VH-TT vẫn vào vai diễn như Nguyễn Thị Hường (Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT thị xã Kỳ Anh), Ngọc Châu (Giám đốc Trung tâm VH-TT thị xã Hồng Lĩnh)… càng làm cho sức sống của nghệ thuật sân khấu thêm mạnh mẽ.
Với tư cách là người tham gia ban tổ chức, ông Mai Quốc Quyền đánh giá: “Những tình yêu, tình cảm dành cho nghệ thuật sân khấu không chuyên chưa hề phai nhạt. Nghệ thuật sân khấu không chuyên vẫn còn sống mãi trong lòng người dân, chứa đựng thế giới tinh thần của con người”.
Tiết mục Liên hoan Tiếng hát dân ca học đường lần thứ VIII năm 2017 của Trường Tiểu học Cương Gián (Nghi Xuân)
Làm phong phú đời sống tinh thần
Nét nổi bật của nghệ thuật không chuyên là luôn lấp lánh vẻ đẹp thuần túy tình yêu nghệ thuật. Chỉ có thuần túy vậy, chứ không phải mưu cầu lợi nhuận mà người ta đến với biểu diễn, đến với sự cống hiến. Điều đó càng quý trọng biết bao trong thời buổi “kim tiền”, càng quý trọng hơn khi khán giả đến đông đúc và chào đón nồng nhiệt. Từ liên hoan tiếng hát học đường ở Nghi Xuân đến hội diễn nghệ thuật sân khấu đều toát lên niềm say đắm câu hát, lấy câu hát, vở diễn làm thông điệp với đời, chuyển tải nhân tình thế thái.
Người xem bắt gặp ở những “cuộc hội ngộ” nghệ thuật này những làn điệu ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, công ơn của Bác Hồ, những đổi thay trong xây dựng NTM, các “điểm nghẽn” từ hủ tục, quan niệm lỗi thời, tình đoàn kết thân ái, hạnh phúc gia đình… qua đó, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại hội diễn nghệ thuật sân khấu, người xem hào hứng với lối diễn xuất tinh tế, sáng tạo như diễn viên: Đức Cảnh, Thu Hoài (Hương Khê), Văn Thế (Lộc Hà), Trọng Tuấn (Thạch Hà), Thùy Trang (huyện Kỳ Anh), Thanh Hợi (Nghi Xuân)…. Ở Liên hoan tiếng hát học đường huyện Nghi Xuân, hơn 600 diễn viên không chuyên là các thầy, cô giáo, nhân viên và học sinh đến từ các trường học trên địa bàn đã thể hiện niềm say đắm qua 100 tác phẩm.
“Điểm nổi bật trong liên hoan lần này là sự đa dạng về nội dung và phong phú về thể loại từ ví, giặm Nghệ Tĩnh đến lẩy Kiều, ca trù” - Phó Trưởng phòng GD&ĐT - Trưởng ban Tổ chức hội thi Nguyễn Trung Thiên khẳng định.
Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Nghi Xuân Trần Thị Cảnh cho rằng: “So với các kỳ liên hoan trước, lần này, xuất hiện nhiều hơn các giọng ca “nhí”, nhiều giọng hát điêu luyện hơn về kỹ thuật, nhấn nhá, ngân nga theo đúng nhịp phách âm nhạc, phong cách biểu diễn cũng uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn. Một số tiết mục được dàn dựng công phu khiến khán giả ngỡ là chương trình biểu diễn của những diễn viên chuyên nghiệp”.