Đậm đà bát nước chè xanh. Ảnh internet
Khi chú gà trống đậu trên cành, phô cái mào đỏ kiêu hãnh ngẩng cao cất tiếng gáy, cũng là lúc người phụ nữ trong gia đình nhanh chân đi om ấm nước chè xanh. Ấm chè xanh giản đơn nhưng là tâm huyết, tấm lòng hiếu khách của chủ. Công đoạn nấu nước chè được chuẩn bị rất cẩn thận, kỹ càng. Chè phải tươi, cành nhỏ, lá dày.
Có nhiều cách om nước nhưng bố tôi thường bắc cả ấm chè lên bếp đun. Khi đun củi phải điều chỉnh lửa, nước sôi gần được phải hãm để nước chè có màu xanh vàng đẹp, ra đúng vị thơm chát của chè. Bố tôi thường nói, chè ngon là khi uống vào có vị chan chát đầu lưỡi nhưng ngòn ngọt trong cuống họng và sau đó tỏa hương thơm dịu nhẹ khoan khoái tinh thần.
Chè xanh là thức uống mà nhiều gia đình thôn quê Hà Tĩnh có thể “tự cung, tự cấp”
Cách thưởng chè của người dân quê tôi cũng thật đặc biệt. Nước chè ngon nhất là khi uống nóng. Hương thơm cùng làn khói tạo nên cảm giác vừa thư thái, vừa ấm cúng. Người ta thường bảo rượu ngon phải có bạn hiền, thì chè xanh cũng phải có bạn hiền để cùng “say hương, say vị, say tình, say trong bát nước chè xanh nghĩa tình”.
Chè xanh không chỉ ngon từ hương vị, mà điều làm nên cốt cách chính là từ khung cảnh thưởng trà được tái hiện qua câu hát chân chất: “Chõng tre có ấm chè xanh, tôi cùng với bác, ii… aa… với chị, với anh thưởng chè. Trên cao có ngọn gió rì rào. Ta đây rôm rả chuyện bên Lào cho tới Việt Nam”.
Nước chè xanh và kẹo cu đơ chứa đựng ân tình của người Hà Tĩnh.
“Lời mời cao hơn mâm cỗ” ấy mà tiếng gọi mời uống nước chè xanh cũng đặc biệt lắm. Không phải là trịnh trọng đi từng nhà, gõ cửa từng nơi, mà chủ nhà đứng ngay trước cổng nhà mình ới lên một tiếng. Chẳng câu nệ, quan cách mà chất chứa tình cảm thân thuộc, thấm đẫm nghĩa tình làng xóm.
Chỉ xoay quanh một ấm chè xanh, 7-8 nhà hàng xóm cận kề quây quần thưởng chè. Và bao câu chuyện trong làng, ngoài xóm được tỏ bày, thấu hiểu. Người ta truyền cho nhau phương thức làm ăn, kinh nghiệm sống, chia sẻ về điều hay lẽ phải, những vui buồn, động viên, nhắc nhở nhau. Mọi người như xích lại gần nhau hơn bên ấm chè xanh nghĩa tình.
Bên ấm nước chè xanh, hàng xóm láng giềng quây quần sẻ chia chuyện buồn vui
Giản dị vậy thôi, nhưng dường như điều đó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của biết bao thế hệ người dân quê ở Hà Tĩnh. Đó không chỉ là lối sinh hoạt thường nhật, mà nó thể hiện tình đoàn kết “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Ngày nay, nhà cao, tường kín đã thay đổi phần nào nếp sinh hoạt ở thôn quê, phong tục thưởng chè không còn được phổ biến rộng rãi như trước. Nhưng có lẽ dù đi muôn phương, trong lòng người xứ Nghệ vẫn luôn vang mãi tiếng gọi thân thương: “Bác ơi sang uống nước chè xanh đơiiii…”.