Về Hà Tĩnh người ơi!

(Baohatinh.vn) - Trong bài “Mừng chiến thắng trời quê”, nhà thơ Duy Thảo (Hà Tĩnh) viết: Cho lụa Hạ trên khung thêm mịn/ Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên… Cho Phúc Trạch quýt thơm bưởi ngọt/ Nón Ba Giang óng ả đường làng/ Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt/ Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang…

Hà Tĩnh hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Sản vật quê hương ngày càng đa dạng, phong phú, mời gọi du khách tìm về.

Đậm đà vị biển

Với 137 km đường bờ biển và truyền thống đánh cá, làm muối, chế biến hải sản lâu đời, những vùng quê biển Hà Tĩnh nay đang làm giàu có thêm tài nguyên biển, tạo ra những sản vật đặc trưng, có thương hiệu, mang vị đậm đà, ngon ngọt của biển đi khắp bốn phương. Hải sản Hà Tĩnh khá đa dạng, từ cao cấp đến bình dân, giá phải chăng, ai cũng dễ dàng thưởng thức, ăn một lần là nhớ mãi.

Về Hà Tĩnh người ơi!

Thiên Cầm - điểm nhấn thu hút du khách đến với du lịch biển Hà Tĩnh. Ảnh: Hương Thành

Đặc biệt, nhờ biển ngang chạy dài theo đất liền, nhiều chỗ nước sâu nên hải sản Hà Tĩnh rất đậm đà, độ ngon ngọt đặc trưng, khác với nhiều vùng biển trong cả nước. Xa xưa, Cẩm Nhượng từng có nước mắm Bà Thắm được nhận mề đay tại đấu xảo Pa-ri, nay nước mắm, mực khô, mực một nắng Thu Hùng được người dân cả tỉnh ưa chuộng. Chợ cá Cồn Gò - Cẩm Nhượng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, làm cho biển Thiên Cầm thêm sôi động, tràn căng sức sống.

Về Hà Tĩnh người ơi!

Sản phẩm nước mắm của HTX chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Anh) là 1 trong 2 cơ sở chế biến thủy hải sản được xét chọn sản phẩm chỉ đạo điểm chương trình OCOP năm 2019 của tỉnh. Ảnh: Thanh Hoài

Nước mắm Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh), nước mắm Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh), nước mắm Lạch Kèn (Nghi Xuân) được chế biến theo phương pháp sử dụng năng lượng mặt trời và đảo náo bằng hệ thống tự động, được chứng nhận sản phẩm OCOP đã mang đến cho thị trường Hà Tĩnh những mặt hàng mới, vừa đậm chất biển Hà Tĩnh, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người đi xa về gần có thêm thức quà quê ý nghĩa.

Gần đây, mực “nháy” (có người gọi mực nhảy) Vũng Áng, vị ngon “khó cưỡng” thành thương hiệu, níu bước du khách từ khắp mọi miền. Các vùng dịch vụ ven biển, ven sông được hình thành hấp dẫn du khách gần xa vừa tắm biển, vừa thưởng thức hải sản như Kỳ Ninh, Kỳ Xuân, Thạch Hải, Hộ Độ, Thạch Bằng, Cương Gián, Xuân Thành…

Ngọt thơm hương của đồng bằng

Nếu bàn tay chai sạn chèo thuyền đánh cá, câu mực của những ngư dân đã đưa đến những sản vật biển đậm đà thì bàn tay cần cù, một nắng hai sương của những người nông dân cũng tạo nên những sản vật hội tụ tình đất, tình người, tình quê.

Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người. Câu thơ ai viết đã thành ca dao thời mới, mỗi lần đọc lên làm gợi nhớ tấm kẹo cu-đơ ngon giòn, thơm phức được tạo nên từ mật của những cây mía ngọt lừ bởi gió heo may, những hạt lạc qua mưa nắng trên đồng và tấm bánh đa làm từ hạt gạo qua “một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng” của người nông dân.

Về Hà Tĩnh người ơi!

Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người

Từ thức quà ở chợ quê Hương Sơn, kẹo “Cu Hai” đã thành sản phẩm OCOP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Cu đơ Hà Tĩnh đã được sản xuất và bày bán nhiều nơi, đặc biệt là ở TP Hà Tĩnh, tạo việc làm cho nhiều người dân.

Cùng với cu đơ, nhiều sản vật vùng đồng bằng, sông nước của Hà Tĩnh chưa được công nhận là OCOP nhưng đã đi vào cuộc sống người dân như ruốc rươi Xuân Hồng (Nghi Xuân), hến chợ Thượng, thịt dê Trường Sơn, bánh gai làng Khoóng (Đức Thọ), miến gạo Việt Xuyên (Thạch Hà), gạo quê Cẩm Xuyên v.v… Gần đây, các sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng của người dân các vùng đất cát ven biển và bán sơn địa đã mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm mới, chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

Quà ngon của núi rừng

Hà Tĩnh có nhiều diện tích đồi núi nằm chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Tiềm năng của đồi núi đã được người dân đánh thức và ngày càng phát triển như: Nuôi ong lấy mật, nuôi hươu, gà đồi, dê núi, trồng các loại cây ăn quả có múi đặc sản. Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng cả nước bởi vị ngọt thanh, càng ăn càng thấm vào đầu lưỡi sự thơm thảo, đến nỗi mỗi lần nhớ đến là người ăn quen lại ứa nước miếng vì thèm.

Về Hà Tĩnh người ơi!

Cam Thượng Lộc (Can Lộc)

Hiện nay, ngoài 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Đô được công nhận là vùng bưởi Phúc Trạch thì một số xã như Hương Thủy, Hà Linh cũng trồng giống cây này nhưng vị ngon thì không thể sánh bằng.

Cam Khe Mây (Hương Khê), cam Thượng Lộc (Can Lộc), cam Đức Bồng, mật ong (Vũ Quang)… được chắt lọc vị ngọt ngon từ hoa trái núi rừng và giọt mồ hôi nhẫn nại nhỏ xuống của người nông dân nên đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm này đều đã được chứng nhận OCOP, có chỉ dẫn địa lý, được mang đi các hội chợ xa gần và bán với số lượng lớn. Đây cũng chính là sản phẩm làm giàu của người dân các vùng thượng Hà Tĩnh.

Về Hà Tĩnh người ơi!

Hươu Hương Sơn

Tận dụng những sản phẩm đặc trưng của núi rừng, các doanh nghiệp Hà Tĩnh như Công ty CP Dược, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại đã chế xuất ra các sản phẩm rượu nhung hươu, cao nhung hươu, viên thực phẩm chức năng nhung hươu... phục vụ thị trường cả nước. Chè Hương Sơn, Kỳ Anh với vị chát thơm đậm đà, nước xanh trong được Công ty CP Chè Hà Tĩnh xuất khẩu ra nhiều nước ở trên thế giới.

Về Hà Tĩnh người ơi! Câu hát ấy bây giờ không chỉ gợi về một vùng non nước hữu tình, địa linh nhân kiệt mà còn gợi nhớ những sản vật đặc trưng của một vùng quê yêu dấu.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống