Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Xã Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) không chỉ nổi tiếng với di sản Mộc bản Trường Lưu, Hoàng Hoa sứ trình đồ mà nơi đây còn lưu giữ 10 ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Ngôi nhà hơn 300 năm tuổi của gia tộc ông Nguyễn Huy Thản

Theo chân cán bộ văn hóa xã Trường Lộc, chúng tôi đến tham quan ngôi nhà cổ có trên 300 năm tuổi của gia tộc ông Nguyễn Huy Thản ở thôn Phượng Sơn, xã Trường Lộc. Nhiều năm nay, ông Thản định cư cùng con cháu ở TP Hồ Chí Minh nhưng vì muốn lưu giữ "bảo vật" của gia đình, ông Thản đã thuê người cháu dâu nhà ở gần kề hằng ngày trông coi, chăm sóc ngôi nhà.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Hệ thống xà, cột được khắc chạm rất tinh tế

Chị Nguyễn Thị Minh – cháu dâu ông Thản, cho biết: “Mọi thứ trong ngôi nhà đều có từ rất xưa. Duy chỉ có mái ngói được thay mới cách đây 7 năm vì đã hư hỏng quá nhiều. Tháng nào cũng có đoàn tham quan hoặc đoàn làm phim đến mượn làm nơi để quay phim, chụp ảnh. Cách đây 2 ngày có đoàn làm phim của tỉnh Nghệ An cũng sang mượn nhà để quay phim...”.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Trong nhà đầy ắp những dấu vết xưa bằng chữ Hán Nôm và những nét chạm khắc tinh xảo.

Trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Thản, tất cả các vật dụng gia đình đều rất cổ kính; hệ thống xà, cột, kèo bằng gỗ được khắc chạm rất tinh xảo. Trong nhà treo rất nhiều bức hoành phi khắc bằng chữ Hán Nôm.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Bức tường bằng gỗ ngăn cách phòng khách với phòng ngủ của thiếu nữ

Các gian nhà được phân chia bằng các cột. Trong đó có 3 gian thông nhau. 3 gian này được bố trí là nơi thờ tự, đặt bàn ghế tiếp khách. Ở khu vực đặt bàn ghế tiếp khách có một bức tường bằng gỗ ngăn cách với phòng ngủ - nơi nghỉ ngơi kín đáo dành cho thiếu nữ xưa.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Những ngôi nhà cổ ở Trường Lộc là nơi lớn lên của nhiều thế hệ con em nơi đây

Điểm chung của những ngôi nhà cổ ở đây là chất liệu đều được làm bằng gỗ, chủ yếu là gỗ lim - loài gỗ có độ bền, sức chống chịu cao trước những khắc nghiệt của khí hậu, thời gian... Ngoài ra, hầu hết các ngôi nhà đều được thiết kế theo kiểu truyền thống: 4 gian, 1 hồi.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Ngoại trừ ngói lợp và nền nhà đã được các gia đình nâng cấp, sửa chữa thì về căn bản ngôi nhà vẫn giữ được những nét kiến trúc tinh tế cổ xưa.

Sống trong ngôi nhà cổ có tuổi đời nhiều hơn mình rất nhiều, cụ Trần Thị Lan (92 tuổi, thôn Phượng Sơn, xã Trường Lộc) cho biết: “Tôi lấy chồng về đây thì ngôi nhà đã có rất lâu rồi. Đến bây giờ, ít nhất nhà này cũng phải có tuổi thọ trên 200 năm. Nhìn bên ngoài, nhà rất thấp và nhỏ nhưng nhờ được làm bằng gỗ nên rất mát mẻ vào mùa hè và ấm cúng về mùa đông”.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Bà Trần Thị Lan sống những năm tháng tuổi già ở đây để gìn giữ ngôi nhà cổ

Gắn bó với ngôi nhà đã lâu nên dù con cái thành đạt ở các thành phố lớn và đều mong muốn đón về phụng dưỡng nhưng bà Trần Thị Lan vẫn không thể rời xa, bà quyết định sẽ sống những năm tháng tuổi già ở đây một phần để gìn giữ di sản của ông cha.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Trước nhà cổ còn có giếng nước cổ được xây bằng hình vuông

Qua khảo sát của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh năm 2016, tại xã Trường Lộc hiện có hàng chục ngôi nhà gỗ được thiết kế theo phong cách cổ xưa; trong đó có 10 ngôi nhà trên 100 năm tuổi, tập trung ở các thôn: Phượng Sơn, Đông Thạc, Phúc Trường. Những ngôi nhà cổ này đều được đưa vào diện cần bảo tồn để phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Khám phá nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở Trường Lưu

Một ngôi nhà cổ ở xóm Phúc Trường sau thời gian đã bị xuống cấp, cột nhà bị mối mọt ăn mòn, cần được bảo tồn

Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã quy hoạch 10 ngôi nhà cổ này trở thành một phần của di sản, là địa chỉ tham quan, tìm hiểu lịch sử của du khách khi đến Trường Lưu. Tuy nhiên, trải qua thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên những ngôi nhà này hiện nay đã xuống cấp. Nếu không nhanh chóng có phương án bảo tồn thì những giá trị văn hóa - lịch sử của các di sản này sẽ dần dần bị mai một.

Chị Lê Thị Vân Hương - cán bộ văn hóa xã Trường Lộc

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast