Những người giữ lửa câu ví Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Tạm quên đi những tất bật của cuộc mưu sinh, của tuổi già hay khoảng cách thế hệ, những đêm trăng sáng, bên ấm chè xanh, điệu ví phường vải Trường Lưu (xã Trường Lộc, Can Lộc) lại được các bà, các mẹ cất lên tha thiết.

Những người giữ lửa câu ví Trường Lưu

Ở tuổi 70 nhưng giọng hát của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà vẫn mượt mà, sâu lắng

Bước sang tuổi 70 nhưng giọng hát của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà ở Trường Lưu vẫn mượt mà, sâu lắng. Thời gian như những lớp phù sa bồi lắng trong tâm hồn bà tình yêu, niềm tự hào về câu ví quê hương để tình yêu ấy cứ đằm sâu trong từng câu hát. Bà cho biết: “Chúng tôi lớn lên nhờ những câu ví của ông bà, cha mẹ nên cũng như bao người con trên quê hương, ví phường vải đã ăn sâu vào máu thịt và suốt cuộc đời".

Theo những nghệ nhân trong xã, hát ví phường vải rất khó bởi lời ca vừa dung dị vừa sâu sắc, vừa hóm hỉnh lại uyên bác. Tuy xuất phát từ lao động, sản xuất, mang đậm hơi thở của cuộc sống, những câu hát ví lại chứa đựng sự thông minh, tinh tế và hàm chứa tình cảm da diết của người hát. Hát ví phường vải ở Trường Lưu cũng rất chặt chẽ, quy củ, có luật và cũng bởi có sự tham gia của các văn nhân, nho sĩ nên lối hát càng khắt khe, uyên thâm.

Ví phường vải Trường Lưu còn độc đáo bởi thổ âm. Có thể rất nhiều người biết hát ví nhưng không nơi đâu thể hiện được hồn cốt của câu hát bằng những người con sinh ra và lớn lên ở đất này: Con ngựa chạy giữa đàng nói con ngựa cất, con cá bán giữa chợ nói con cá thu, anh mà đối được em mần du mẹ thầy/ Con rắn bò giữa đàng nói con rắn lại, con cá lội dưới nước nói con cá leo, anh đà đối được em phải theo anh về.

Những người giữ lửa câu ví Trường Lưu

Ví phường vải Trường Lưu đã khẳng định được chỗ đứng trên sân khấu bằng những giải thưởng (trong ảnh: Tiết mục diễn xướng "Gái phường vải, trai làng rèn")

Gắn bó với làn điệu quê hương, những người hát ví Trường Lưu càng hát, càng nghiện. Cũng bởi yêu, bởi nghiện nên từ thuở lên bốn lên năm, Nghệ nhân dân gian Trần Thị Lý đã trở thành một trong những hạt nhân nhí của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Trường Lưu. Và đến hôm nay, sau hơn 60 năm gắn bó với phong trào, tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên trong trái tim của bà.

Bà cho biết: “Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống và máu nghệ sỹ. Ông bà tôi cũng nên duyên từ những đêm hát đối, bố tôi là nghệ sỹ nghệ nhân Đức Duy. Được thừa hưởng chất giọng và di truyền dòng máu ấy, từ bé tôi cũng đã đam mê hát ví. Không chỉ riêng tôi mà cả đại gia đình đều là lực lượng nòng cốt trong từng tiết mục biểu diễn của phong trào văn nghệ quần chúng thời bấy giờ. Truyền thống của gia đình, sự dìu dắt của người cha giúp tôi trưởng thành theo năm tháng. Và cho đến hôm nay, lời cha dặn về trách nhiệm giữ gìn ngọn lửa tình yêu câu ví cho thế hệ mai sau vẫn được tôi ghi nhớ”.

Những người giữ lửa câu ví Trường Lưu

Niềm tự hào về câu ví của cha ông được thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy, gìn giữ

Mong muốn tạo sự lan tỏa phong trào hát ví trong đời sống cộng đồng đã được các nghệ nhân ở Trường Lưu bắt đầu bằng việc sưu tầm lời cổ và sáng tác những ca khúc mới. Nếu như ở Nghệ nhân dân gian Trần Thị Lý là lợi thế từ những làn điệu cổ được cha truyền con nối, thì ở Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà là năng khiếu trong việc sáng tác và dàn dựng những làn điệu mới. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là niềm say mê và tình yêu dân ca ví giặm. Câu lạc bộ ví phường vải Trường Lưu đã được hình thành từ mong muốn và niềm say mê ấy.

Gắn bó với quê hương, với đồng ruộng, người nghệ sỹ luôn phải tất bật với cuộc mưu sinh, nhưng mỗi buổi sinh hoạt văn nghệ bên ấm nước chè xanh, họ dường như đã quên đi vất vả đời thường để thả hồn theo từng điệu ví. Niềm say mê ấy đã thực sự tiếp lửa cho các thế hệ hôm nay biết yêu quý những giá trị di sản vô giá mà cha ông để lại.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà cho biết: “Để duy trì sức sống cho câu lạc bộ, điều quan trọng nhất không chỉ là việc tập luyện mà còn phải sân khấu hóa. Với sự quan tâm của cấp trên, CLB chúng tôi giờ đã được trang bị đầy đủ trang phục, đạo cụ để biểu diễn chứ không còn phải bỏ tiền túi đi thuê như trước nữa”.

Với các nghệ sỹ, nghệ nhân, phần thưởng và niềm vui lớn nhất đó là sự cống hiến không mệt mỏi của họ đã được ghi nhận bằng sự lan tỏa của phong trào hát ví trong đời sống cộng đồng. Từ CLB của xã, đến nay, các trường học trên mảnh đất văn hóa này cũng thành lập các CLB dân ca ví giặm. Và các nghệ nhân lại trở thành những người thầy dạy hát cho học sinh trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Ở Trường Lưu, kho tàng văn hóa vô giá mà ông cha để lại vẫn còn nguyên vẹn với thời gian và lan tỏa mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ tiếp nối bởi sự nhen nhóm và giữ lửa của các nghệ nhân trong đời sống cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast